Nhiều dự án xây nhà ở xã hội trước đây được hưởng khá nhiều ưu đãi từ Nhà nước nhưng cuối cùng, những ưu đãi đó lại rơi vào tay chủ đầu tư khi giá nhà vẫn do cung - cầu quyết định. Để hạn chế tình trạng này, không nên để nhà đầu tư tham gia vào việc xét duyệt.
Chủ trương xây nhà ở xã hội cho người lao động thu nhập thấp hiện là vấn đề được nhiều người quan tâm. Theo khảo sát, số lượng người lao động thuộc đối tượng được mua nhà là rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những ý nghĩa tích cực, cũng còn nhiều vấn đề nảy sinh quanh chủ trương này. Dưới đây là cuộc trao đổi giữa phóng viên với chuyên gia nhà đất Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
PV: Xin ông cho biết ý kiến của ông về chủ trương xây nhà ở xã hội cho người lao động thu nhập thấp?
Ông Đặng Hùng Võ: Đây là một chủ trương hoàn toàn chính xác trong thời điểm hiện nay vì nhà ở xã hội đã được quy định trong Luật Nhà ở nhưng thực tế triển khai chưa đúng mức. Hiện nay, đối với nhà ở xã hội đang có sự mất cân đối lớn giữa cung và cầu, cầu rất lớn nhưng cung chưa đáp ứng được. Thứ nữa, đây cũng có thể coi là một giải pháp kích cầu, tạo thêm công ăn việc làm cho các doanh nghiệp đang có nguy cơ sa thải công nhân, đồng thời là giải pháp an sinh xã hội. Chủ trương này cũng nhằm ổn định lại thị trường bất động sản. Hiện nay, nhà ở cao cấp cũng đang có sự mất cân đối giữa cung và cầu nhưng là cung thật và cầu ảo, vì thế, nếu giải quyết được vấn đề nhà ở xã hội sẽ có tác động ngược lại khu vực nhà ở cao cấp, hạn chế được tình trạng đầu cơ.
PV: Theo tính toán của các nhà xây dựng, giá thành một căn nhà ở xã hội chỉ vào khoảng 200-300 triệu đồng. Theo ông, với giá này có thể thực hiện được không và chất lượng có được đảm bảo?
Ông Đặng Hùng Võ: Theo tôi, ước tính giá thành như vậy là phù hợp với giá nguyên vật liệu và giá nhân công trong thời điểm hiện tại vì giá vật liệu đang thấp và giá nhân công cũng rẻ đi nhiều do tình trạng lao động dôi dư. Nhưng vấn đề đặt ra là có toàn bộ số tiền ước tính đó được đưa vào xây dựng không. Vấn đề là phải quản lý tốt được nguồn vốn, tránh xảy ra tình trạng rút lõi công trình, tham nhũng trong xây dựng như đã từng xảy ra với những công trình trước đây. Lần này, làm nhà cho người thu nhập thấp, cần kêu gọi trách nhiệm của các chủ đầu tư để đảm bảo chất lượng công trình.
PV: Trong quy định của Bộ Xây dựng, nhà ở xã hội không được cho thuê, cho ở nhờ hoặc chuyển nhượng dưới bất kỳ hình thức nào. Theo ông, liệu có xảy ra mua bán ngầm và có ngăn được tình trạng này?
Ông Đặng Hùng Võ: Việc mua bán ngầm là hoàn toàn có thể xảy ra. Việc cấm bằng biện pháp hành chính thì người dân sẽ xé rào, nguy cơ xảy ra thiếu minh bạch là rất lớn. Đây là điều khó tránh, vấn đề là phải biết trước để có biện pháp đối phó. Ở nhiều nước như Thụy Điển và một số nước Bắc Âu, có mô hình HTX nhà ở, họ sẽ tự lựa chọn người được mua nhà, ai khó khăn, không có nhà, họ sẽ lọc ra. Chính họ sẽ là những người theo dõi chặt chẽ việc có xảy ra mua bán ngầm hay không, vì thế sẽ không thể có chuyện một người có 2 nhà. Theo tôi, không nên dùng bất kỳ hình thức quản lý nào mà nên để cộng đồng tự quản lý sẽ chính xác và chặt chẽ hơn.
PV: Với lượng cầu lớn như vậy, nhiều người cho rằng, việc xét duyệt đối tượng sẽ dễ nảy sinh tiêu cực, theo ông, làm thế nào để giải quyết tình trạng này?
Ông Đặng Hùng Võ: Theo tôi, nếu cứ áp dụng cơ chế xin - cho thì chắc chắn sẽ nảy sinh tiêu cực, những người không đúng đối tượng vẫn cứ cố lách vào để được hưởng lợi. Vì thế, mọi việc nên để cho cộng đồng làm, họ bình xét, chọn lựa sẽ chính xác nhất vì họ có quyền lợi ở trong đó. Ví như, mọi việc ở tổ dân phố không thể lọt qua mắt của tổ trưởng dân phố cũng như hàng xóm, họ sẽ không thể chấp nhận một người không thuộc đối tượng lại được mua nhà hoặc cùng lúc có 2 nhà. Còn không một tổ chức hay cơ quan quản lý nào có thể làm tốt việc này thay họ được.
PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, nên cho tư nhân tham gia vào việc xây dựng nhà ở xã hội?
Ông Đặng Hùng Võ: Có 2 khu vực nhà ở: một là loại nhà được Nhà nước bao cấp, mang nặng tính xin - cho và tính chất an sinh xã hội, đó là nhà ở xã hội; hai là nhà ở giá rẻ, là loại nhà cũng được Nhà nước trợ giúp cho bên cung bằng một số ưu đãi và trợ giúp cho cả bên cầu như hỗ trợ vay vốn… Loại nhà này mang tính thị trường hơn, tính an sinh xã hội thấp hơn loại nhà ở xã hội, vì thế nên cho tư nhân tham gia. Nghĩa là, tư nhân nên tham gia vào loại nhà có yếu tố thị trường cao hơn, còn khu vực bao cấp nên để Nhà nước làm thì hợp lý hơn.
PV: Nhiều dự án xây nhà ở xã hội trước đây cũng được hưởng khá nhiều ưu đãi từ Nhà nước nhưng cuối cùng, những ưu đãi đó lại rơi vào tay chủ đầu tư khi giá nhà vẫn do cung - cầu quyết định. Theo ông, có biện pháp gì ngăn tình trạng này?
Ông Đặng Hùng Võ: Theo tôi, chỉ có thể ngăn tình trạng này bằng cách cắt rời giữa phân phối và xây dựng. Nghĩa là, nhà đầu tư hoàn toàn chỉ làm công việc xây dựng, không được tham gia vào việc xét duyệt, phân phối nhà ở nữa mà việc này nên để cho cộng đồng làm.
Xin cảm ơn ông!./.
(Theo: Hà Vy/TNVN)