Thứ Bảy, 23/11/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 18/5/2018 8:41'(GMT+7)

Giáo dục sẽ sớm qua thời phấn trắng bảng đen?

 

Đại biểu dự hội thảo phát biểu ý kiến

Đại biểu dự hội thảo phát biểu ý kiến

Giáo dục là không áp đặt, ép chân cho vừa giày

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là hội thảo quốc gia đầu tiên về giáo dục mở, nhưng không phải là hoạt động đầu tiên để xây dựng hệ thống giáo dục mở, vì thực tế chúng ta đã triển khai nhiều hoạt động, đề án để phát triển giáo dục mở. Đơn cử, bình dân học vụ cũng chính là hình thức giáo dục mở. Hai đại học mở cũng đã được xây dựng từ sớm. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc năm 2006 ghi rõ phải chuyển dần hệ thống giáo dục hiện tại sang hệ thống giáo dục mở.

Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT tiếp tục khẳng định điều này. Chính phủ cũng đã phê duyệt hàng loạt đề án liên quan đến nội dung này như: Đề án xây dựng xã hội học tập; Đề án phát triển đào tạo từ xa; Đề án tăng cường ứng dụng CNTT trong giảng dạy ở các cấp; Đề án tăng cường giảng dạy ngoại ngữ. Gần đây nhất là Đề án xây dựng hệ tri thức Việt số hóa, xây dựng một kho dữ liệu khổng lồ, một hệ thống để kết nối các học liệu mở cho mọi người đều có thể học.  

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam, cho rằng, trước áp lực của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, giáo dục mở là xu thế tất yếu, đồng thời là cơ hội cho các nước đang phát triển. Giáo dục mở không phải là bổ sung, đứng bên cạnh giáo dục truyền thống, mà phải nằm sâu và thâm nhập vào giáo dục truyền thống, lồng ghép, đan xen để đạt tới hiệu quả giáo dục cao nhất. Người học được lựa chọn hình thức học, thời gian học, nội dung học, thậm chí cả thầy giáo. Như vậy, sự tự chủ của người học là rất cao, từ đó có điều kiện để cá nhân hóa giáo dục.

“Cá nhân hóa giáo dục là mơ ước của các nhà sư phạm, vì mỗi cá nhân là riêng biệt, nên nền giáo dục đồng loạt dù có lợi là giảm chi phí thì lại phải hy sinh tài năng cá nhân quá nhiều, thậm chí loại bỏ một số học sinh cá biệt. Điều này giáo dục truyền thống không làm được, chỉ có giáo dục mở làm được”, GS Quân nói. 

Giáo dục mở sẽ giúp các em tự chủ trong hoạt động giáo dục, cá nhân hóa giáo dục, để từng em đều được thể hiện đúng bản thân, có chính kiến, biết phản biện, có cảm xúc, phát triển được tài năng. Muốn thế, bản thân người thầy cũng phải thay đổi, không còn là những nhà truyền thụ kiến thức theo kiểu áp đặt, buộc học sinh phải thừa nhận và không được nói khác mà chuyển qua hướng dẫn, gợi ý cho học sinh chinh phục các kiến thức. Muốn vậy, theo GS Quân, phải thay đổi cách quản lý giáo dục, không được áp đặt, ép chân cho vừa giày. 

Học không phải chỉ vì bằng cấp

Đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục mở, GS Trần Hồng Quân cho rằng cần phát triển các trung tâm tài nguyên học tập, tiếp thu nét văn hóa mới của thế giới. Nhiều trường đại học lớn trên thế giới đưa hàng ngàn giáo trình trên mạng và cho sử dụng miễn phí. Chúng ta nên sớm xây dựng một nền giáo dục mà ở đó người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể học được.

TS Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, với sức mạnh của công nghệ hiện nay, chúng ta có cơ hội để đẩy mạnh giáo dục mở, khi mà bất cứ cá nhân nào cũng có thể học tập trực tuyến.

“Cần hiểu hệ thống giáo dục mở là hệ thống giáo dục trong đó các rào cản đối với giáo dục phải được dỡ bỏ cả về thể chế, kinh tế, công nghệ, địa lý đối với người học”, TS Tiến nói.

Cụ thể, phải có đầu tư lớn về hạ tầng và phần mềm để phát triển hệ thống giáo dục mở; giải phóng sức ỳ trong giáo dục truyền thống, nhất là hệ thống thi cử truyền thống. Đặc biệt, phải phá bỏ rào cản về lợi ích, tức là sách giáo khoa, giáo trình cũng phải theo hướng mở.

“Đã là giáo dục mở thì sách giáo khoa, giáo trình phải được đưa lên mạng và được sử dụng miễn phí, như thế sẽ động chạm lợi ích bản quyền”, TS Tiến nêu.

Nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, giáo dục mở là phương thức đã có từ lâu, nhiều quốc gia phát triển rất mạnh, nơi mà người học dễ dàng tiếp cận các học liệu giáo dục, chi phí thấp mà vẫn bảo đảm chất lượng. Ông Vũ Cao Phan, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, giá trị của giáo dục mở chính là chia sẻ trí tuệ, nơi mà người học được dễ dàng tiếp cận tài nguyên học liệu mở.

“Thời đại công nghệ thì không còn lâu nữa, giáo dục sẽ không còn phấn trắng, bảng đen, tiếng trống trường, bàn học... mà chỉ còn tài nguyên giáo dục mở được phổ biến rộng rãi, người học có thể ngồi học ở bất cứ đâu, mục đích cuối cùng là tiếp nhận tri thức” - ông Phan nêu. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đều thừa nhận, để phát triển giáo dục mở, cũng rất cần có nguồn lực.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thời đại công nghệ 4.0, giáo dục phải đổi mới và đi trước một bước. Những rào cản đối với giáo dục mở phải được dỡ bỏ, trong đó có những rào cản về mặt quản lý hành chính. Cùng với đó phải tập trung kêu gọi để xây dựng được hệ thống học liệu mở, trước hết cho các trường đại học. “Chúng ta cùng xây dựng hệ thống học liệu mở, ví dụ sách giáo khoa cũng phải mở, đưa lên mạng, để người học sử dụng miễn phí”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Song song đó, phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT để làm sao người học có thể học ở bất cứ đâu, học trên máy tính, điện thoại, học không phải để lấy bằng mà để nâng cao kiến thức, để trở thành người giỏi.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tới đây chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục, trong đó có sửa Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về học tập. Học không phải vì bằng cấp, mà để có kiến thức, để có thể sáng tạo, đóng góp cho xã hội. “Giáo dục mở là phải nhân lên được khát vọng học tập của toàn xã hội, của mỗi người dân, để chúng ta không được kém cỏi so với thế giới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

LÂM NGUYÊN/SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất