Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu chuyên đề về “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025”.
Quán triệt, triển khai các giải pháp lãnh đạo nhằm thực hiện thắng lợi
các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của
Đảng, Thủ tướng nhấn mạnh: “Khát vọng phát triển đất nước phải đến từng
người dân, cơ sở thì mới thành công”.
Nội dung quán triệt, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chính là sự cụ thể
hóa, nhất quán chủ trương của Đảng: Dân là gốc. Đại hội XIII của Đảng
nhấn mạnh quan điểm: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước phải luôn
xác định dân là gốc. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi
mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách phải thực
sự xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng
của nhân dân...
Trong giai đoạn đất nước tiếp tục công cuộc đổi mới, đẩy mạnh hội nhập
quốc tế, đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, khát vọng
xây dựng đất nước hùng cường phải không ngừng được bồi đắp, phát triển.
Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như
ngày nay. Chính vì vậy, khát vọng phát triển đất nước càng có môi
trường, điều kiện thuận lợi để phát huy. Với phương châm nhất quán dân
là gốc, khát vọng ấy không chỉ từ chủ trương, đường lối, nghị quyết của
Đảng, hành động của Chính phủ mà quan trọng là phải được nuôi dưỡng,
phát huy từ chính cội nguồn sức mạnh nhân dân.
Gốc của khát vọng là ở nhân dân!
Khát vọng vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong đời sống văn hóa tinh
thần, tư tưởng chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và kiều
bào yêu nước khắp năm châu bốn biển. Để khát vọng xây dựng, phát triển
đất nước hùng cường, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi công dân và kiều bào yêu
nước phải luôn thường trực ý thức, mong muốn vươn tới những điều lớn
lao hơn, tốt đẹp hơn với sự thôi thúc mạnh mẽ hơn.
Khát vọng không chỉ ở những phong trào, chương trình hành động vĩ mô mà
nó được kết nối, lan tỏa từ những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực
trong đời sống hằng ngày. Cán bộ, đảng viên đoàn kết, nỗ lực hoàn thành
tốt chương trình, kế hoạch phấn đấu hằng tháng, hằng năm; tổ chức đảng,
cơ quan, đơn vị, địa phương... hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nội
dung trong nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động với tinh thần
quyết tâm cao nhất, chính là đã góp phần hiện thực hóa khát vọng ấy.
Khát vọng thể hiện sinh động và cụ thể trong phong trào thi đua yêu
nước. Cùng nhau thi đua vượt khó, sáng tạo, cống hiến bằng chính sức lao
động và năng lực bản thân chính là mỗi công dân đã góp một viên gạch
xây niềm khát vọng ấy.
Khát vọng xây dựng, phát triển đất nước hùng mạnh không phải đến bây giờ
chúng ta mới đặt ra, mà đã hình thành, phát triển đồng hành với chiều
dài lịch sử dựng nước và giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ hàng
nghìn năm. Đó cũng là biểu hiện sinh động gốc của khát vọng. Tiếp nối
giống nòi, kế thừa và phát huy tinh thần, khát vọng của tiên tổ, ông
cha, ngày nay, chúng ta có bổn phận đưa khát vọng ấy lên một tầm cao
mới, phù hợp với xu thế thời đại và điều kiện, vị thế, uy tín của quốc
gia trên trường quốc tế.
Tinh thần năng động, sáng tạo, nhiệt huyết cống hiến từ mỗi công bộc của
dân, sự thôi thúc mạnh mẽ từ mỗi chi bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa
phương... để tập hợp lòng dân thành một khối thống nhất ý chí và hành
động chính là cách để đưa khát vọng phát triển đất nước đến từng người
dân, từng cơ sở.
Dân là gốc của khát vọng. Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước chính là đáp ứng quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Nước mạnh, dân giàu là như thế!./.
Phan Tùng Sơn (qdnd.vn)