Thứ Sáu, 10/5/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Năm, 3/11/2022 17:0'(GMT+7)

Giải pháp phát triển sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng

Quang cảnh diễn đàn.

Quang cảnh diễn đàn.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Tổng cục Phòng chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai phối hợp tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp phát triển sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng” diễn ra chiều ngày 3/11/2022, tại tỉnh Lào Cai.

Diễn đàn “Giải pháp phát triển sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng” nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho người dân về kỹ năng ứng phó với thiên tai, đặc biệt là việc giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả tại các địa phương, qua đó đề ra các giải pháp cụ thể.

Tham dự diễn đàn có đồng chí Lê Quốc Thanh; Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Phòng Chống thiên tai; đồng chí Tạ Công Huy, PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai; đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Yên Bái và Lào Cai cùng gần 150 đại biểu là bà con nông dân đến từ tỉnh Lào Cai. Đông đảo các cơ quan báo chí truyền thông đã đến tham dự và đưa tin về diễn đàn.

Báo cáo tại Diễn đàn của Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho thấy, khu vực miền núi phía Bắc có địa hình chủ yếu là đồi, núi hiểm trở, lượng mưa tập trung chủ yếu vào mùa mưa… là những nguyên nhân chính khiến khu vực chịu thiệt hại nặng nề bởi các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn, lũ, ngập lụt, rét hại, sương muối, lốc, sét, mưa đá, động đất, hạn hán... Từ tháng 11/2022 - 1/2023, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ phổ biến ở mức thấp, nguy cơ thiếu nước cục bộ có khả năng xuất hiện tại khu vực Tây Bắc trong mùa khô năm 2023.

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai tại Diễn đàn, khu vực miền núi phía Bắc có địa hình chủ yếu là đồi, núi hiểm trở, chia cắt mạnh, theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, độ dốc lớn cùng với địa chất phức tạp, lượng mưa tập trung chủ yếu vào mùa mưa, suy giảm chất lượng và số lượng rừng đầu nguồn cùng với tập quán sinh sống, canh tác… là những nguyên nhân chính khiến khu vực chịu thiệt hại nặng nề bởi các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn, lũ, ngập lụt, rét hại, sương muối, lốc, sét, mưa đá, động đất, hạn hán...

Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay, trên khu vực đã xảy ra 26 trận dông, lốc, sét, mưa đá; 111 trận mưa lớn lũ quét, sạt lở đất; 2 đợt rét đậm, rét hại; 14 trận động đất. Tính đến ngày 30/10/2022, thiên tai đã làm 58 người chết, mất tích; 35 người bị thương; 68 nhà sập đổ, 3.880 nhà bị hư hại, tốc mái; 25.145 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính trên 3.500 tỷ đồng.

Trước những thách thức về thời tiết trong khu vực như trên, Cục đã đề xuất một số giải pháp như: Lập bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu. Chủ động di dời dân cư sinh sống tại khu vực không bảo đảm an toàn... Đồng thời, nghiên cứu, chuyển đổi sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng, gia súc, gia cầm chủ động thích ứng thiên tai, nhất là mưa lũ, rét hại, sương muối. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở đảm bảo phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, nhất là mưa đá, giông lốc.

Tại diễn đàn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã đưa ra một số giải pháp nhằm giúp người dân sản xuất nông nghiệp hiệu quả thích ứng với từng loại hình thiên tai thích hợp với từng vùng miền trên cả nước.

Cụ thể, tại vùng miền núi phía Bắc, đối với chuồng nuôi đại gia súc bà con lưu ý cần đảm bảo ấm và đủ độ thông thoáng, có mái che không để mưa hắt vào chuồng nuôi. Trong chuồng nên có ô thoáng phía trên để lưu thông không khí, khi đốt lửa sưởi, khói sẽ thoát ra ngoài, không tích khí độc trong chuồng ảnh hưởng tới sức khỏe trâu, bò.

Đặc biệt, bà con nên dự trữ thức ăn cho trâu bò như phơi khô cỏ và chế biến phụ phẩm nông, công nghiệp sẵn có, ủ chua một số loại cỏ để cung cấp thức ăn thô xanh cho trâu, bò trong vụ đông; bổ sung vitamin và khoáng chất (đá liếm) cho vật nuôi.

Về chuồng nuôi gia cầm, người dân nên chuẩn bị đầy đủ phên, bạt che chắn, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điện (bóng tròn, bóng hồng ngoại) để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại. Quây úm gia cầm cầm được kiểm tra thường xuyên đảm bảo nhiệt độ trong chuồng theo hướng dẫn kỹ thuật quy định cho từng độ tuổi... Những ngày nhiệt độ dưới 15 độ C các hộ chăn nuôi nên cho trâu, bò uống nước ấm, cần bổ sung 0,3% muối ăn vào trong nước uống cho trâu bò. Với gia cầm và lợn: cho uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm đường gluco, các loại vitamin tổng hợp, men tiêu hoá để nâng cao khả năng chống bệnh...

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi những giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng, giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai đến sản xuất nông nghiệp. Theo đó, cần lắp đặt hệ thống cảnh báo do lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt: Nâng cao chất lượng công tác dự báo mưa định lượng, mưa, lũ cục bộ; xây dựng, củng cố hệ thống theo dõi, giám sát và cảnh báo mưa, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; lập bản đồ cảnh báo thiên tai nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu. Nghiên cứu, chuyển đổi sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng, gia súc, gia cầm chủ động thích ứng thiên tai, nhất là mưa lũ, rét hại, sương muối, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thời tiết…

Mô hình nuôi gà ri, gà lai mía ở Bảo Thắng, Lào Cai

Mô hình nuôi gà ri, gà lai mía ở Bảo Thắng, Lào Cai

Ban Cố vấn đã trả lời các câu hỏi của các đại biểu xoay quanh các vấn đề sinh kế ứng phó với các loại hình thiên tai, các chế độ, chính sách của Nhà nước hỗ trợ các gia đình, trang trại bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai. Các phương án chuyển đổi sản xuất, lựa chọn các giống cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu…

Trước đó, từ chiều ngày 2/11 đến sáng 3/11, các đại biểu tham dự Diễn đàn đã đi tham quan các mô hình trồng bưởi gắn với tiêu thụ sản phẩm tại Đoan Hùng (Phú Thọ), mô hình liên kết tiêu thụ sản xuất cá thương phẩm ở xã Cốc San, Tp. Lào Cai (Lào Cai) và mô hình chăn nuôi gia cầm tại huyện Bảo Thắng (Lào Cai)./.

Văn Hùng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất