Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 28/4/2009 10:51'(GMT+7)

Giao lưu quốc tế và đời sống văn hoá của nông dân thời hội nhập

Người nông dân thời kỳ hội nhập hiện nay cũng sẵn sàng giao lưu  cởi mở với du khách nước ngoài. Ảnh minh họa

Người nông dân thời kỳ hội nhập hiện nay cũng sẵn sàng giao lưu cởi mở với du khách nước ngoài. Ảnh minh họa

Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Đất nước ta đang tập trung đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) Công cuộc CNH, HĐH đất nước sẽ tạo ra những tiền đề và điều kiện để nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh và bền vững.

Đã có thực tế là nhiều nước khi đi vào CNH, nhất là khi đã tăng trưởng khá, thường có hiện tượng “coi nhẹ nông nghiệp”. Hậu quả là rơi vào giai đoạn suy thoái, cản trở quá trình CNH. Ở Trung Quốc sau gần 30 năm, cải cách kinh tế thành công; tốc độ tăng trưởng GDP liên tục đạt trên 9% năm; mục tiêu CNH ở trong tầm tay, nhưng hiện tượng coi nhẹ nông nghiệp, hạ thấp vai trò kinh tế của nông thôn vẫn tồn tại. Trước thực trạng đó, Đảng và Nhà nước Trung Hoa nêu mục tiêu: Phát triển kinh tế xã hội thành thị phải đi đôi với phát triển nông thôn. Nghị quyết TW 5 (khoá XVI) của Đảng CS Trung Quốc (2006) là: “sản xuất phát triển, đời sống ấm no, làng xã văn minh, diện mạo sạch đẹp, quản lý dân chủ” và 8 nội dung xây dựng nông thôn xã hội chủ nghĩa, trong đó nổi lên ba nội dung: Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại; Tăng thu nhập cho nông dân; Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn có ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao đời sống tinh thần.

Khi nghiên cứu đời sống tinh thần của nông dân trong quan hệ với việc mở rộng giao lưu quốc tế trong thời hội nhập, thiết nghĩ nên điểm lại một số vấn đề thuận lợi và khó khăn của đời sống văn hoá ở nông thôn nước ta.

Văn hoá làng và làng văn hoá

Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta cho thấy, các triều đại phong kiến lên cầm quyền dài thì vài ba trăm năm, ngắn thì vài chục năm, còn làng thì tồn tại mãi mãi. Làng xã là đơn vị có tổ chức, có luật lệ và phong tục chặt chẽ. Không phải vô cớ mà nhiều nhà nghiên cứu phương Tây coi làng xã Việt Nam như “nước cộng hoà tự trị nhỏ bé”. Tính “Tự trị” của làng, xã là có thật, coi như một đặc điểm, “phép vua thua lệ làng”. Đã có làng là có văn hoá làng. Ở nước ta từ xứ Lạng, vùng văn hoá Thăng Long cho đến xứ Nghệ, xứ Huế, xứ Quảng vào tận đồng bằng sông Cửu Long đều có những vùng đất tiêu biểu của văn hoá làng. Có thể kể: Làng văn, tức là vùng đất hiếu học, nơi sản sinh nhiều hiền tài. Nam Định có Làng Hành Thiện, Thanh Hoá có làng Đông Biện; Thừa Thiên - Huế có “học Đông Di, thi An Hoà”. Làng võ, tức là vùng đất võ nghệ, như Dương Xá (Thanh Hoá), Tây Sơn (Bình Định). Làng thủ công mỹ nghệ như làng gốm Bát Tràng; làng tranh Đông Hồ; làng nghề chạm trổ Bảo Hà v.v…

Hiện nay, xây dựng làng văn hoá (bao gồm cả bản, ấp, buôn, sóc) cần lưu ý:

- Tình trạng “đói” văn hoá thông tin còn phổ biến. Phải nâng cao đời sống tinh thần cho nông dân, trước hết là việc cung cấp, phủ sóng, phổ biến các phương tiện nghe nhìn, truyền thông đại chúng.

- Việc xây dựng “nếp sống văn hoá”, “gia đình văn hoá” cần điều kiện về nội dung và các tiêu chí cho phù hợp với mức sống hiện đại; tránh bệnh hình thức, thiếu chiều sâu.

- Thực hiện chỉ tiêu dân số và kế hoạch hoá gia đình một cách bền vững.

Làng, bản Việt Nam vốn là Cái nôi bảo tồn, lưu truyền văn hoá dân tộc, là nơi ẩn chứa sức mạnh truyền thống, tính nhân bản, bản sắc dân tộc, sắc thái địa phương. Làng là nơi có sức đề kháng mạnh trước sự xâm lăng văn hoá từ bên ngoài. Việc xây dựng làng văn hoá hôm nay cho thấy phải có Quy ước làng văn hoá. Ở đây có sự kế thừa những điều hay, điều đúng trong Hương ước, Khoán ước, Điều ước xưa; đồng thời phải được nâng cao về chất bảo đảm thật sự công khai, dân chủ nhằm bảo vệ pháp luật Nhà nước.

Nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, lễ hội là thước đo trình độ dân trí của nông dân

Hiện nay, hầu như ai cũng dễ dàng nhận ra những hạn chế của nếp sống văn hoá ở nông thông trong việc cưới, việc tang, lễ hội – đó là tình trạng thiếu lành mạnh, xem nhẹ việc giáo dục nếp sống mới, thiếu những quy chuẩn cụ thể về phương diện quản lý văn hoá. Nhiều gia đình, có cả những gia đình đảng viên, vì động cơ hiếu danh, vụ lợi đã tổ chức đám cưới, đám tang linh đình, phô trương mà dư luận thường xem là “bán cỗ thu tiền”. Nổi cộm trong việc tổ chức lễ hội là tình trạng thương mại hoá làm vẩn đục không khí trong lành và ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội truyền thống.

Việc cưới: Cưới hỏi là chuyện của cá nhân, của gia đình, nhưng lại phản ánh phần nào bộ mặt văn hoá xã hội, trình độ dân trí của dân tộc. Ở một mức độ nào đó, đám cưới cổ truyền có một số nét tích cực thể hiện truyền thống đạo lý như hiếu lễ với ông bà, tưởng nhớ tổ tiên, tình cảm gắn bó vợ chồng, trách nhiệm công dân đối với cộng đồng làng xã. Những nét đẹp này cần được lưu giữ. Song việc hôn nhân trong thời kỳ CNH, HĐH không thể lại lê thê với những hủ tục như tệ thách cưới, tệ mai mối, xem tuổi “xung - hợp”, xem giờ đưa đón dâu phiền phức v.v… gây ra nhiều phiền hà, thậm chí cả bất hạnh cho đôi vợ chồng trẻ.

Việc tang: Việc tang là chuyện buồn của gia đình, nhưng còn liên quan đến tình làng, nghĩa xóm và xã hội. Lễ tang mang tính cộng đồng cao, “nghĩa tử là nghĩa tận”, với sự tham gia của các thành viên trong làng xã, dòng tộc. Lễ tang truyền thống có những phép tắc nghi lễ tôn nghiêm trong lễ bái, nhạc hiếu, đi đứng, khấn vái, tưởng niệm người đã khuất. Nhằm giảm dần những yếu tố không phù hợp với thời đại, ngày nay nhiều làng, xã đã có nhiều quy ước về lễ tang, vừa ít tốn kém cho gia chủ, vừa trang trọng tôn nghiêm trong không khí xúc động của sự chia ly.

Lễ hội và nhu cầu của người nông dân: Dân tộc nào cũng có lễ hội. Lễ hội là nơi giáo dục ý thức cộng đồng, là dịp con người tìm về cội nguồn, hướng về kỳ tích của các Anh hùng, ôn lại những chiến công lịch sử của cha ông. Lễ hội là nơi cất giữ những giá trị và phong tục thuần mỹ của dân tộc, của một vùng văn hoá. Đi dự và tham gia lễ hội, nhất là vào lúc nông nhàn, người nông dân coi đó là lúc giải toả tinh thần, cầu mong điều lành, điều tốt, tỏ rõ niềm tin, thành kính vào các bậc tiên liệt. Tuy nhiên, với các lễ hội, cần tránh lòng tin mù quáng, cường điệu ý nghĩa tâm linh, xuyên tạc đối tượng mà mình ngưỡng mộ. Cách tổ chức lễ hội nên tránh tràn lan, đơn điệu, chỉ có lễ mà thiếu hội. Lễ hội là hiện tượng tâm linh có quan hệ giữa đạo với đời, giữa thiêng và tục, giữa thần thánh với con người. Tôn trọng lễ hội nhưng tránh dung tục hoá lễ hội, thương mại hoá các hình thức phục vụ lễ hội, cản trở công việc xây dựng nếp sống mới thời kỳ CNH, HĐH.

Phát triển thủ công, mỹ nghệ

Ở nước ta, đại bộ phận các làng, xã, bản, đều có truyền thống làm nghề thủ công, mỹ nghệ. Các làng nghề đã làm nên nhiều sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, đậm đà bản sắc dân tộc, có khả năng xuất khẩu trong thời kỳ hội nhập và giao lưu quốc tế. Ngày nay các nghệ nhân, phần lớn là nông dân, không thể đứng ngoài tri thức, trí tuệ và kỹ thuật hiện đại. Những người thợ ở Bảo Hà (Hải Phòng) kế tục sự nghiệp của cụ tổ nghề Nguyễn Công Huệ đã làm ra nhiều sản phẩm điêu khắc, chạm trổ, sơn thếp cho mọi miền đất nước và xuất khẩu. Những năm 1976-1980 là thời kỳ thịnh vượng của sản phẩm tranh, tượng Bảo Hà. Chỉ 40 thợ chạm khắc trong số 100 người ở Hợp tác xã thủ công - mỹ nghệ Đồng Tiến (xã Đồng Minh) đạt thu nhập bằng cả đội sản xuất nông nghiệp với 70 mẫu ruộng. Thế mà bây giờ còn lại 6,7 gia đình làm nghề. Chủ trương phục hồi làng nghề hiện nay là sáng suốt. Làng gốm men nâu đã tìm được xuất khẩu. Cho đến những năm 60 của thế kỷ trước, gốm đỏ còn được sản xuất nhiều, sầm uất, bến thuyền đầy hàng hoá mới ra lò. Làng giấy Phong Khê (Hà Bắc cũ), Yên Thái (Hà Nội), tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) Kim Hoàng (Hà Tây cũ), quạt giấy Đào Xá (Hải Hưng cũ), Tranh Hàng Trống (Hà Nội) cũng không tránh khỏi sự mai một trước sự thách thức của thị trường và nhu cầu xã hội thay đổi. Tuy vậy sự sống của một số làng nghề vẫn trỗi dậy và phát triển, ví dụ như gốm Bát Tràng sản xuất đủ loại gốm với mẫu mã, kiểu dáng đa dạng, xuất đi hàng chục nước ở khu vực và thế giới. Hiện nay, Bát Tràng phát triển tới trên 400 doanh nghiệp là đơn vị sản xuất, dịch vụ thương mại, công ty. Có gia đình thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm, giải quyết công ăn việc làm cho 4.000 lao động trong xã hội, thu hút trên 6.000 người lao động từ nơi khác đến. Vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất cũng được các công ty chú ý để có được “chiếc gậy thần” cho việc phục hồi và phát triển làng nghề truyền thống, đáp ứng sự giao lưu quốc tế và nhu cầu tiêu dùng trong nước và ngoài nước, những nhà quản lý công thương, những doanh nhân và người lao động cần ý thức trong sáng tạo.

Nói chung, đã là làng nghề truyền thống thì nên biết thích ứng với nhu cầu mới. Từ đó mà thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm, biết học tập kinh nghiệm của nước ngoài. “Đôi Tay Vàng” của người thợ thủ công với tác động của CNH, HĐH đã và sẽ làm nên những tuyệt tác có giá trị kinh tế và văn hoá cao. Thái Lan hàng năm xuất khẩu đồ trang sức đạt giá trị khoảng trên dưới 7 tỷ USD. Nước ta có nhiều kim loại quý, đá quý, lao động dồi dào; chỉ cần đội ngũ thợ thủ công có tay nghề cao, luôn luôn có ý thức sáng tạo trong chế tác, thì việc xuất khẩu các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, đồ trang sức là nằm trong tầm tay.

Ngoài ra, cũng cần phải ngăn chặn không để kim loại, đá quý chưa chế tác “chạy” ra nước ngoài.

Vấn đề quyết định sự sinh tồn của làng nghề là môi trường sản xuất, vùng nguyên liệu, điều kiện giao thông, đội ngũ thợ có tay nghề cao cộng với bí quyết nghề nghiệp gia truyền. Phương thức giúp đỡ vốn, tìm thị trường thế giới, khuyến khích sự sáng tạo tối đa đòi hỏi Nhà nước có những chính sách cập nhật, hữu hiệu.

Ở các làng nghề, người lao động thiếu nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là trình độ học vấn, trình độ kỹ thuật - kỹ xảo, tay nghề thầy truyền nghề. Có thể “ly nông” nhưng không thể “ly hương”, “ly nghiệp” được. Đó là tâm lý chung của những người lao động.

Làng nghề truyền thống từ những năm 90 thế kỷ trước cho đến đầu thế kỷ XXI không còn nằm yên sau luỹ tre làng nữa mà đã đĩnh đạc bước ra các đô thị, vượt biên giới đến các nước. Giờ đây khó khăn đối với các làng nghề là nạn ô nhiễm môi sinh, nước thải công nghiệp, chính sách an sinh đối với người lao động. Để giúp các làng nghề vượt qua những thách thức này, Nhà nước cần phải ban hành kịp thời các chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu dùng.

Giữ gìn bản sắc văn hoá nông thôn

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới – cơ sở của sự hưởng thụ văn hoá tinh thần cho nông dân - việc giữ gìn bộ mặt, bản chất của nông thôn Việt Nam, tâm hồn, cốt cách của người Việt Nam cần được đặc biệt chú ý. Trong quá trình CNH, HĐH, việc đô thị hoá nông thôn phải được quy hoạch một cách khoa học làm sao để bản sắc văn hoá nông thôn không bị mai một, không bị biến dạng. Điều đáng lo nhất là làn sóng “bê tông hoá”, “xi măng cốt thép” đang ùa vào nông thôn, phá mất cảnh quan thơ mộng, bình dị bao đời của làng quê Việt Nam.

Những cánh đồng thẳng tắp, những luỹ tre xanh, cây đa, bến nước, sân đình, giếng khơi… đang ngày càng trở nên hiếm hoi. Bảo vệ những di tích lịch sử - văn hoá như đình, chùa, nhà thờ họ, lăng tẩm, miếu mạo đã được xếp hạng là việc rất quan trọng và phải làm ngay, làm tốt; nếu để muộn, sẽ mất đi những làng cổ như Đường Lâm ở Sơn Tây, nhà vườn ở thành phố Huế, nhà sàn của đồng bào Tây Bắc, nhà rường ở miền Trung. Mỗi gia đình ở nông thôn hiện đại vừa phải tiếp thu nếp sống đô thị, lối sống và lao động công nghiệp, vừa phải phát huy những chân giá trị của gia đình truyền thống như lấy chữ hiếu làm đầu, lấy tình nghĩa để ứng xử với bà con láng giềng, kính trên nhường dưới, anh em hoà thuận, vợ chồng chung thuỷ.

Nông dân Việt Nam và việc học tập kinh nghiệm của quốc tế

Giao lưu quốc tế và hội nhập không phải là quá trình bắt chước nước ngoài, mà là tiếp thu chọn lọc những tinh hoa của các nước nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Quá trình này diễn ra hai bước: Một là, giữ gìn và phát huy mọi giá trị vốn có của mình; học hỏi, tiếp nhận một cách có chọn lọc, có giới hạn có định hướng. Hai là, sáng tạo ra cái của mình trong điều kiện và khả năng của mình.

Xu thế quốc tế hoá diễn ra không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn diễn ra trong các lĩnh vưcå chính trị, pháp lý, văn hoá.

Muốn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông thôn và nông dân, thiết nghĩ, trong hai thập kỷ sắp đến, cần nhận thức sâu sắc mấy vấn đề sau:

Chấm dứt tình trạng “coi nhẹ nông nghiệp”, lượng vốn đầu tư cho nông nghiệp phải tăng tương ứng với mức đóng của nông nghiệp cho GDP. Ngân sách đầu tư tập trung vào việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, dạy nghề cho nông dân, vào chế biến nông sản, tiếp thị, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản. Cần có các chính sách thu hút trí thức về nông thôn; xây dựng nguồn lực cho con người, nguồn lực khoa học - công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân vào phát triển sản xuất nông nghiệp.

Tại các địa phương có địa bàn lợi thế và điều kiện thích hợp, cần hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lớn với tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt, môi trường đảm bảo, để có những nông sản xuất khẩu có tiếng trên thế giới và thu được lợi nhuận cao. Việc sản xuất cà phê đứng hàng đầu thế giới của nước ta hiện nay là một ví dụ. Một nền “nông nghiệp mới” mà thế giới bắt đầu nói đến có thể trở thành hiện thực trước hết là Việt Nam: sản xuất bằng công nghệ hiện đại với ứng dụng mới nhất, gắn sản xuất với chế biến, với tiếp thị, với đời sống văn hoá tinh thần.

Lực lượng nông dân có thể giảm về số lượng, nhưng có chất lượng mới, trở thành nông dân chuyên nghiệp, có tay nghề cao, sản xuất được chuyên môn hoá. Theo đó, các tổ chức của nông dân như hội, hợp tác xã, cộng đồng nông thôn phải là nơi chủ động điều hành hoạt động đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, trang bị kỹ năng cho người lao động nông thôn đi ra khỏi nông nghiệp, tham gia thị trường lao động xuất khẩu.

Nông nghiệp, nông thôn mà chủ thể là nông dân hiện nay không đủ mạnh để tự phát triển. Nhà nước chưa đủ giàu để hỗ trợ và đầu tư. Cơ chế thị trường hiện nay mới chỉ thu hút các nguồn tài nguyên về các đô thị, về với công nghiệp. Nhà nước phải kiên trì điều hành gắn kết nông nghiệp với công nghiệp, nông thôn với đô thị. Cơ hội, lợi ích và rủi ro, thách thức phải được chia sẻ trong nền kinh tế. Cải tạo được người nông dân và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, biến nông thôn thành thị trường hàng hoá v.v… sẽ là yếu tố tích cực ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của nông dân thời hội nhập./.

 GS. TS. Hồ Sĩ Vịnh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất