Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 24/4/2011 13:33'(GMT+7)

Nâng cao kỹ năng vận động và tuyên truyền bầu cử

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long đã triển khai kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn trang bị những kỹ năng cần thiết cho nữ ứng cử viên trong quá trình bầu cử.

Trong đó hội tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 nhằm giúp nữ ứng cử viên tự tin và thành công trong quá trình ứng cử, góp phần tăng tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp từ 30% trở lên.

Chuẩn bị cho công tác bầu cử, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long đã đưa các cán bộ nguồn đi đào tạo để làm nòng cốt trong tổ chức lớp tập huấn ở cơ sở. Các lớp tập huấn tập trung trang bị cho nữ ứng cử viên các kỹ năng: xây dựng chương trình hành động, trình bày chương trình hành động trước cử tri, tranh luận, thuyết trình, tuyên truyền vận động qua phương tiện thông tin đại chúng, quản lý thời gian trong quá trình ứng cử.

Hội còn tổ chức các buổi họp mặt, mời các chị đã tham gia ứng cử các khóa trước đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệp trong vận động bầu cử với các nữ ứng cử viên.

Trong tháng 4/2011, Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện và thành phố Vĩnh Long đẩy mạnh công tác tuyên truyền học tập Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp cho hội viên, nữ công nhân lao động, tăng cường hình thức sinh hoạt tại các mô hình câu lạc bộ nữ, cung cấp các tài liệu tuyên truyền về bầu cử, nghe phổ biến tiểu sử các ứng cử viên và lịch bầu cử, nâng cao nhận thức về giới trong công tác bầu cử ở các xã vùng nông thôn, vùng dân tộc… đảm bảo các chị em phụ nữ vùng nông thôn, vùng dân tộc đều thực hiện quyền bầu cử theo luật định.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Long, qua các vòng hiệp thương, số lượng nữ ứng cử viên được giới thiệu chiếm tỷ lệ khá trong đó có 5 nữ ứng cử viên trên tổng số 8 ứng cử viên được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, chiếm tỷ lệ 62,5%; 27 nữ ứng cử viên trên tổng số 76 ứng cử viên được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, chiếm tỷ lệ 35,52%; 153 nữ ứng cử viên trên tổng số 423 ứng cử viên được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện, thành phố, chiếm tỷ lệ 36,17% và 1.292 nữ ứng cử viên trên tổng số 4.550 ứng cử viên được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã, chiếm tỷ lệ 28,39%.

Tại trường Trung cấp Phật học (chùa Hội Khánh), Ủy ban Bầu cử tỉnh và Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương vừa tổ chức hội nghị tuyên truyền công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân 3 cấp nhiệm kỳ 2011-2015 cho hơn 100 chức sắc các tôn giáo trong tỉnh.

Lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh đã giới thiệu mục đích ý nghĩa, kết quả của các hội nghị hiệp thương; cơ cấu, thành phần số lượng người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp; triển khai Chỉ thị số 07 của Tỉnh ủy về việc lãnh đạo cuộc bầu cử, Chỉ thị số 05 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về tổ chức thực hiện cuộc bầu cử; kế hoạch triển khai công tác bầu cử của Ủy ban Bầu cử tỉnh và Luật, quy định... liên quan đến công tác bầu cử.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 4 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Tin Lành và Cao Đài, với 1.038 chức sắc và trên 150.000 tín đồ, chiếm khoảng 10% dân số toàn tỉnh. Từ cơ sở nội dung, tài liệu của hội nghị tuyên truyền này, các vị chức sắc tôn giáo sẽ về cơ sở triển khai, tuyên truyền vận động tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia công tác bầu cử đạt kết quả tốt.

Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tiến hành hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan với nhiều hình thức như thiết kế 10 mẫu market tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp; treo 30 băng-rôn với 10 nội dung tuyên truyền bầu cử trong khu vực thị xã Thủ Dầu Một; lắp đặt hoàn chỉnh 400m2 panô tuyên truyền trên các trục đường chính thuộc khu vực nội ô trung tâm thị xã Thủ Dầu Một, đường tạo lực ngã tư Sở Sao và thành phố mới Bình Dương; treo 500 cờ có nội dung tuyên truyền bầu cử ở các tuyến đường chính thuộc khu vực nội ô thị xã Thủ Dầu Một và Đại lộ Bình Dương.

Trung tâm cũng biên tập nội dung, in sang 100 đĩa CD tuyên truyền bầu cử phát hành cho các huyện, thị, xã phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; trưng bày triển lãm 65 tranh (60x80cm) cổ động bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp tại Trung tâm Văn hóa tỉnh; in 14.500 tờ áp phích tuyên truyền bầu cử (khổ 60x90cm) phát hành cho các địa phương trong toàn tỉnh.

Đội tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa tỉnh còn dàn dựng và tập xong kịch bản tuyên truyền với chủ đề “Ngày hội non sông” và có kế hoạch biểu diễn phục vụ 30 buổi tại các huyện, thị, cơ sở (từ ngày 12/4/2011-22/5/2011)...

Ngày 23/4, sau khi làm việc với tỉnh Vĩnh Long, bà Bùi Thị Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng đoàn giám sát công tác bầu cử Quốc hội khóa XIII đã đánh giá: đến thời điểm hiện nay, Vĩnh Long đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các bước chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Từ nay đến ngày bầu cử 22/5, tỉnh cần tập trung tổ chức cho cử tri mạn đàm tiểu sử ứng cử viên và tổ chức để các ứng cử viên tiếp xúc cử tri thuận lợi, bình đẳng, công khai, vận động bầu cử đúng luật, nhất là đối với các ứng cử viên từ địa bàn khác đến báo cáo chương trình hành động.

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh ghi nhận các kiến nghị của tỉnh, nếu tổ bầu cử nào đã có 100% cử tri đi bỏ phiếu thì được quyền kết thúc, không cần phải chờ đúng 19 giờ như quy định.

Theo báo cáo của tỉnh, việc thực hiện công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 13 và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 theo đúng các bước, đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo công khai, dân chủ và đúng thời gian quy định.

Trong đó, tỉnh chuẩn bị chu đáo từ khâu xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các bước của quy trình hiệp thương; chuẩn bị nhân sự lập danh sách chính thức 10 người ứng cử đại biểu Quốc hội (trong đó 2 đại biểu do Trung ương đưa về); 76 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, 423 người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện và 4550 người ứng cử cấp xã; thành lập 2.234 tổ chức bầu cử từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn.

Tỉnh đã niêm yết danh sách công khai hơn 823.200 cử tri đủ điều kiện tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 tại trụ sở Ủy ban Nhân dân các phường, xã, thị trấn và những nơi công cộng của khu vực bỏ phiếu.

Công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử cũng được các cơ quan, ban ngành thực hiện tốt cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Các Ban bầu cử của tỉnh đã lập kế hoạch cụ thể để các ứng cứ viên tiếp xúc cử tri từ ngày 3 đến ngày 18/5, nhưng nếu các ứng cử viên có điều kiện, có nhu cầu, tỉnh sẽ bố trí để tiếp tục tiếp xúc cử tri đến ngày 20/5; đảm bảo cho người ứng cử đại biểu Quốc hội được tiếp xúc cử tri ít nhất là 10 cuộc; người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh tiếp xúc cử tri ít nhất là 5 cuộc, người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện, cấp xã được tiếp xúc cử tri ít nhất là 3 cuộc./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất