Chủ Nhật, 24/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 12/1/2009 21:10'(GMT+7)

Thụy Điển-Việt Nam 40 năm nghĩa tình

Nhà Vua Thụy Điển Carl Gustaf và Hoàng hậu Silva thăm phố cổ Hà Nội, 2/2004

Nhà Vua Thụy Điển Carl Gustaf và Hoàng hậu Silva thăm phố cổ Hà Nội, 2/2004

Những vần thơ trên viết năm 1965, trích từ thư điện tử do Ander Wallden và vợ, Eva Wallden, gửi từ thành phố cảng Gothenburg, phía Nam Thuỵ Điển, tới Đại Sứ quán Việt Nam tại Stockholm, ngày 30-4-2005. “Đối với vợ chồng tôi, Việt Nam sẽ luôn có một vị trí gần gũi trong trái tim mình. Cầu chúc nhân dân các bạn có tương lai tốt đẹp nhất”.

Thuỵ Điển là một nước trung lập. Nền trung lập Thuỵ Điển, khởi đầu từ đầu thế kỷ XIX, là một hiện tượng độc đáo trong quan hệ quốc tế, một mô hình thành công. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, lịch sử và những điều kiện bên ngoài kêu gọi Thuỵ Điển tham gia tích cực đấu tranh cho những lợi ích toàn cầu. Trải qua những khúc quanh lịch sử, với nhiều biến thiên, đường lối trung lập được thực hiện một cách khôn khéo, trở thành ngôi sao dẫn đường cho chính sách đối ngoại đất nước này, góp phần bảo vệ độc lập, hoà bình, tăng cường an ninh, phát triển và phồn vinh của Thuỵ Điển, đồng thời nâng cao vị trí của nước này trên trường quốc tế.

Các chính quyền Thuỵ Điển những năm 1960-70 theo đuổi đường lối trung lập tích cực trong vấn đề Việt Nam. Trước những lời lẽ mạnh mẽ của Olof Palme phê phán cuộc ném bom B.52 tại Hà Nội, Hải Phòng, tháng 12-1972, chính quyền Mỹ đã chỉ trích gay gắt Olof Palme có thái độ chống Mỹ và Chính phủ Thuỵ Điển từ bỏ đường lối trung lập truyền thống. Thủ tướng Palme đáp lại trong một trả lời phỏng vấn thể hiện quan điểm của Chính phủ nước ông trên báo Le Monde: “Trung lập không có nghĩa là không được bày tỏ quan điểm, lập trường của mình đối với những vấn đề quốc tế. Ngược lại, Thuỵ Điển hoàn toàn có quyền nói rõ quan điểm của mình. Quan điểm của một nước nhỏ đối với một vấn đề quốc tế lớn”.

Phong trào chống chiến tranh, đoàn kết ủng hộ Việt Nam

Các mối quan tâm gần gũi của nhân dân Thuỵ Điển đối với Việt Nam gắn liền với phong trào chống chiến tranh Việt Nam từ giữa những năm 1960. Năm 1965 là cột mốc quan trọng. Thuỷ quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng và chính quyền Johnson bắt đầu tiến hành chiến tranh không quân ở miền Bắc Việt Nam. Vấn đề Việt Nam đã đi vào trung tâm chính trị thế giới. Cuộc chiến tranh tác động thức tỉnh lương tri nhân dân Thuỵ Điển vốn có tinh thần nghĩa hiệp, nhân đạo và yêu chuộng hoà bình sâu sắc.

Tháng 6-1965, hai sinh viên y khoa - Asa Hallstrom và Skold Peter Matthis, trong số những người tổ chức “Tuần lễ Việt Nam” - biểu tình ngồi tại Quảng trường Hotorget, trung tâm thủ đô Stockholm. Việc hai người bị cảnh sát bắt và bị đưa ra toà xét xử đã gây tiếng vang trên báo chí sở tại, tạo ra thanh thế và sự chú ý của dư luận đối với những người đi tiên phong phản đối chiến tranh.

Phong trào chống chiến tranh, đoàn kết và ủng hộ Việt Nam, với tên quen thuộc là Phong trào Việt Nam, từng bước hình thành, từ tự phát đến có tổ chức; từ một vài địa phương lan rộng ra cả nước. Vào lúc cao điểm của cuộc chiến tranh phá hoại, cả năm chính đảng trong Quốc hội Thuỵ Điển cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ Việt Nam. Quy mô và hình thức hoạt động vô cùng sinh động, phong phú: mít tinh, biểu tình, hội họp, tổ chức các nhóm nghiên cứu về Việt Nam, ra bản tin, quyên góp chữ ký, quyên tiền ở những nơi công cộng, đi “gõ cửa từng nhà” để quyên góp, bán bản tin, v.v.. Ngày nay, nhiều bạn bè Thuỵ Điển vẫn lưu giữ những kỷ vật của phong trào Việt Nam, vẫn tự hào khi nhớ lại những năm tháng lăn lộn với phong trào tràn ngập tình nhân ái ấy.

Olof Palme - người thắp sáng ngọn đuốc đoàn kết ủng hộ Việt Nam

Ngày 24/3/1965, Chính phủ Thuỵ Điển bày tỏ lo ngại về sự mở rộng cuộc xung đột, có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với hoà bình thế giới. Olof Palme, quyền Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Giao thông, phát biểu tại Đạị hội quốc tế những người dân chủ Thiên chúa giáo: “Sẽ là điều ảo tưởng nếu người ta tưởng rằng có thể dùng bạo lực và những biện pháp quân sự để đáp lại những yêu sách về công bằng xã hội”. Ông kết luận: “Tất nhiên, tôi đề cập đến (cuộc chiến tranh) Việt Nam”. Bài diễn văn này dấy lên một cuộc tranh luận trong nội bộ Thuỵ Điển. Một số thế lực đòi Olof Palme từ chức.

Trong cương vị Bộ trưởng giáo dục, ông dẫn đầu cuộc rước đuốc tuần hành trên đường phố Stockholm, ngày 21/2/1968. Sự kiện này chấn động dư luận và gây tranh luận tại Thuỵ Điển và quốc tế. Bức ảnh Olof Palme, cùng Đại sứ Việt Nam đến từ Moscow, tham gia rước đuốc được đăng trên 367 tờ báo tại Mỹ, thúc đẩy phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ. Nó cũng gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Thuỵ Điển và Mỹ. Đại sứ Mỹ đã gặp Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Thuỵ Điển để phản đối. Phía Thuỵ Điển trả lời: “Palme không chống Mỹ mà chống cuộc chiến tranh. Thuỵ Điển không đứng về bên nào, mà đứng về phía hoà bình”. Mỹ đã tạm thời rút đại sứ của mình về nước. Đã có sự lo ngại trong giới công nghiệp và thương mại Thuỵ Điển về khả năng Washington cấm vận kinh tế đối với Thuỵ Điển.

Quan hệ giữa Mỹ và Thuỵ Điển lại trở nên căng thẳng hơn nữa sau tuyên bố ngày 23/12/1972 - bản tuyên bố do Olof Palme trực tiếp viết tại phòng ăn của nhà riêng ở Stockholm - với những lời lẽ mạnh mẽ lên án cuộc ném bom bằng máy bay B.52 của Mỹ tại Hà Nội và Hải Phòng trong mùa Giáng sinh năm đó. Tuyên bố đã gây bực tức từ Chinh phủ Mỹ, đặc biệt là Ngoại trưởng Henry Kissinger. Chính phủ Mỹ triệu hồi đại sứ Mỹ về nước trong 14 tháng và không chấp thuận đại sứ mới của Thuỵ Điển. Trong hai năm 1973-1974, Mỹ từ chối khôi phục quan hệ cấp đại sứ với Thuỵ Điển vì chính sách Việt Nam của Chính phủ Thuỵ Điển. Đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất mà Thuỵ Điển trải qua từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Nhưng Olof Palme nhận được 1200 bức thư tán thành, cảm ơn từ người Mỹ và được dư luận của các nước Thế giới thứ ba đánh giá cao.

Olof Palme tại cuộc rước đuốc nổi tiếng chống chiến tranh Việt Nam, Stockholm, 2/1968

Dưới sự lãnh đạo của Olof Palme, Chính phủ Thuỵ Điển đã tiến tới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đồng thời từ mùa Xuân 1969 đã khởi động quá trình xem xét việc Thuỵ Điển viện trợ cho Việt Nam. Trong cả hai vấn đề quan trọng này, Thuỵ Điển đều là nước đi đầu trong các nước Tây và Bắc Âu.

Trong diễn văn chào mừng đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng dẫn đầu, thăm Thụy Điển 1974, Olof Palme nói rằng Thuỵ Điển đang chào đón đại diện chân chính của một đất nước từ lâu chiến đấu bền bỉ cho tự do và độc lập dân tộc của mình. “Toàn bộ lịch sử Việt Nam chỉ phản ánh một thiên anh hùng ca của một dân tộc từ chối không chịu khuất phục trước sự thống trị của kẻ khác. Phải chăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giáo dục nhân dân nước mình thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Người ta thấy trong lời nói đó một nguyên tắc cơ bản liên quan đến tất cả những nước nhỏ và vừa trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc của mình”. Olof Palme còn nói về “một thế hệ Việt Nam” trên thế giới được sản sinh ra nhờ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, về sự giác ngộ chính trị tại Thuỵ Điển và trên thế giới mà cuộc chiến đấu đó mang lại.

Palme có ảnh hưởng quan trọng đối với việc hình thành chính sách của Thuỵ Điển đối với Việt Nam. Cùng với ông, còn có nhiều nhân vật khác, như các Ngoaị trưởng Torsten Nilsson, Krister Wickman, các nhà hoạt động văn hóa xã hội Skold Peter Mattis, Sara Lidman, Birgitta Dahl, Anita Gradin, Johan Takman, Lars Thorbjornson, Ulf Matensson... Birgitta Dahl sau này trở thành Chủ tịch Quốc hội Thuỵ Điển và là vị khách nước ngoài đầu tiên được mời phát biểu tại Quốc hội Việt Nam.

Sự nghiệp chính nghĩa không tự nó toả sáng. Thông qua nỗ lực bền bỉ của các binh chủng hợp thành, ngoại giao Việt Nam chủ động tích cực vận động quốc tế, hình thành trên thực tế mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến cứu nước. Ngọn đuốc Palme góp phần thắp sáng sự nghiệp chính nghĩa Việt Nam. Ông là chính khách phương Tây ủng hộ Việt Nam nhất quán và nổi bật nhất trong thời kỳ chiến tranh và xây dựng hòa bình. Olof Palme đã vượt qua những bất đồng chính kiến trong chính giới Thụy Điển, thực hiện vai trò lãnh đạo trong vấn đề Việt Nam. Đồng thời lập trường và quan điểm của ông tác động tích cực, góp phần thúc đẩy phong trào chống chiến tranh Việt Nam tại phương Tây và tới quan điểm các đảng xã hội dân chủ trên thế giới.

Công nhận ngoại giao

Tháng 10/1968, Olof Palme trở thành Thủ tướng Thuỵ Điển. Ngày 10/1/1969, Ngoại trưởng Torsten Nilsson gửi điện cho Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, thông báo việc Chính phủ Thuỵ Điển chính thức công nhận Việt Nam DCCH và đề nghị hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và mở Đại sứ quán tại thủ đô hai nước. Do chênh lệch múi giờ (6 tiếng), ngày 11/1/1969, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nhận được đề nghị của Ngoại trưởng Thuỵ Điển và hai nước chính thức công nhận ngoại giao lẫn nhau. Ngày 11/1 trở thành ngày kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thuỵ Điển.

Việc chọn thời điểm nửa đầu tháng 1/1969 để thực hiện động thái ngoại giao quan trọng nhất trong chính sách Việt Nam - thiết lập quan hệ ngoại giao, thể hiện sự thận trọng và khôn khéo của các nhà chính trị và hoạch định chính sách đối ngoại tại Stockholm khi tính tới phản ứng của Mỹ. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/1968, R. Nixon đắc cử và chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/1969. Việc tuyên bố công nhận ngoại giao Việt Nam trong thời điểm giao thời bàn giao giữa hai chính quyền ở Washington đã tránh được phản ứng mạnh từ phía Mỹ. Khi thông báo trước cho phía Mỹ về quyết định ngoại giao này, Thuỵ Điển khẳng định quyết định của mình không nhằm chống Mỹ mà nhằm thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc chiến tranh, có lợi cho Mỹ và thế giới phương Tây.

Việc mở cơ quan đại diện thường trú của Việt Nam DCCH và Phòng thông tin của Mặt trận DTGPMNVN tại Stockholm tạo ra những cửa sổ giao dịch, tiếp xúc và liên hệ trực tiếp giữa Việt Nam với các nước phương Tây, nhất là với Tây và Bắc Âu.

Từ năm 1969, khi Thuỵ Điển viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam (ODA), cho đến đầu những năm 2000, số tiền lên tới khoảng 2,5 tỷ USD viện trợ không hoàn lại và khoảng 80 triệu USD tín dụng ưu đãi cho các dự án viễn thông, năng lượng, sản xuất giấy. Viện trợ này đặc biệt có ý nghĩa khi Việt Nam ra khỏi chiến tranh và bị các thế lực thù địch bao vây cấm vận. ODA của Thuỵ Điển đã đã góp phần to lớn vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện y tế, giáo dục, phát triển bền vững, đóng góp vào việc thúc đẩy cải cách thể chế của Việt Nam trong giai đoạn Đổi mới.

Nhiều cá nhân Thuỵ Điển cũng tự nguyện đóng góp cho các chương trình nhân đạo thuộc các lĩnh vực văn hoá, xã hội tại Việt Nam. Có nhiều người đã sử dụng tài sản thừa kế mà mình nhận được từ người thân để thực hiện các chương trình đó.

Năm tháng dẫu trôi qua nhưng nghĩa tình của người Thụy Điển vẫn ấm áp trong tâm khảm người Việt Nam. Việt Nam và Thụy Điển tay trong tay đang tiếp bước trong giai đoạn mới của tình hữu nghị và quan hệ hợp tác cùng có lợi./.

(Theo: Nguyễn Ngọc Trường/Tổ quốc)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất