Không chỉ ở nước ta mà ở rất nhiều nước trên thế giới, rừng luôn được coi là tài sản quý giá của quốc gia, cần bảo vệ và gìn giữ nghiêm ngặt.
Từ xa xưa ông cha ta cũng đã rất coi trọng việc bảo vệ và gìn giữ nguồn tài nguyên này. Trong sách giáo khoa của các bậc học, những bài học về tầm quan trọng của rừng và sự cần thiết phải chăm sóc và bảo vệ rừng luôn là điều được khẳng định và nhắc nhở.
Từ lâu, Luật Bảo vệ rừng đã ra đời và có hiệu lực, đội ngũ kiểm lâm cũng đã được sự quan tâm, tạo điều kiện để hoàn thành trọng trách bảo vệ rừng. Vậy mà diện tích rừng ở nước ta ngày càng thu hẹp. Nguyên nhân thì nhiều, phần do chiến tranh, phần do thiên tai và nghiêm trọng hơn là do sự tàn phá của con người để làm nương rẫy, trồng cây công nghiệp, phá rừng đầu nguồn để mưu lợi cá nhân...
Thời gian gần đây, báo chí liên tục đưa tin những vụ "hành quyết" rừng đang diễn ra rất nghiêm trọng như ở Hà Tĩnh, tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng... Nhiều nơi, lâm tặc ngang nhiên dựng xưởng chế biến gỗ hay mang cả máy cưa vào rừng triệt hạ những cây cổ thụ. Vì tiền, có người lợi dụng chính sách của Nhà nước về phát triển vùng cây công nghiệp để phá rừng. Hậu quả là hàng nghìn ha rừng bị xóa sổ. Nghiêm trọng hơn, khi các cơ quan chức năng, cán bộ kiểm lâm làm nhiệm vụ đã bị những kẻ xấu ngang nhiên hành hung dã man. Như sáng 11-4, hai cán bộ của Công ty Cao-su Hương Khê (Hà Tĩnh) đi cùng đoàn thanh tra của tỉnh đến địa bàn xã Hương Giang kiểm tra hiện trường rừng trồng cao-su đã bị đánh, chém trọng thương; vào lúc 3 giờ ngày 13-4, trong lúc thi hành nhiệm vụ, tổ công tác 7 người của Hạt Kiểm lâm Hoài Ân (Hoài Ân, Bình Ðịnh) bất ngờ bị một nhóm lâm tặc hơn 20 tên chặn đầu hành hung khiến hai người bị thương... Lâm tặc còn xúi giục một số người dân bao vây, hành hung cán bộ kiểm lâm nhằm cướp lại tang vật đã bị thu giữ. Ðiển hình là ngày 9-4-2009, khi lực lượng kiểm lâm thuộc Hạt kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng và Trạm Kiểm lâm Trộ Mợng đang xử lý một vụ khai thác trái phép thì hàng trăm người ập vào xô đẩy để cướp gỗ. Họ còn ngang nhiên dựng chướng ngại vật để ngăn cản. Ðây là các hành vi ngang ngược, coi thường kỷ cương phép nước.
Những hành vi ngang ngược ấy cần phải bị pháp luật trừng trị đích đáng. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng này trước hết cần có những chế tài xử phạt nghiêm minh, rõ ràng hơn nữa đối với những hành vi cố tình vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục, nâng cao hiểu biết của mọi người dân, gắn trách nhiệm và quyền lợi trong việc bảo vệ rừng với người dân để người dân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Thiết nghĩ, kỷ luật nghiêm minh, đời sống no ấm, giáo dục ý thức tốt và tuyên truyền tới người dân là những giải pháp hữu hiệu cho sự nghiệp bảo vệ và gìn giữ nguồn tài nguyên rất quý của dân tộc./.
(Theo: Nhân dân)