Kinh tế nhà nước đóng góp hơn 40% tổng thu ngân sách, tạo việc làm cho hơn 10% tổng số lao động nước ta. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn nhà nước (VNN) tại doanh nghiệp (DN) hiện nay dường như chưa hiệu quả với gần 20% doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn thua lỗ. Phải làm gì để nguồn VNN sinh lời hiệu quả và đem lại lợi nhuận tương xứng? Đây là vấn đề được thảo luận tại Hội thảo "Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại DN - kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam" diễn ra ngày 21-4 tại Hà Nội".
Gần 20% DNNN làm ăn thua lỗ
Theo Ban Đổi mới và Phát triển DNNN, tổng số vốn mà 74 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang nắm giữ (trong 6 tháng đầu năm 2008) lên tới gần 403.000 tỷ đồng. Các DNNN hiện cũng là đầu mối xuất khẩu nhiều mặt hàng quan trọng như dầu thô, gạo, than... Ước tính, khu vực kinh tế nhà nước hiện đóng góp 40% tổng thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho hơn 10% tổng số lao động. Song, bên cạnh những DNNN làm ăn hiệu quả, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách, vẫn còn một bộ phận DN sản xuất kém hiệu quả thậm chí còn buông lỏng quản lý tài chính. Kết quả kiểm toán tại một số tổng công ty năm 2008 đã chỉ ra không ít sai phạm về tài chính. Cụ thể, tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện giám đốc cảng Hải Phòng chi mua ô tô phục vụ lãnh đạo hơn 1 tỷ đồng, vượt quá quy định hàng trăm triệu đồng. Tại Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện, nhiều khoản nợ đọng lên tới hàng chục tỷ đồng, kéo dài nhiều năm vẫn không được giải quyết dứt điểm… Sự yếu kém của một bộ phận DNNN thể hiện rõ trên bảng xếp hạng của Bộ Tài chính. Theo đó, chỉ có 44,4% DN xếp loại A, 39,5% xếp loại B và 16,1% xếp loại C; có tới 19,5% thua lỗ.
Để quản lý hiệu quả nguồn VNN tại các DN, tháng 8-2006, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã chính thức đi vào hoạt động theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chức năng của SCIC là tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu VNN tại các DN; đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Mô hình tương tự SCIC đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, đem lại nguồn lợi lớn cho quốc gia thông qua việc sử dụng và đầu tư hiệu quả nguồn VNN.
Thoái vốn để đầu tư hiệu quả
Theo thống kê của SCIC, tính đến ngày 28-2-2009, cơ quan này đang quản lý 776 DN. Tổng giá trị sổ sách mà SCIC nhận bàn giao (tính đến cuối năm 2008) là 6.924 tỷ đồng; khoản thu hồi công nợ của DN là 4.118 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm hoạt động, trong vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, SCIC đã thực hiện thoái vốn tại 120 DN ngoài lĩnh vực chiến lược của Nhà nước, bán toàn bộ VNN tại những DN này và thu về 650 tỷ đồng, cao gấp 3 lần giá trị sổ sách. Bên cạnh việc thoái vốn hiệu quả, SCIC đã đầu tư 1.099 tỷ đồng vào ngành điện, cùng EVN giữ cổ phần chi phối tại Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh và Công ty Thủy điện Thác Bà theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. SCIC cũng phối hợp với các DN như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển... lập phương án đầu tư vào những dự án trọng điểm Nhà nước cần nắm giữ vốn. Theo ông Trần Văn Tá, Tổng Giám đốc SCIC, sự ra đời của SCIC đã khẳng định đường lối đúng đắn của Chính phủ trong việc tách bạch cơ quan quản lý nhà nước với việc quản trị DN.
Khi so sánh mô hình của SCIC với các tổ chức tài chính tương tự như Công ty Đầu tư Temasek (Xin-ga-po); Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản Nhà nước SASAC (Trung Quốc), quy mô và năng lực hoạt động của SCIC hiện còn quá khiêm tốn. Song theo ông Trần Văn Tá, các mô hình quản lý DNNN tương tự SCIC đã trải qua những khó khăn trong nhiều năm, sau đó mới gặt hái thành công. Trong khi đó, SCIC hiện mới trong giai đoạn tiếp nhận DN có vốn sở hữu nhà nước. Nhiệm vụ quan trọng của SCIC trong giai đoạn hiện nay là tăng cường quản trị DN, thoái vốn hiệu quả và đầu tư vào những lĩnh vực trọng điểm Nhà nước cần nắm cổ phần chi phối.
Để quản lý hiệu quả nguồn VNN thông qua SCIC, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra những ý kiến đóng góp cụ thể. Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới, việc lơi lỏng kiểm soát VNN sẽ gây ra những khó khăn lớn cho Chính phủ. Bởi vậy, Việt Nam cần tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng một mô hình quản lý VNN phù hợp. Ông Trần Văn Tá cho rằng, việc phải quản lý hơn 700 DN có vốn sở hữu nhà nước sẽ gây khó khăn cho SCIC trong quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn VNN. Đến năm 2020, SCIC chỉ giữ lại khoảng 100 DN lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế. SCIC kiến nghị Chính phủ xây dựng cơ chế cho SCIC được phép chủ động tối đa trong việc lên danh mục đầu tư và thoái vốn nhà nước...
Mặc dù mô hình của SCIC mới thực hiện được hơn hai năm, kết quả thu được còn khiêm tốn, song bước đầu đã khẳng định đây là hướng đi đúng. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, trong thời gian tới, qua hoạt động của SCIC, nguồn VNN sẽ được đầu tư hiệu quả, bổ sung nguồn thu cho quốc gia và nâng cao sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam.
(Theo HNM)