Thứ Hai, 23/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Hai, 29/11/2010 21:32'(GMT+7)

Tăng cường công tác dân số, sức khỏe sinh sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Xây dựng các thông điệp truyền thông về KHHGD

Xây dựng các thông điệp truyền thông về KHHGD

Tham dự hội thảo có TS Nguyễn Bá Thủy – Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng đại biểu là lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Ủy ban dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Công an, Bộ LĐTBXH, Viện Dân tộc học, Bệnh viện Nhi Trung ương, các nhà khoa học và các chuyên gia trong lĩnh vực DS-SKSS, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Quỹ Nhi đồng LHQ và cán bộ dân số 22 tỉnh, thành phố và các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực DS-SKSS…

Theo báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ, Việt Nam được xem là một trong những nước có nhiều dân tộc nhất trên thế giới. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, với dân số 85,8 triệu người bao gồm 54 dân tộc khác nhau. Người Kinh chiếm đa số với 85,7%; 53 dân tộc còn lại chiếm 14,3%.

Các dân tộc ở Việt nam sống phân tán và xen kẽ nhau. Ở một số vùng có dân tộc cư trú tương đối tập trung, nhưng nhìn chung các dân tộc sống xen lẫn nhau, không có lãnh thổ riêng biệt như một số nước khác trên thế giới. Ðịa bàn cư trú của người Kinh chủ yếu ở đồng bằng, ven biển và trung du; một số dân tộc như Khơ me, Hoa, một số ít người Chăm sống ở đồng bằng.

Các dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở các vùng miền núi và vùng cao chiếm 3/4 diện tích cả nước. Ðây là khu vực vừa là vị trí chiếm lược đối với quốc phòng, an ninh vừa có tiềm năng phát triển kinh tế to lớn về tài nguyên rừng và đất rừng, đồng thời giữ vai trò đặc biệt quan trọng về môi trường sinh thái đối với cả nước trongđiều hoà khí hậu, điều tiết nguồn nước.

Các dân tộc ở Việt Nam có trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đều nhau. Do những nguyên nhân lịch sử, xã hội và hoàn cảnh tự nhiên nên các dân tộc sống ở vùng thấp có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn các dân tộc ít người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Có những dân tộc ít người có đời sống kinh tế - xã hội còn thấp kém. Nhiều dân tộc cư trú trên địa bàn có điều kiện tự nhiên hết sức khó khăn, khắc nghiệt.

Bên cạnh nền văn hoá chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc đều có một nền văn hoá mang bản sắc riêng từ lâu đời, phản ánh truyền thống, lịch sử và niềm tự hào dân tộc. Bản sắc văn hoá dân tộc là tất cả những giá trị vật chất và tinh thần, bao gồm tiếng nói, chữ viết, văn học, nghệ thuật, kiến trúc, y phục, tâm lý, tình cảm, phong tục, tập quán, tín ngưỡng... được sáng tạo trong quá trình phát triển lâu dài của lịch sử mỗi dân tộc. Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ của riêng mình và được chia thành 8 nhóm ngôn ngữ tộc người khác nhau.

Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển toàn diện, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh (bình quân từ 4 - 5%/năm); đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng và củng cố; nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt được quan tâm giải quyết; sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được củng cố một bước, đội ngũ cán bộ dân tộc được quan tâm đào tạo bồi dưỡng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân tộc.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vùng dân tộc và miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là: trình độ dân trí, trình độ phát triển của các dân tộc chưa đồng đều, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực còn rất thấp; tỷ lệ đói nghèo vùng đồng bào dân tộc còn cao (nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo trên 50%); chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ còn nhiều hạn chế; cơ sở hạ tầng chậm phát triển và chưa đồng bộ, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, thông tin và các hạ tầng cấp thiết yếu khác; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm, quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, sức cạnh tranh thấp và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Với đặc điểm dân cư sống xen kẽ nhau nên công tác DS-KHHGĐ cho các dân tộc thiểu số được hoạch định, điều hành và đánh giá chung trong công tác DS-KHHGĐ của các tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, có 20 tỉnh có số dân là người thiểu số chiếm trên 20% tổng dân số của tỉnh. Những tỉnh này được xem là những tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tổng số dân là người thiểu số ở các tỉnh này chiếm trên 68% số người thuộc các dân tộc thiểu số toàn quốc. Bình quân tại 20 tỉnh này tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 51,76 % dân số.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 1/4/2009, trong tổng số 20 tỉnh có đông đồng bào thiểu số sinh sống có đến 13 tỉnh (65%) chưa đạt mức sinh thay thế, đặc biệt có đến 8 tỉnh mức sinh vẫn còn cao (TFR>2,5) trong đó đặc biệt có KonTum và Hà Giang mức sinh còn rất cao (TFR>3).

Chưa tính đến những yếu tố khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và văn hóa ở khu vực có đông đồng bào thiểu số sinh sống, nếu mức giảm TFR tại các tỉnh này tương đương như mức giảm bình quân toàn quốc trong 10 năm qua (0.03 con/năm), thì hầu hết các tỉnh có đông đồng bào thiểu số sinh sống hiện chưa đạt mức sinh thay thế cần từ 10 năm trở lên để phấn đấu đạt mức sinh thay thế, cá biệt có những tỉnh cần đến trên 30 năm để đạt được mức sinh thay thế. Với giả định mức giảm TFR cao gấp đôi bình quân toàn quốc trong 10 năm qua, vẫn còn 6 tỉnh cần trên 10 năm và 5 tỉnh cần từ 5-10 năm để đạt được mức sinh thay thế. Do đó, để các tỉnh có đông đồng bào thiểu số sinh sống đạt được mục tiêu mức sinh thay thế, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư đội ngũ cán bộ làm dân số - KHHGĐ; đồng thời đổi mới và cải tiến công tác giảm sinh ở khu vực đặc thù này. Việc đầu tư vật chất và con người ở khu vực này phải tăng gấp nhiều lần chúng ta mới hy vọng trong 5 đến 10 năm tới để hầu hết các tỉnh có đông đồng bào thiểu số sinh sống đạt được mức sinh thay thế.

Những khó khăn về điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội cộng với tính đa dạng về phong tục tập quán, tiếng nói là những yếu tố chủ yếu cản trở những nỗ lực trong việc đẩy mạnh và tăng cường công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn vừa qua. Chất lượng dân số tại các tỉnh này còn thấp, tồn tại những nguy cơ gây suy giảm chất lượng dân số như: chỉ tiêu phản ánh về sức khỏe bà mẹ, trẻ em còn ở mức kém, tỷ lệ người tàn tật còn cao, các vấn đề về vị thành niên và thanh niên, các tố chất về tầm vóc thể lực còn nhiều hạn chế, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề nghiệp, chuyên môn, kỹ thuật thấp, khu vực có đông đồng bào thiểu số sinh sống còn đối mặt với nguy cơ suy thoái giống nòi do tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn diễn biến phức tạp và vẫn là tình trạng phổ biến ở hầu hết các dân tộc thiểu số.

Để đẩy mạnh công tác DS-SKSS, nâng cao chất lượng sống của đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới, Tổng cục DS-KHHGĐ sẽ tập trung nỗ lực, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ phấn đấu sớm đạt mức sinh thay thế ở các tỉnh có đông đồng bào thiểu số sinh sống.Tăng cường chỉ đạo công tác dân số, hoàn thiện bộ máy, có chính sách ưu tiên đào tạo, duy trì cán bộ phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ. Trong giai đoạn tới, việc củng cố hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGD, triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ thích hợp được chú trọng. Từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng, tiến tới ổn định cân bằng giới tính khi sinh; Mở rộng triển khai đồng bộ các mô hình nâng cao chất lượng dân số; Đổi mới cách tiếp cận, nội dung, thông điệp, hình thức truyền thông phù hợp với văn hóa, tục tập quán, đặc điểm đồng bào các dân tộc thiểu số./.

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất