Chủ Nhật, 24/11/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Ba, 27/3/2012 23:20'(GMT+7)

Gia Lai: Tăng cường đưa quy chế dân chủ ở cơ sở vào cuộc sống

Quy chế dân chủ cơ sở góp phần tạo nên sự ổn định ở các địa phương. Ảnh: PV

Quy chế dân chủ cơ sở góp phần tạo nên sự ổn định ở các địa phương. Ảnh: PV

Ngay sau khi có kết luận số 65-KL/TW, ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tỉnh ủy đã Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tỉnh. Đồng thời ra Quyết định củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quan liêu, tham nhũng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, Quy chế tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Chú trọng đẩy mạnh công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhận thức sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở,từ đó đã tạo được sự tham gia hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đem lại những kết quả nhất định.

Cần tăng cường tiếp xúc giữa chính quyền và người dân. Ảnh: AH

Đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp chú trọng thực hiện quy chế dân chủ gắn với cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách về thể chế hành chính, tổ chức bộ máy, chất lượng cán bộ, công chức, tài chính công. Đến nay, 100% sở, ngành thuộc tỉnh, đơn vị cấp huyện đã tiến hành cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”; một số cơ quan hiện đang áp dụng cơ chế “một cửa liên thông” và triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN ISO - 2000). 100% các cơ quan, đơn vị đã xây dựng hoàn chỉnh các loại văn bản về thực hiện dân chủ, như: Quy chế làm việc của ban thanh tra nhân dân; quy chế tiếp công dân; quy chế chi tiêu nội bộ.... Công tác kiểm tra, tiếp dân, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân được chú trọng. Chương trình nghị sự các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện được tường thuật trực tiếp để nhân dân theo dõi, kịp thời có ý kiến phản hồi. Qua đó, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ của phần lớn cán bộ công chức đã nâng lên rõ rệt.

Đối với cơ sở xã, phường, thị trấn đã từng bước đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức thực hiện quy chế dân chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được tiến hành khá nghiêm túc, qua đó, công tác cải cách hành chính, mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân tiếp tục được cải thiện, dân chủ hóa trong đời sống xã hội tại cơ sở từng bước được đảm bảo... Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ luôn được cấp ủy, chính quyền chú trọng kiện toàn, thực hiện tốt công tác phối hợp kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ cũng như những vấn đề bức xúc tác động đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Việc đề cử, miễn nhiễm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát cộng đồng được công khai để nhân dân tham gia bàn luận theo đúng quy định. Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở cấp xã; xây dựng quy ước thôn, làng, tổ dân phố được thực hiện nghiêm túc (đã có 100% xã, phường, thị trấn thực hiện). Hoạt động của hội đồng nhân dân được đổi mới, chất lượng các buổi tiếp xúc cư tri ngày càng được cải tiến. Công tác cải cách thủ tục hành chính từng bước được nâng lên theo hướng tinh giản, rút ngắn thời gian giải quyết. Toàn tỉnh hiện có 194/222 xã, phường, thị trấn đã thực hiện cơ chế “một cửa”.

Bên cạnh đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tỉnh đã triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: “Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực thực hiện pháp lệnh dân chủ xã, phường, thị trấn tỉnh Gia Lai”. Qua đó, đã đánh giá lại kết quả và thực trạng trong quá trình triển khai qui chế dân chủ trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện tốt sự phối hợp giữa ban giám đốc doanh nghiệp với ban chấp hành công đoàn. Thông qua đại hội cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động thảo luận công khai các vấn đề liên quan đến quyền lợi, lợi ích của người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước đã thành lập ban thanh tra công nhân, nhờ đó công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị được tăng cường, lợi ích của người lao động được đảm bảo. Việc tổ chức, sắp xếp lao động và đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được các doanh nghiệp quan tâm, nhất là đối với công nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể nói, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần xây dựng, kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị; giúp cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo hoàn thiện hơn về phẩm chất chính trị, năng lực công tác và lòng nhiệt thành đối với trách nhiệm được Đảng và Nhà nước phân công. Chính quyền các cấp đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức. Hội đồng nhân dân các cấp chú trọng nâng cao chất lượng giám sát các vấn đề kinh tế - xã hội, làm tốt công tác tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân từng bước giải quyết những vướng mắc ngay từ cơ sở. Mặt trận và các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, vận động đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đóng góp ý kiến vào nghị quyết của hội đồng nhân dân, tham gia giám sát các hoạt động của chính quyền, phối hợp tiếp xúc cử tri, tổ chức có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động ở địa phương như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào “Dân vận khéo” và các hoạt động từ thiện nhân đạo “đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ vì người nghèo”.

Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh; sự chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện của các cấp cơ sở và sự tham gia nhiệt tình của nhân dân, Quy chế dân chủ đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, quyền làm chủ của nhân dân được tôn trọng và phát huy trên hầu hết các lĩnh vực, góp phần đáng kể để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, xây dựng hệ thống chính trị thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng mừng đó, quá trình thực hiện quy chế dân chủ vẫn còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản về thực hiện quy chế dân chủ tại một số địa phương, đơn vị triển khai còn chậm; hoạt động của một số ban thanh tra nhân dân, ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ còn mang tính hình thức, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chưa cao; một số nội dung về thực hiện quy chế dân chủ chưa được công khai thảo luận.

Vì vậy, để thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, tỉnh cũng đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các văn bản về quy định thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở; tiếp tục chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, quy ước, hương ước ở thôn, làng, tổ dân phố; Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp và hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ tỉnh. Đồng thời đề xuất với cấp trên nâng Nghị định 71, Nghị định 07 và Nghị định 87 của Chính phủ thành Pháp lệnh để có tính pháp lý cao hơn trong việc thực hiện quy chế dân chủ; mở rộng việc thực hiện nghị định 71 đến cơ quan xã, phường, thị trấn. Sửa đổi Thông tư liên tịch số 09/1998/TTLT-TCCP-TLĐLĐ về tổ chức và nội dung hội nghị cán bộ, công chức trong cơ quan hàng năm cho phù hợp với yêu cầu thực tế và từng loại hình cơ quan, có hướng dẫn tài liệu tập huấn quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở; hướng dẫn thành lập ban chỉ đạo quy chế dân chủ ở cơ sở một cách thống nhất để đưa việc thực hiện quy chế dân chủ thành tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng đảng viên, công chức, người lao động và làm cơ sở để phân loại, khen thưởng đối với các loại hình cơ sở./.

Khánh Ly

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất