Thứ Sáu, 27/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 16/9/2016 22:37'(GMT+7)

Giáo dục song ngữ ở Việt Nam

Mô hình dạy và học song ngữ cho học sinh các dân tộc Tây Nguyên (Ảnh minh hoạ)

Mô hình dạy và học song ngữ cho học sinh các dân tộc Tây Nguyên (Ảnh minh hoạ)

Kết quả nghiên cứu thực hành Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ được công bố hôm nay khẳng định giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ là phương pháp tiếp cận phù hợp và có tính khả thi với thực tiễn Việt Nam và là cơ sở cho thấy cộng đồng các dân tộc tại Việt Nam có thể tiếp cận các dich vụ và tham gia vào xã hội tốt hơn nếu ngôn ngữ của các dân tộc được sử dụng chính thức trong các lĩnh vực khác nhau như các lĩnh vực về y tế và pháp luật.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng UNICEF triển khai Nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ từ năm 2008 tại ba tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh, là những tỉnh đông đồng bào dân tộc với ba ngôn ngữ là Mông, J’rai và Khmer.

Trong các năm qua, dự án đã giúp cải thiện chất lương giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số. Các số liệu thu thập được tại ba tỉnh thực hiện dự án đã khẳng định ảnh hưởng và hiệu quả tích cực của phương pháp này với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh và cộng đồng, góp phần đáng kể trong việc nâng cao kết quả học tập của học sinh.

Mặc dù Việt Nam đã đạt được phổ cập giáo dục tiểu học, nhưng hiện nay còn có hàng triệu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ em dân tộc chưa thật sự được hưởng sự công bằng trong tiếp cận giáo dục có chất lượng.

“Mặc dù không nhiều người nhận ra, nhưng rõ ràng là khi trẻ em học tập với một ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ thường ngày của trẻ, thì các em sẽ gặp những thách thức, khó khăn gấp hai lần, đó là không những trẻ phải học một ngôn ngữ mới, mà còn phải học kiến thức mới, quy tắc văn hóa và các thực hành của ngôn ngữ đó. Hơn nữa những thách thức lại trở lên bội phần khó khăn đối với những nhóm trẻ đang có khó khăn về học tập, nghèo đói và dễ bị tổn thương” Bà Yoshimi Nishino, Trưởng Chương trình Chính sách xã hội và Hành chính công của UNICEF Việt Nam chia sẻ.

Tại Hội nghị, thứ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo, ông Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao sự hỗ trợ của UNICEF cho công tác giáo dục của Việt Nam, đặc biệt là cho trẻ em dân tộc thiểu số trong suốt 41 năm tổ chức này có mặt tại Việt Nam. “Bộ GD&ĐT khuyến khích các địa phương có đủ điều kiện tiếp tục duy trì, triển khai nhân rộng phương pháp tiếp cận Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ vì đây là một giải pháp không chỉ tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, mà còn cải thiện chất lượng và hiệu quả của giáo dục dân tộc, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học rút ra từ việc triển khai nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ trên cơ sở tiêng mẹ đẻ và thảo luận hợp tác trong tương lai về giáo dục song ngữ trong bối cảnh đổi mới giáo dục toàn diện./.

Thanh Xuân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất