Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 24/4/2011 20:1'(GMT+7)

Tọa đàm trực tuyến: Bầu cử - Ngày hội toàn dân

Tới thời điểm này, chỉ còn 1 tháng trước Ngày bầu cử, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 tại các địa phương đang được gấp rút hoàn thiện.

Với chủ đề “Bầu cử - Ngày hội toàn dân”, cuộc tọa đàm do Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức.

Tọa đàm phản ánh quá trình chuẩn bị tiến tới Ngày bầu cử 22/5- Ngày hội của toàn dân, ở một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên- một địa bàn chiến lược của đất nước

Tham dự cuộc tọa đàm có:

- Ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam

- Ông Phạm Minh Toản - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Quảng Ngãi.

- Ông Trần Phùng - Ủy viên Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQVN, Phó Chủ tịch UBBC tỉnh Thừa Thiên - Huế.

- Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Kon Tum.

- Ông Đặng Công Ngữ - Giám đốc Sở Nội vụ, Thư ký Ủy ban Bầu cử thành phố Đà Nẵng.

- Ông Nguyễn Hữu Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Ủy ban Bầu cử tỉnh Quảng Nam.

Tóm lược nội dung tọa đàm:

Chọn ra 832 ứng cử viên đại biểu quốc hội

Ông Nguyễn Văn Pha

Ông Nguyễn Văn Pha cho biết, theo thống kê sơ bộ bước đầu, sau hiệp thương vòng ba, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã chọn ra 832/1.085 người ứng cử đại biểu Quốc hội để đưa vào danh sách bầu cử chính thức với số dư bầu cử đạt khoảng 1,66 lần.

Ông Nguyễn Văn Pha cho rằng, số dư này ở mức phù hợp khi so sánh với các khóa trước (khóa 12 là 1,76 lần, khóa 11 là 1,52 lần).

Trong số 832 ứng cử viên, có 182 người ở trung ương và 650 ở địa phương.

Tỷ lệ ứng viên nữ đạt trên 31,37%, ứng viên dân tộc thiểu số là 16,11%, ứng viên ngoài Đảng đạt14,18%, ứng viên là đại biểu tái ứng cử 21,99%, ứng viên trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) đạt trên 21,99%.

Có 15 người tự ứng cử (chiếm tỷ lệ 1,8%) đã lọt vào danh sách bầu cử chính thức, thấp hơn so với khóa 12 (30 người). Tuy nhiên, so với khóa trước, tỷ lệ người tự ứng cử được giữ lại cao hơn. Khóa 12 có 238 người tự ứng cử được lập danh sách sơ bộ sau hiệp thương lần 2 và sau lần 3 còn 30 người. Đối với khóa 13 này, cả nước chỉ có 83 người tự ứng cử sau hiệp thương lần 2 và sau lần 3 thì còn 15 người.

Đối với chất lượng người tự ứng cử khóa 13, “cao hơn nhiều” so với khóa trước, ông Nguyễn Văn Pha nói. Về cơ bản, số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu sẽ đáp ứng được tiêu chí như dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cũng liên quan đến kết quả sau hiệp thương lần 3, trên góc độ địa phương, ông Trần Phùng – Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, quy trình hiệp thương được tiến hành qua nhiều bước chặt chẽ, thể hiện dân chủ, công khai.

Ông Phạm Minh Toản

“Cử tri tại nơi làm việc và nơi cư trú đều có thể góp ý ngay đối với danh sách ứng cử viên”, ông Trần Phùng cho biết.

Tại Thừa Thiên Huế, qua 3 lần hiệp thương, Uỷ ban MTTQ tỉnh lập danh sách chính thức 10 ứng cử viên đại biểu Quốc hội công tác tại địa phương và 3 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu. Về ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp, đã chốt danh sách 6.409 người, đảm bảo đủ cơ cấu, thành phần, số lượng.

Bầu người xứng đáng nhất trong những người xứng đáng

Chất lượng của ứng cử viên là vấn đề được nhiều người quan tâm, tham gia đặt câu hỏi. Trước băn khoăn của một độc giả về việc phân bổ đại biểu về các tổ bầu cử liệu có tình trạng “đệm lót”, “quân xanh, quân đỏ” hay không, ông Nguyễn Văn Pha cho rằng, tất cả ứng cử viên được lựa chọn vào danh sách chính thức là những người đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện đề ra.

Theo ông, cơ quan quyền lực cao nhất có tính đại diện với các cơ cấu, thành phần nhất định. Do đó, cũng có những người được giới thiệu cho những cơ cấu định hướng trước. “Tôi khẳng định, dù ai trúng cử thì cũng đủ điều kiện là đại biểu đại diện cho nhân dân”, ông Nguyễn Văn Pha nói.

“Bầu được người xứng đáng nhất trong những người xứng đáng mới là thành tích lớn nhất…”, ông Trần Phùng đồng quan điểm khi trả lời câu hỏi về tình trạng có điểm bỏ phiếu chạy theo thành tích, hoàn thành sớm việc bỏ phiếu trong những lần bầu cử trước.

Theo ông, thành tích bầu cử không phụ thuộc vào hoàn thành sớm mà diễn ra đúng luật, an toàn, đông đảo cử tri trực tiếp đi bầu để lựa chọn người xứng đáng nhất. Đặc biệt, lần này, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp diễn ra trong cùng 1 ngày nên việc lựa chọn càng phải hết sức thận trọng.

Ông Nguyễn Hữu Sáng

Tuy nhiên, làm thế nào để cử tri có thể lựa chọn người đại diện cho mình một cách phù hợp nhất. Một bạn đọc hỏi, một nông dân tại một xã nào đó thì chỉ biết rõ về ứng cử viên cấp xã còn một ứng cử viên do Trung ương giới thiệu về, họ không nắm rõ nên làm sao có thể bỏ phiếu chính xác?

Ông Nguyễn Văn Pha nhất trí, ứng viên cấp xã sống gần gũi với người dân trong xã hơn nên việc bầu chọn đảm bảo chính xác. Còn ứng viên cấp huyện, tỉnh, ứng viên đại biểu Quốc hội không có điều kiện sống ở gần người dân trong xã.

Nhưng luật pháp quy định, việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử có sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức. Những cơ quan này chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân trong việc lựa chọn người ứng cử.

“Xin cử tri hãy yên tâm về sự lựa chọn, giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, tổ chức”, ông Nguyễn Văn Pha nói.

Bên cạnh đó, trong quá trình tuyên truyền trước bầu cử, cử tri đều được nghe rất kỹ về tiểu sử, quá trình công tác, cống hiến của ứng viên. Đó là điều kiện cơ bản để cử tri xem xét, bầu chọn người nào đó vào cơ quan quyền lực của nhà nước.

Từ ngày  3-18/5, các hội nghị tiếp xúc cử tri sẽ được tổ chức để người ứng cử vận động bầu cử. Ông Nguyễn Văn Pha cho rằng, hội nghị cần càng đông cử tri càng tốt, tránh cử tri đại diện, hay gọi là đại cử tri. Việc sắp xếp cho người ứng cử trình bày chương trình hành động phải bình đẳng, theo thứ tự ABC, mỗi người có thời lượng như nhau. Báo đài đăng tải chương trình hành động của mỗi ứng cử viên cũng phải giống nhau về thời lượng

Bao quát địa bàn, báo cáo 2 tuần/lần về tiến độ

Về việc lập danh sách cử tri tại Đà Nẵng- địa phương có tốc độ chỉnh trang đô thị khá lớn, kéo theo sự biến động về dân cư, ông Đặng Công Ngữ - Giám đốc Sở Nội vụ, Thư ký Uỷ ban Bầu cử TP. Đà Nẵng cho biết, việc lập danh sách do UBND phường xã tiến hành.

Trong bối cảnh nhiều hộ giải tỏa di dời trong chỉnh trang đô thị, thành phố quán triệt các địa phương, chủ tịch xã, phường bám sát địa bàn, nắm chắc số cử tri. Nếu cử tri tới nơi mới mà chưa chuyển hộ khẩu, phải xác định cho được họ sẽ bầu ở nơi mới hay nơi cũ. Từ đó, tạo điều kiện, làm thủ tục để họ bầu tại nơi ở mới hay nơi cũ, tránh chồng lấn, 1 người có 2 thẻ cử tri ở 2 nơi. Ông Đặng Công Ngữ cho biết, Đà Nẵng đã làm kỹ khâu phân loại này.

Ông Nguyễn Văn Hùng

Không biến động dân cư lớn, nhưng Kon Tum lại là địa bàn miền núi biên giới, diện tích rộng, dân số ít, phân bổ không tập trung. Để bao quát toàn bộ địa bàn, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UBBC tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hùng cho hay, phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo kiểm tra.

Bên cạnh phân công phụ trách từng lĩnh vực, UBBC của tỉnh đã phân công các tổ phụ trách địa bàn các huyện, thành phố. Đã thành lập 5 đợt kiểm tra gắn với từng nhiệm vụ, từng kỳ, từ đó nắm bao quát các địa bàn dân cư trong quá trình triển khai.

Hơn nữa, các cơ quan ban ngành trong tỉnh tăng cường chỉ kiểm tra trong hệ thống, lĩnh vực mà ngành phụ trách để phục vụ công tác bầu cử. Tỉnh phân công các sở, ban, ngành phụ trách giúp đỡ, kết nghĩa với 1 xã vùng sâu vùng xa về tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong công tác chuẩn bị bầu cử.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, UBBC tỉnh, huyện tăng cường giao ban qua hệ thống trực tuyến. Từ 16/4 trở đi, 2lần/tuần báo cáo nhanh để UBBC nắm bắt tình hình kịp thời.

Là 1 trong 7 địa phương trên cả nước có các đơn vị bầu cử sớm, ông Nguyễn Hữu Sáng – Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên UBBC tỉnh Quảng Nam cho biết, cho đến nay, công tác chuẩn bị diễn ra đúng tiến độ, dân chủ, đúng quy định của pháp luật. Hiện, tất cả các công việc đã sẵn sàng. Quảng Nam được Hội đồng bầu cử cho phép bầu cử sớm (ngày 19/5) tại 148 khu vực bỏ phiếu ở 30 xã thuộc 6 huyện miền núi.

Dự phòng phương tiện đưa bà con tới nơi bầu cử

Ông Đặng Công Ngữ

Nhằm đảm bảo công tác bầu cử tại Lý Sơn- huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, đặc thù điều kiện xa đất liền, ông Phạm Minh Toản - Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBBC tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đã tập trung chỉ đạo huyện đảo thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Đây là vùng đảo biển, người dân đi đánh bắt xa bờ nhiều, vì vậy, UBBC tỉnh chỉ đạo địa phương phải cung cấp tài liệu, đặc biệt là tài liệu hỏi đáp cho các tàu, để trước khi đánh bắt xa bờ, người dân có thể tự tuyên truyền trên từng tàu.

Ngoài ra, sử dụng hệ thống ICOM để tuyên truyền, đồng thời thông báo cho dân biết ngày giờ bầu cử, trách nhiệm, nghĩa vụ của cử tri… cũng như các thông tin cần thiết.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo dự phòng những trường hợp khi thời tiết bất thường như bố trí phương tiện tàu thuyền cho bà con về bầu cử.

Hiện nay, nhiều địa phương đang trong quá trình lập danh sách cử tri và cũng gặp khá nhiều vướng mắc.

Quảng Ngãi là một trong những địa phương có số lượng lao động đi làm ăn xa khá lớn. Nhưng, với những trường hợp làm ăn xa mà không cắt hộ khẩu, hay không đăng ký tạm vắng thì Ủy ban bầu cử sẽ xử lý như thế nào?

Ông Phạm Minh Toản cho biết, theo quy định của luật, công dân của nước Việt Nam, không phân biệt dân tộc, nam nữ, tôn giáo, thành phần, nếu đủ điều kiện thì được lập danh sách cử tri tại xã phường thị trấn để tiến hành bầu cử nơi thường trú.

Về việc người lao động chưa cắt hộ khẩu ở nơi thường trú và không đăng ký tạm trú ở nơi mới thì vẫn được lập danh sách ở nơi đăng ký thường trú và phải trở về địa phương để thực hiện việc bầu cử ở nơi đăng ký thường trú.

Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân bỏ phiếu

Ông Trần Phùng

Là đầu mối giao thông trọng điểm của miền Trung, nhiều cử tri vãng lai, để bảo đảm an ninh an toàn trong thời gian bầu cử, UBBC thành phố Đà Nẵng tổ chức các điểm bầu cử thống nhất theo giờ ấn định, đảm bảo cư tri có thể tham gia bỏ phiếu, muộn nhất là 19h, nếu còn người đi bỏ phiếu, sẽ kéo dài tuy nhiên không quá 22h.

Trước 1 tuần lãnh đạo thành phố quy định không giải tỏa các hộ đi nơi ở khác trong địa bàn thành phố. Trong ngày bầu cử, các phương tiện đi làm công trình tạm dừng để đường xá sạch sẽ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân đi bỏ phiếu.

Địa bàn miền núi thường là nơi có mặt bằng dân trí không cao, tình trạng bầu thay đã từng xảy ra ở những lần bầu cử trước. Để hạn chế vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hùng cho biết, cần làm tốt một số việc.

Trước ngày bầu cử, làm tốt công tác tuyên truyền. Tập huấn, quán triệt cho cán bộ làm công tác bầu cử nắm vững nhiệm vụ và giữ đúng nguyên tắc trong quá trình triển khai công tác bầu cử. Đối với các cử tri đặc biệt, có quy định cụ thể cần chấp hành thực hiện.

Những người không biết chữ, sau khi niêm yết danh sách ứng cử viên, tỉnh sẽ bố trí cán bộ tổ bầu cử tuyên truyền, giới thiệu danh sách ứng viên các cấp cho cử tri ở thôn mình. Trong trường hợp cử tri không biết chữ, theo quy định, có bàn gạch hộ, cử tri tiến hành bầu cử thông qua bàn gạch hộ này.

Vận động giáo viên, già làng, trưởng bản tham gia công tác bầu cử

Về kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị bầu cử, ông Trần Phùng chia sẻ, MTTQ các cấp thực hiện giám sát theo luật định trên một số nội dung như giám sát việc thành lập và hoạt động các tổ chức bầu cử. Giám sát việc các cơ quan tổ chức đơn vị giới thiệu người ứng cử. Giám sát qúa trình, trình tự diễn ra bầu cử...

Các ứng cử viên có được vận động bầu cử trên Internet hay các phương tiện khác hay không?

Ông Nguyễn Văn Pha: Theo quy định của pháp luật, được vận động bầu cử bằng 3 hình thức, thông qua tiếp xúc cử tri nơi công tác, nơi cư trú; hội nghị cử tri do MTTQ phối hợp với UBND cùng cấp  tổ chức, phương tiện thông tin đại chúng. Nếu internet được coi là phương tiện thông tin đại chúng thì đấy cũng là kênh có thể được. Tôi cho rằng, mặc dù internet hiện khá phổ biến nhưng cũng không có nhiều người đọc chương trình hành động của ứng viên trên internet so với số người dự hội nghị tiếp xúc cử tri. Tôi cho rằng, tận dụng tối đa các hội nghị cử tri do MTTQ tổ chức là tốt hơn.

Kinh nghiệm, thực tiễn trong công tác giám sát của mình, theo ông Trần Phùng, cần “hiểu chắc các quy định pháp luật, dựa vào dân, tin vào sức mạnh của dân và hướng về cơ sở, dựa vào các tổ chức thành viên, các ban thanh tra nhân dân”.

Từng nắm giữ cương vị lãnh đạo ở một huyện miền núi khó khăn của Quảng Nam là Tây Giang, theo ông Nguyễn Hữu Sáng, trước hết, phải chú trọng tập huấn, hướng dẫn các tổ tổ bầu cử.

Đối với miền núi, quan tâm vận động đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, năng lực phục vụ công tác bầu cử. Tập trung công tác dân vận, chú ý phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản bởi họ là những người có uy tín, có thể tuyên truyền vận động bà con nhân dân tham gia bầu cử tốt nhất.

Tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm về công tác bầu cử, ông Nguyễn Văn Pha nói, “có thể rút ra một số bài học như tuân thủ tuyệt đối sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ với các cơ qua tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương”.

Trong tất cả các quá trình, phát huy dân chủ, đảm bảo sự tham gia rộng rãi của toàn bộ nhân dân, cử tri, làm tốt tuyên truyền vận động để cử tri đi bầu, lựa chọn sáng suốt người đại diện cho mình tại cơ quan quyền lực nhà nước.

Chủ động, nắm tình hình, lên phương án đối phó các tình huống khó khăn như thời tiết, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để ngày bầu cử diễn ra trọn vẹn và thực sự là ngày hội của toàn dân./.

Cổng TTĐT Chính phủ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất