Huyện Hạ Hòa là một trong những địa phương nhiều khó khăn nhất về điều kiện cơ sở vật chất dạy và học do kinh phí hạn hẹp, huy động xã hội hóa không thuận lợi. Nhờ quyết liệt triển khai, đến nay huyện đã có là 42 trong tổng số 88 trường đạt chuẩn quốc gia; 5 xã trong tổng số 33 xã, thị trấn có 100% trường học đạt chuẩn quốc gia.
Mặc dù điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn, ngân sách chưa đáp ứng được nhu cầu nhưng nhờ năng động nên tỉnh Phú Thọ đã xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia vượt mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Huyện Hạ Hòa là một trong những địa phương nhiều khó khăn nhất về điều kiện cơ sở vật chất dạy và học do kinh phí hạn hẹp, huy động xã hội hóa không thuận lợi. Nhờ quyết liệt triển khai, đến nay huyện đã có là 42 trong tổng số 88 trường đạt chuẩn quốc gia; 5 xã trong tổng số 33 xã, thị trấn có 100% trường học đạt chuẩn quốc gia.
Đạt được kết quả trên ngành giáo dục và đào tạo huyện Hạ Hòa đã không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục đại trà cũng như giáo dục mũi nhọn ở các cấp học. Đối với trường đã đạt chuẩn quốc gia, huyện thường xuyên rà soát, duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia, đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục trong. Công tác xây dựng, duy trì trường đạt chuẩn quốc gia gắn liền với việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục do đó đã thúc đẩy đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tích cực học tập nâng cao trình độ, kỹ năng sư phạm.
Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Phú Thọ cho biết: Việc xây dựng và duy trì trường học đạt chuẩn quốc gia đã được các trường triển khai có hiệu quả. Từng trường đã xây dựng, hoàn thiện kế hoạch và đề án xây dựng nhà trường chuẩn theo các tiêu chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường phấn đấu đạt chuẩn đều thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, trong đó nâng cao trách nhiệm đi đầu của các trường đã đạt chuẩn quốc gia trong các hoạt động giáo dục...Cùng với đó, việc lồng ghép các nguồn lực, cũng được các nhà trường, địa phương triển khai có hiệu quả. Từ năm 2011 đến nay, các trường trong toàn tỉnh đã huy động khác từ công tác xã hội hóa giáo dục đạt khoảng trên 100 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này đã được dành đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư sách và thiết bị dạy học…
Đến nay toàn tỉnh có 573 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 62,6%, tăng 232 trường so với năm 2010. Kết quả trên đã giúp Phú Thọ trở thành một trong những địa phương thực hiện tốt chỉ tiêu này. Theo kế hoạch, 4 năm tới tỉnh tiếp tục duy trì số trường đã được công nhận lại đạt chuẩn quốc gia, đầu tư xây dựng mới 165 trường đạt chuẩn quốc gia , đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh Phú Thọ sẽ có 80,5% trường học đạt chuẩn quốc gia.
Tuy nhiên, theo Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ, hiện nay cơ sở vật chất tại nhiều trường đang xuống cấp hoặc do xây dựng ở giai đoạn trước nên không đảm bảo theo tiêu chuẩn mới, còn thiếu, cần đầu tư khá nhiều để xây mới hoặc sửa chữa cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, theo dự báo số học sinh, số lớp tiếp tục có xu hướng tăng, cần bổ sung hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; hiện tại hầu hết cơ sở vật chất như lớp học, phòng chức năng còn thiếu, xuống cấp, đội ngũ giáo viên còn thiếu, cơ cấu không đồng bộ. Hiện t oàn tỉnh đã có 10 trường học bị xóa tên khỏi danh sách trường chuẩn do không duy trì và phát huy được kết quả của trường học đạt chuẩn quốc gia. Việc duy và xây dựng mới trường đạt chuẩn quốc gia trong thời gian tới gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, để khắc phục khó khăn hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra tỉnh Phú Thọ đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực để xây dựng trường chuẩn quốc gia; tích cực vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân ủng hộ về trí tuệ, vật chất để xây dựng trường chuẩn. Dự kiến từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ huy động 4.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, các dự án của Bộ và vốn ngân sách tỉnh đầu tư duy trì và xây dựng 537 trường học đã đạt chuẩn quốc gia và xây dựng mới 165 trường chuẩn quốc gia. Nguồn kinh phí này sẽ chủ yếu đầu tư xây dựng, sửa chữa hàng ngàn phòng học, phòng giáo dục thể chất, nghệ thuật; phòng ngủ cho học sinh, phòng truyền thống, thư viện, công trình phụ trợ và mua sắm thiết bi dạy học, đồ chơi trẻ em...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ quy hoạch, tạo quỹ đất đáp ứng yêu cầu tối thiểu về diện tích đất cho mỗi cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn quy chế công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; bổ sung, điều chuyển đội ngũ nhà giáo và nhân viên để đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu theo quy định. Tỉnh có kế hoạch bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo .
Các cấp chính quyền, t ăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong trường học, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết và kế hoạch của cấp ủy, chính quyền, của ngành giáo dục về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.
Các địa phương, ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc thực hiện việc kiểm tra duy trì và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; gắn kết quả công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia với công tác thi đua, khen thưởng đối với cá nhân, đơn vị.../.
TTXVN