Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 16/1/2009 23:15'(GMT+7)

Góp thêm một cách tiếp cận mục tiêu của chủ nghĩa xã hội

1.-Đối với C.Mác, Ph.Ăngghen : Mục tiêu của cách mạng là tự do của con người

160 năm đã trôi qua, kể từ khi tác phẩm bất hủ của C.Mác-Ph.Ăngghen ra đời: Tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Thời thế đã có nhiều đổi thay với tất cả tính thuận - nghịch của nó, nhưng hầu hết những vấn đề được đề cập trong Tuyên ngôn, đặc biệt là vấn đề mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản vẫn giữ nguyên giá trị của mình.

Lịch sử phát triển của nhân loại không gì khác hơn là lịch sử con người không ngừng vươn lên hoàn thiện bản thân mình; là lịch sử vươn tới tự do theo nghĩa rộng nhất của từ đó: Con người làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân mình; con người trở thành tự do (Ph.Ăngghen). Trên con đường đó, biết bao lực cản đã phát sinh khiến cho lôgíc đó lại được thể hiện qua những khúc quanh co của lịch sử. Trong gần 6 triệu năm của xã hội cộng sản nguyên thuỷ, con người được sống trong môi trường xã hội hoàn toàn bình đẳng, tự do, không có bất kỳ sự cưỡng bức nào, không có bất kỳ sự bất công, bất bình đẳng nào trong quan hệ giữa người và người, nhưng do trình độ vô cùng hạn chế của lực lượng sản xuất và của nhận thức, con người hoàn toàn là nô lệ của tự nhiên, phụ thuộc tuyệt đối vào tự nhiên. Trong quan hệ với tự nhiên, họ hoàn toàn không có tự do.

Nhờ sự phát triển của lực lượng sản xuất và những tri thức được tích luỹ từ thực tiễn, con người vươn lên nhận thức và làm chủ được một số quá trình tự nhiên hạn hẹp, thì trong xã hội lại xuất hiện đối kháng giai cấp. Quyền tự do, làm chủ xã hội chỉ dành cho một thiểu số – giai cấp chủ nô. Trong xã hội đó, quần chúng lao động đông đảo – những người nô lệ - chỉ được xem là “công cụ biết nói”(1). Trong chế độ phong kiến, tuy thoát khỏi tình trạng một loại công cụ biết nói, nhưng những người nông dân lao động lại bị cột chặt vào mảnh ruộng nhỏ thuộc sở hữu phong kiến. Phong trào nông dân nổ ra nhằm giải phóng mình khỏi tình trạng đó cũng không mang lại kết quả đáng mong đợi, song nó lại có vai trò nhất định thúc đẩy sự chín muồi của cách mạng tư sản. Chủ nghĩa tư bản được xác lập và không ngừng được củng cố. Song, như C.Mác - Ph.Ăngghen đã viết trong Tuyên ngôn, “Xã hội tư sản hiện đại sinh ra từ trong lòng xã hội phong kiến đã bị diệt vong, không xoá bỏ được những đối kháng giai cấp. Nó chỉ đem những giai cấp mới, những điều kiện áp bức mới, những hình thức đấu tranh mới thay thế cho những giai cấp, những điều kiện áp bức, những hình thức đấu tranh cũ mà thôi”(2).

Tiền đề kinh tế cho sự ra đời và tồn tại của chế độ tư bản chủ nghĩa là việc chuyển từ nền kinh tế tự nhiên, tự cung tự cấp dựa trên sở hữu nhỏ đối với ruộng đất trong chế độ phong kiến sang nền kinh tế hàng hóa, phát triển lên thành kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Trong nền kinh tế đó, công nhân cũng chỉ là một hàng hoá, buộc phải tự bán mình để kiếm ăn. Trong chủ nghĩa tư bản, “người công nhân trở thành một vật phụ thuộc giản đơn của máy móc… Họ không những là nô lệ của giai cấp tư sản, của nhà nước tư sản, mà hàng ngày, hàng giờ, còn là nô lệ của máy móc, của người đốc công và trước hết là của chính nhà tư sản chủ xưởng”(3).

Phân công lao động tư bản chủ nghĩa trong điều kiện văn minh công nghiệp cơ khí càng sâu, tình trạng méo mó, phiến diện về nghề nghiệp của người công nhân càng tăng lên, giá trị lao động cuả họ càng giảm đi. Chủ nghĩa tư bản càng phát triển, sự tha hoá lao động và tha hoá xã hội cuả người công nhân ngày một gia tăng. Từ chỗ lao động là phương thức ra đời, phương thức tồn tại, phương thức phát triển của con người, là thuộc tính nội tại của con người, thì trong tay giai cấp tư sản, lao động trở thành công cụ để chi phối, thống trị, bóc lột lại người lao động. Do sự tha hoá đó, đối với người công nhân, lao động không còn là vinh quang, mà là một gánh nặng; trong hoạt động của con người (lao động), họ cảm thấy mình là con vật, chỉ trong hoạt động của con vật, họ mới thấy mình là con người.

Sự tha hoá lao động đó chỉ được khắc phục, khi bản thân người lao động đựơc làm chủ tư liệu sản xuất, từ đó, nhờ được làm chủ về kinh tế mà họ có quyền làm chủ trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng - tinh thần. Chỉ trong xã hội như vậy, sự phát triển của mọi cá thể người mới diễn ra theo một hướng duy nhất: tiến tới sự hài hoà, sự thống nhất trong đa dạng. Đề cập mục tiêu căn bản đó của cuộc cách mạng công nhân, C.Mác - Ph.Ăngghen viết: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(4).

2.-Đối với V.I.Lênin: Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của chủ nghĩa xã hội.

Vấn đề này thể hiện rõ nhất trong quan niệm của Lênin về mối quan hệ hữu cơ giữa cuộc đấu tranh cho dân chủ và cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội. Mối quan hệ đó được thể hiện tập trung ở hai luận điểm sau đây:

Một là, giai cấp vô sản không thể hoàn thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, nếu họ không được chuẩn bị để tiến tới cuộc cách mạng đó thông qua cuộc đấu tranh cho chế độ dân chủ.

Hai là, chủ nghĩa xã hội sẽ không duy trì được thắng lợi, nếu không thực hiện đầy đủ chế độ dân chủ.

Như vậy, đối với Lênin, dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của chủ nghĩa xã hội.

Bằng những lập luận sâu sắc của mình, Lênin chứng minh rằng khi đạt tới trình độ chín muồi của nó, dân chủ xã hội chủ nghĩa sẽ là nền dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản. Với tư cách là một phạm trù chính trị, dân chủ xã hội chủ nghĩa càng chín muồi, càng được hoàn thiện bao nhiêu, nó càng nhanh đi tới ngày tự tiêu vong bấy nhiêu. Khi đó, trình độ cao của hình thái kinh tế-xã hội cộng sản sẽ đựơc xác lập: Xã hội cộng sản chủ nghĩa – một xã hội không còn chính trị, do vậy, cũng không còn dân chủ với tư cách một phạm trù chính trị; các phương diện văn hoá, xã hội, nhân văn... của dân chủ sẽ ngày một phát triển, tạo ra xã hội tốt đẹp cho mọi người trên mọi phương diện.

3. Đối với những người khởi xướng cách mạng dân chủ tư sản Pháp: Mục tiêu của cách mạng là “Tự do, bình đẳng, bác ái”

“Tự do, bình đẳng, bác ái” mà cuộc Cách mạng tư sản Pháp 1789 đề cao không chỉ đáp ứng nhu cầu ra đời của chủ nghĩa tư bản, nó cũng đáp ứng phần nào khát vọng giải phóng cuả nhân dân lao động, mà đại đa số là nông dân. Sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân lao động tạo thành động lực quyết định thành công của cách mạng này – một cuộc cách mạng tiên tiến nhất, triệt để nhất mà giai cấp tư sản có thể đạt được trong toàn bộ lịch sử tồn tại, phát triển của mình cho đến nay.

4. Đối với Tôn Trung Sơn: Mục tiêu cần đạt của cách mạng là “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”.

Theo Triết lý Quốc trị Đông phương của Dương Thành Lợi (xuất bản vào năm 1996, tr.341-367)(5):

Linh hồn của cách mạng Trung Hoa trong giai đoạn đầu thế kỷ XX là Tôn Trung Sơn - người khai sinh ra chủ nghĩa Tam Dân. Chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn đặt căn bản trên ba nguyên lý là Dân Tộc, Dân Quyền, và Dân Sinh.

Nguyên lý Dân Tộc độc lập minh xác là nhân dân phải giành lại chủ quyền quốc gia để có thể hoạch định chính sách xây dựng đất nước một cách độc lập. Các thỏa ước thiếu bình đẳng với ngoại quốc, bất lợi cho dân tộc phải được hủy bỏ hoặc tái xét nhằm có lợi cho đôi bên.

Tôn Trung Sơn nhận thấy tinh thần nhân dân Trung Hoa quá suy đồi cho nên ông hô hào tái xây dựng sức mạnh dân tộc. Người dân lúc đó chỉ biết bám vào gia tộc và tông tộc để sinh tồn trong giai đoạn đất nước suy yếu. Họ đã quên đi lý tưởng dân tộc quốc gia cao cả khiến sức mạnh nhân dân bị rã rời, tiêu tan trước sức mạnh chính trị và kinh tế của Tây phương.

Ông kêu gọi nhân dân Trung Hoa phải thức tỉnh để ý thức được đức tính dân tộc lâu đời của họ.

Tôn Trung Sơn quan niệm rằng có được sự thông cảm, tương trợ giữa người và người thì dân tộc mới đoàn kết để giành lại chủ quyền quốc gia hầu canh tân đất nước. Trung Hoa có hùng cường mới có thể trở nên bình đẳng được với các dân tộc khác trên thế giới; có bình đẳng với các dân tộc khác thì mới không bị ức hiếp trong các quan hệ quốc tế.

Nguyên lý Dân Quyền tự do chủ trương là nhân dân phải có bốn quyền căn bản: bầu cử, đề nghị dự luật, biểu quyết bãi nhiệm chính quyền hay công chức, phúc phủ quyết luật pháp.

Nguyên lý Dân Sinh hạnh phúc chủ trương rằng vấn đề dân sinh là trọng tâm của sự tiến hóa trong xã hội, và sự tiến hóa trong xã hội trở thành trọng tâm của lịch sử chứ không phải vật chất là trọng tâm của lịch sử. Vì vậy, chủ nghĩa Tam Dân bắt buộc chính quyền phải chăm lo đến đời sống của nhân dân, bởi vì quốc gia không thể hùng cường nếu dân tộc không được ấm no. Sự cách biệt giữa kẻ giàu và người nghèo phải được giảm thiểu tối đa để nâng cao đời sống nhân dân một cách đồng đều và giới hạn sự bất bình đẳng quyền lợi kinh tế trong quốc gia.

Khi áp dụng chủ nghĩa Tam Dân vào thực tế, Tôn Trung Sơn đưa ra một cương lĩnh chính trị gồm bốn trọng điểm để hướng dẫn cuộc cách mạng canh tân quốc gia (năm 1919):

Một là, lấy chủ nghĩa Tam Dân làm tôn chỉ để hướng dẫn cách mạng;

Hai là, lấy “Ngũ quyền Hiến pháp” (gồm quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, giám sát, khảo thí) làm mục tiêu cần phải đạt đến để hoạt động

Ba là, tiến trình cách mạng được chia thành 3 giai đoạn:

a- Quân Chánh: Tổ chức phải dùng sức mạnh quân sự để san bằng các trở ngại hầu xây dựng nền tảng quốc gia;

b- Huấn Chánh: Tuyên truyền chính trị và khuyến khích nhân dân bài trừ các thế lực phong kiến phản động để thành lập cơ sở tự trị địa phương (kiểu Nghị viện tiểu bang ở Hoa Kỳ);

c- Hiến Chánh: Đại biểu địa phương sẽ nghị hội để pháp hóa Ngũ Quyền Hiến pháp;

Bốn là, Trung Hoa Quốc Dân Đảng độc quyền kiểm soát hoàn toàn việc quốc trị và quốc phòng trong suốt giai đoạn cách mạng cho đến khi Ngũ quyền Hiến pháp được pháp hóa và công bố.

Chủ nghĩa Tam Dân là một đóng góp quan trọng cho nỗ lực dung nạp các tư tưởng tự do dân chủ của Tây phương vào xã hội châu á đương thời. Khi đánh giá vai trò của Đảng do Tôn Trung Sơn (Tôn Dật Tiên) sáng lập và lý tưởng mà đảng đó theo đuổi, Lênin viết: “Dù sao phái dân chủ ở Trung Quốc cũng đã làm được rất nhiều việc để thức tỉnh nhân dân, để giành lấy các quyền tự do và các thiết chế dân chủ triệt để, mặc dù lãnh tụ của họ là Tôn Dật Tiên có những thiếu sót lớn (…). Trong khi lôi cuốn ngày càng đông đảo quần chúng nông dân Trung Quốc tham gia phong trào…, đảng đó của Tôn Dật Tiên nhờ thế mà trở thành (…) một nhân tố tiến bộ lớn đối với châu Á và đối với loài người”(6).

5- Đối với Hồ Chí Minh: Mục tiêu cách mạng cần đạt đến là “Dân chủ cộng hoà, độc lập, tự do, hạnh phúc”. Trong đó:

“Dân chủ cộng hoà” là tính chất thể chế chính trị-xã hội mà chúng ta cần phải xây dựng. Trong thể chế đó, Nhà nước do nhân dân lập ra thông qua tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu và kín; nhân dân là chủ thể duy nhất của mọi quyền lực nói chung, quyền lực nhà nước nói riêng; mọi quyền lực mà Nhà nước có đựơc là do nhân dân uỷ quyền cho nó. Nhà nước đó đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. Nhân dân có quyền tỏ tín nhiệm hay bất tín nhiệm đối với Chính phủ, “Chính phủ mà làm hại dân, dân có quyền đuổi chính phủ đó đi” (Hồ Chí Minh)…

Trong thể chế dân chủ đó, nhân dân là người quyết định, Nhà nước phải hỏi ý kiến nhân dân; những chủ trương, chính sách mà dân cho là không đúng phải để nhân dân kiến nghị sửa chữa; mọi chính sách phải “từ dưới nhoi lên” (Hồ Chí Minh) – tức là phải từ dân chúng mà ra...

“Độc lập” trước hết là thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang; là nhân dân đựơc làm chủ vận mệnh của dân tộc, của đất nước và bản thân mình; được lựa chọn thể chế xã hội thích hợp…

“Tự do” có nghĩa người dân đựơc làm bất kỳ cái gì mà pháp luật không cấm và không vi phạm quyền tự do của người khác; dân có quyề tự do ngôn luận, tự do cư trú, tự do tín ngưỡg tôn giáo, tự do biểu thị chính kiến… Tự do “là làm cho người dân mở miệng ra” (Hồ Chí Minh”.

“Hạnh phúc” như là kết quả tổng hợp cuả tất cá các nhân tố nêu trên, biểu hiện trong cuộc sống cuả từng cá nhân, từng gia đình, trong cả cộng đồng; mọi người có sự gắn bó hữu cơ với nhau, thương yêu, đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ; có cuộc sống được bảo đảm; những nhu cầu lành mạnh , hợp lý được đáp ứng; có mối quan hệ thân thiện giữa người và người không chỉ trong gia đình, dân tộc, quốc gia mà cả quốc tế. “Bốn phương vô sản đều là anh em” (Hồ Chí Minh).

Cách hiểu nội dung các quan điểm nêu trên đây về mục tiêu của cách mạng có thể chưa thật đầy đủ, thiếu chuẩn xác; nhưng lướt qua như vậy cũng cho thấy giữa các tư tưởng đó tuy có những khác nhau nhất định, song lại có một loạt nhân tố gặp nhau rất cơ bản. Chẳng hạn, mục tiêu “Tự do” chúng ta bắt gặp ở cả Mác, Ăngghen, Cách mạng tư sản Pháp, Tôn Dật Tiên, Hồ Chí Minh; mục tiêu “Dân chủ” bắt gặp trong quan niệm của Mác, Ăngghen, Lênin, Hồ Chí Minh;… Cho nên, đối với các nhà tư tưởng đó, một xã hội mới, tiêu biểu cho tiến bộ lịch sử theo hướng giải phóng con người phải là xã hội kết tinh trong đó các gía trị: “Dân chủ, độc lập, tự do, hạnh phúc”.

Xuất phát từ giác độ đựơc đề cập trong bài viết này, một khái quát ngắn ngọn về mục tiêu của chủ nghĩa xã hội phải bao hàm 4 từ trên; đó có thể là: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng là xã hội do nhân dân làm chủ, con người đựơc sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc”. Cách khái quát này đơn giản, dễ hiểu, gần gũi với nhu cầu thường nhật của con người; dễ cảm hoá, dễ chấp nhận đối với con người - dù họ còn có quan niệm khác nhau về lý tưởng chính trị, chính kiến... Nói cách khác, khái quát này giúp chúng ta quy tụ được sức mạnh cuả toàn dân tộc vào công cuộc kiến thiết đất nước như là chìa khoá của mọi thành công./.

————————

(1) Trong xã hội chiếm hữu nô lê, toàn bộ công cụ sản xuất được chia làm ba loại: Công cụ câm, công cụ nửa biết nói, công cụ biết nói; trong đó, công cụ biết nói chính là nô lệ.

(2), (3), (4) C.Mác-Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.4. Nxb CTQG, H, 1995, tr.597, 605-606, 628

(5) htt//bimatcs.googelepages.com / TonDat Tien_TamDan.doc

(6) V.I.Lênin. Toàn tập, t.23, tr.178.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất