Thứ Tư, 25/9/2024
Môi trường
Thứ Ba, 24/9/2013 16:37'(GMT+7)

Góp ý Dự thảo Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến phát biểu tại hội thảo

Ngày 24/9, hội thảo Giới thiệu Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và góp ý Dự thảo Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có bà Louise Chamberlain, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam, đại diện các Bộ, các đơn vị thuộc Tổng cục Môi trường, Lãnh đạo của các Sở, ban, ngành và địa phương, Lãnh đạo các Vườn Quốc gia, khu bảo tồn thuộc các tỉnh thành phố khu vực Đông Bắc, Tây Bắc, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ; các tổ chức quốc tế, nhà khoa học.

Việt Nam là nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao trên thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, sinh cảnh. Việt Nam cũng nằm trong 238 vùng sinh thái ưu tiên toàn cầu được Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (WWF) ghi nhận với nhiều loài đặc hữu, loài nguy cấp được ghi nhận trong sách đỏ, nhiều loài mới được khám phá cho khoa học. Bởi vậy, ĐDSH của Việt Nam được đánh giá có vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội và điều tiết khí hậu, bảo vệ môi trường…

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết, Việt Nam là một trong trong năm nước chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị suy thoái với tốc độ rất nhanh: diện tích các khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần; số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh. Do đó, bảo tồn đa dạng sinh học là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường (bên cạnh các nhiệm vụ phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường) được đề cập đến trong Văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết số 41/NQ-TW của Bộ Chính trị về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31 tháng 07 năm 2013 nhằm đạt các mục tiêu nâng cao chất lượng và tăng diện tích của các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, bảo đảm tăng diện tích các Khu bảo tồn (KBT) trên cạn đạt 9% diên tích lãnh thổ, diện tích các KBT biển đạt 0,24% diện tích vùng biển, độ che phủ rừng đạt 45%, 15% diện tích hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái được phục hồi; cải thiện về chất lượng và số lượng quần thể các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; kiểm kê , lưu giữ và bảo tồn các nguồn gen (vật nuôi, cây trồng, vi sinh vật) bản địa, nguy cấp, quý, hiếm  bảo đảm không bị suy giảm và xói mòn.

 “Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước” có nhiệm vụ tập trung tối đa cho nhu cầu bảo tồn, bao gồm 148 khu bảo tồn thiên nhiên hiện có; đến năm 2020 phấn đấu có thêm 41 khu bảo tồn thiên nhiên mới được thành lập theo quy định của Luật Đa dạng sinh học. Trong đó có 17 khu thuộc hệ thống vùng đất ngập nước; 8 khu thuộc hệ thống biển; 12 khu tỉnh đề xuất và 4 khu theo nhu cầu bảo tồn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải nâng cao chất lượng và tăng diện tích của các hệ sinh thái tự nhiên. Bảo đảm đến năm 2020, diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 9% diện tích lãnh thổ, diện tích các khu bảo tồn biển đạt 0,24% diện tích vùng biển; độ che phủ của rừng đạt 45%; rừng nguyên sinh được giữ ở mức 0,57 triệu ha và có kế hoạch bảo vệ hiệu quả; diện tích rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô được duy trì ở mức hiện có; 15% diện tích hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái được phục hồi; số lượng các khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam được quốc tế công nhận đạt 10 khu Rasar, 10 khu dự trữ sinh quyển, 10 vườn di sản ASEAN.

Đặc biệt, Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường" đã nhấn mạnh quan điểm tăng cường bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học… Bởi vậy, việc góp nhiều ý kiến vào Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học với các nội dung mục tiêu và phương án cụ thể có vai trò quan trọng  trong bảo tồn đa dạng sinh học cả nước.  Đây  sẽ là cơ sở dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2013.

Để triển khai thực hiện Chiến lược, các địa phương cần xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch hành động đa dạng sinh học của địa phương, thực hiện điều tra, đánh giá thu nhập thông tin dữ liệu về đa dạng sinh học, tuyên truyền phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi trái pháp luật về buôn bán, tiêu thụ động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, nghiên cứu đề xuất thiết lập hành lang đa dạng sinh học và thực hiện các biện pháp tăng cường hiệu quả bảo tồn tại các cơ sở bảo tồn chuyển chỗ.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia môi trường cũng cho rằng bảo tồn ĐDSH học ở Việt Nam phải được xem là giải pháp then chốt nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đi đôi với việc sử dụng bền vững ĐDSH góp phần giảm nghèo, nâng cao cuộc sống của người dân. Giải pháp bảo tồn trước nhất là đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế; cùng với thực hiện lồng ghép bảo tồn ĐDSH trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, các ngành và các địa phương.

Các đại biểu cũng đã góp ý cho bản Dự thảo Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước về các nội dung quan điểm,mục tiêu, chỉ tiêu, phương án quy hoạch, số lượng khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn, hành lang đa dạng sinh học, phân bố, phân kỳ các các đối tượng theo các vùng địa lý và định hướng quy hoạch…

Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể đến năm 2020 có 189 khu bảo tồn với diện tích 3.045.546 ha, 25 cơ sở bảo tồn với diện tích 1.297 ha, 04 hành lang với diện tích 146.606 ha, năm 2030 có 212 khu bảo tồn  với diện tích 3.139.689 ha, 38 cơ sở bảo tồn với diện tích 2409.54 ha, 21 hành lang với diện tích 563.668,86 ha.

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất