Chủ Nhật, 29/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 11/6/2011 11:22'(GMT+7)

Giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị

Xét về mặt lý luận, kinh tế hay chính trị đều được cấu thành bởi 4 yếu tố: 1-Tư tưởng, quan điểm, tư duy, học thuyết, đường lối, chính sách; 2-Tổ chức; 3- Hoạt động; 4- Quan hệ trong từng lĩnh vực. Vì thế, khi nói đổi mới kinh tế hay đổi mới chính trị là phải đề cập đến cả 4 yếu tố cấu thành nói trên.

Điểm lại hơn 25 năm qua Đảng ta đã đổi mới hai lĩnh vực này như thế nào?

Thành tựu nổi bật nhất trong lĩnh vực kinh tế là nước ta đã chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chuyển từ kinh tế đơn thành phần, đơn loại hình sở hữu sang kinh tế đa thành phần, đa loại hình sở hữu; chuyển từ công nghiệp hóa, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, sang công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa, gắn với thị trường, gắn với khoa học công nghệ hiện đại và hướng tới kinh tế tri thức; chuyển nền kinh tế chưa thật sự mở cửa sang nền kinh tế hội nhập quốc tế ngày càng rộng và sâu.

Còn đổi mới về chính trị, thành tựu bao trùm nhất là Đảng ta đã tự đổi mới từ quan điểm, tư duy đến đổi mới đường lối, chủ trương, chính sách, từ đổi mới công tác tổ chức đến công tác cán bộ, từ đổi mới nội dung lãnh đạo đến phương thức lãnh đạo, từ đổi mới kiểm tra đến mở rộng dân chủ trong Đảng, từ việc tự đổi mới trong Đảng đến việc lãnh đạo đổi mới cả hệ thống chính trị.

Chính sự tự đổi mới đó của Đảng, nước ta mới có những kết quả to lớn trong đổi mới kinh tế.

Đảng đã lãnh đạo đổi mới từ Nhà nước chuyên chính vô sản chuyển sang Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời, tiến hành đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội. Các tổ chức này đã có nhiều cố gắng khắc phục tình trạng hành chính hóa, phô trương, hình thức và nâng cao chất lượng hoạt động, làm tốt công tác dân vận theo phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, đồng thời thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội. Nhà nước cũng đã ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở để Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Những đổi mới nói trên có ý nghĩa rất quan trọng làm cho hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh và huy động sức dân vào việc phát triển kinh tế.

Một thành tựu quan trọng đáng chú ý nhất của đổi mới chính trị là tạo ra bầu không khí dân chủ tiến bộ hơn trước rất nhiều. Đảng ta đã nhận thức được rằng, một đảng cầm quyền không những phải đề phòng sai lầm về đường lối và tổ chức, mà còn phải đề phòng tình trạng bộ máy quan liêu hóa và đội ngũ cán bộ, đảng viên bị thoái hóa, biến chất, đề phòng tệ sùng bái cá nhân và hình thành tầng lớp đặc quyền, đặc lợi để ảnh hưởng xấu đến dân chủ, đến quyền làm chủ của nhân dân.

Từ phân tích trên cho thấy, để giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, thì trước hết phải giải quyết một số vấn đề trong đổi mới chính trị như sau:

Một là, phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy rằng, mặc dù đổi mới chính trị đã đạt được những thành tựu quan trọng, làm tiền đề cho đổi mới kinh tế, nhưng Đảng ta cần phải tiếp tục đổi mới và khắc phục hàng loạt vấn đề vừa do mô hình xã hội chủ nghĩa cũ để lại, vừa do bối cảnh mới trong nước và quốc tế làm nảy sinh, mà nóng bỏng nhất là vấn đề quan liêu, giáo điều, đạo đức và lối sống của nhiều cán bộ thoái hóa tham nhũng, lãng phí… Đổi mới chính trị trước hết phải giải quyết bằng được tệ nạn tham nhũng, tiêu cực thì mới có môi trường xã hội trong sạch cho kinh tế có điều kiện phát triển.

Hai là, Đảng ta là Đảng cầm quyền, đang lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Để đảm đương được vai trò đó, Đảng phải thường xuyên nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, năng lực giải quyết những vấn đề đặt ra trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, trước hết là trong hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược, chính sách. Điều này đòi hỏi Đảng phải có khả năng tư duy lý luận, nhận thức và vận dụng đúng các quy luật khách quan, phải biết xử lý các thông tin, tổng kết thực tiễn, phát hiện vấn đề, phân tích vấn đề và lựa chọn vấn đề giải quyết, từ đó đề ra chính sách thích hợp và lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa chính sách đó thành pháp luật.

Ba là, Đảng phải nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Điều này đòi hỏi Đảng phải biết huy động các tổ chức, các cá nhân, toàn bộ nguồn nhân lực, vật lực. Nói cách khác, Đảng phải có khả năng tập hợp, huy động quần chúng, giúp họ quán triệt và vận dụng sáng tạo các chính sách và pháp luật vào thực tế cuộc sống. Muốn vậy, đường lối, chính sách phải phản ánh nguyện vọng, lợi ích của nhân dân và có tính thực thi.

Đảng phải có năng lực tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm và nâng lên thành lý luận để trở lại chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Các khâu này liên quan chặt chẽ với nhau: Từ lý luận đến thực tiễn, rồi từ thực tiễn lại đúc kết thành lý luận ở tầm cao hơn và trở lại chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Lê-nin đòi hỏi trong điều kiện Đảng cầm quyền, Đảng phải là trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại. Nói đến trí tuệ của Đảng là nói đến năng lực tư duy, tri thức mà Đảng tích lũy được, sức sáng tạo và sự vận dụng đường lối, chủ trương, chính sách vào thực tế cuộc sống. Những yếu tố đó gắn bó chặt chẽ với nhau tạo thành sức mạnh trí tuệ, sức sáng tạo và sức hấp dẫn của Đảng, thể hiện năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng.

Xây dựng Đảng không chỉ về trí tuệ, mà cả danh dự và lương tâm. Danh dự và lương tâm của Đảng không phải chỉ trông cậy vào quá khứ mà phải xây dựng ở cả hiện tại và tương lai.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã được thi hành như thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và những chỉ thị hóa ra lời nói suông, mà còn hại đến lòng tin của dân”. Đảng và Nhà nước phải rà soát lại các chủ trương, chính sách và pháp luật để bảo đảm sự nhất quán, không có mâu thuẫn.

Các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước được ban hành vào những thời điểm khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau, do đó không tránh khỏi những “độ vênh” giữa kinh tế và chính trị, “độ vênh” trong từng lĩnh vực. Vì vậy, phải thường xuyên rà soát lại để khắc phục, tạo ra một hệ thống chính sách và pháp luật luôn luôn thống nhất. Và cũng có như vậy thì “màu xám” của lý luận mới gắn được với “màu xanh” của cuộc sống thực tế - lý luận mới thực sự đóng vai trò chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Và đó chính là một trong những mắt xích quan trọng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, nhằm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vào cuộc sống.

GS. TS Dương Phú Hiệp/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất