Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Bảy, 12/5/2012 18:14'(GMT+7)

Gia Lai: Chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Xác định hoạt động tuyên truyền miệng (TTM) qua đội ngũ báo cáo viên (BCV), tuyên truyền viên (TTV) là lĩnh vực quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Nhiệm vụ quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là tích cực tuyên truyền việc nghiên cứu học tập, quán triệt các văn kiện Đại hội, xây dựng và triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị…đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Làm tốt công tác tuyên truyền sẽ góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội và những âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đến nay, đội ngũ BCV, tuyên truyền viên của Đảng bộ tỉnh được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở. Đến 2011, toàn tỉnh có 43 đồng chí Báo cáo viên Tỉnh uỷ; 662 Báo cáo viên cấp huyện (trong đó có 92 BCV là người dân tộc thiểu số); 310 Báo cáo viên các ngành; 400 Báo cáo viên cấp xã; gần 1.000 tuyên truyền viên. Đội ngũ báo cáo viên các cấp đều có trình độ chuyên môn từ Cao đẳng, đại học trở lên, thường xuyên được bổ sung, kiện toàn, trang bị những kiến thức cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ và cung cấp thông tin hàng tháng.

Gia Lai là tỉnh Tây Nguyên có địa bàn rộng, phức tạp với 44,8% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp; giao thông đi lại nhiều vùng còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa nên thông tin đến với người dân còn hạn chế, không đầy đủ, thiếu tính hệ thống và chưa thường xuyên, kịp thời, nhất là các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở là lực lượng nòng cốt, chủ yếu của cấp uỷ thông qua hoạt động tuyên truyền miệng.

Theo đồng chí Thái Thanh Bình, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, trong sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay trên cơ sở những thành tựu của khoa học công nghệ, thì công tác tuyên truyền miệng của tỉnh vẫn giữ nguyên tầm quan trọng về vị trí của nó trong hoạt động tuyên truyền, có lúc cần phải được coi trọng hơn bỡi nó có thể thực hiện được ở mọi nơi, mọi lúc, đưa thông tin đến nhân dân trong mọi hoàn cảnh, điều kiện mà không bị phụ thuộc vào công cụ, không gian và thời gian. Ví dụ như trong các cuộc họp vận động quần chúng tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, báo cáo viên phải tuyên truyền bằng hai thứ tiếng Kinh và Bahnar (hoặc Kinh-Jarai).

Thực tiễn trong thời gian qua, công tác tuyên truyền miệng của tỉnh hoạt động đúng mục đích, đúng định hướng chính trị, luôn duy trì với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, cung cấp thông tin kịp thời, đảm bảo tính định hướng và tính thời sự, giải đáp đúng những vấn đề nổi cộm đang được dư luận quan tâm. Từ năm 2011 đến nay, đã tổ chức được 8 kỳ hội nghị Báo cáo viên cung cấp thông tin cho trên 1.500 lượt báo cáo viên tỉnh, huyện và các ngành; thông báo thời sự tại một số địa phương, đơn vị kịp thời cung cấp nhiều thông tin có chất lượng, mang tính hệ thống, tính định hướng cho đội ngũ báo cáo viên. Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành uỷ đã tổ chức thường xuyên và định kỳ được 62 hội nghị báo cáo viên. Các hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh được duy trì đều đặn hàng quí, cấp huyện hàng tháng và khi có sự kiện nổi bật, đột xuất thì tổ chức với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị của tỉnh, từng bước đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng bám sát thực tiễn, bám sát cơ sở, chuyển tải thông tin và tăng cường tính đối thoại để khắc phục tình trạng một chiều, thụ động.

Đội ngũ báo cáo viên ở cấp huyện, thị, thành ủy và cơ sở thường xuyên bám cơ sở, làm tốt vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác tuyên truyền miệng của Đảng, trực tiếp là cầu nối giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, sự gần gũi của người làm công tác tuyên truyền miệng là điều kiện thuận lợi để cho quần chúng nhân dân có thể bày tỏ thái độ, tình cảm của mình đối với những vấn đề xã hội; từ đó giúp cho người cán bộ, đảng viên có thể giải quyết kịp thời những vấn đề tư tưởng nóng hổi nhất của cuộc sống đặt ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong thời gian qua thì công tác tuyên truyền miệng của Đảng bộ tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là ở cơ sở. Một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm đến công tác này, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho báo cáo viên, tuyên truyền viên hoạt động, có nơi còn khoán trắng cho Ban Tuyên giáo. Chất lượng báo cáo viên chưa đồng đều, đội ngũ tuy đông nhưng chưa mạnh; một số báo cáo viên, tuyên truyền viên còn thiếu kinh nghiệm, còn thiếu sắc bén. Phương thức hoạt động chưa có sự đổi mới rõ nét, tính chiến đấu còn hạn chế, phương pháp chưa linh hoạt. Chế độ, chính sách điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động báo cáo viên còn nghèo nàn, nhất là ở cấp cơ sở. Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa được thường xuyên. Việc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm đối với công tác tuyên truyền miệng chưa được quan tâm thường xuyên.

Bên cạnh khắc phục được những hạn chế, bất cập nêu trên thì công tác tuyên truyền miệng của tỉnh cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cả về nội dung và phương pháp, thể hiện vai trò đi trước, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần đưa thông tin định hướng của Đảng đến với các tầng lớp nhân dân, giữ vững niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới./.

Ánh Hồng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất