Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 24/4/2011 13:33'(GMT+7)

Phải “nắm chắc” các già làng, trưởng bản và chủ hộ

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Trao đổi với phóng viên sau khi đi giám sát bầu cử đợt 2, ông Ksor Phước cho biết: “Trong các cuộc bầu cử trước, nhất là ở các đơn vị bầu cử có đông đồng bào dân tộc thiểu số, bà con thường bỏ phiếu rất nhanh, chỉ trong vòng một buổi sáng đã xong. Trong khi đó, đối với bà con người Kinh, sát đến giờ đóng hòm phiếu vẫn còn cử tri đi bỏ phiếu. Hỏi ra mới biết, nhiều trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số một người bỏ phiếu cho cả gia đình, cả dòng họ”.

PV: Thưa ông, vậy có cách nào để tránh tình trạng trên?

Ông KSOR PHƯỚC:
Chỉ có cách tăng cường tuyên truyền thôi, nhưng tăng cường cách nào đó để thực sự “thấm” đến bà con. Vì thực tế ở nhiều vùng sâu vùng xa, bà con ít đọc báo, thậm chí chương trình thời sự trên tivi không phải ai cũng xem, vì đa số ưa xem những chương trình văn nghệ giải trí hơn. Tôi cho rằng cách tốt nhất là “nắm chắc” những già làng, trưởng bản và những người chủ gia đình. Đó là những người có uy tín lớn, có tiếng nói thuyết phục được người dân, có cách nói cụ thể và dễ hiểu đối với đồng bào. Và ngay cả đối với những người này thì cách tuyên truyền cũng phải hết sức ngắn gọn, rõ ràng mới được. Thời điểm và phương thức tuyên truyền cũng phải tính.

Xin ông nói rõ hơn về những gợi ý rất quan trọng này?

Về nội dung, cần nói để người ta hiểu rằng nếu để người khác bầu thay cho mình là vi phạm luật bầu cử và tự từ bỏ quyền công dân quan trọng nhất của mình: quyền lựa chọn người đại diện cho mình trong các cơ quan quyền lực nhà nước ở các cấp. Người đi bầu hộ cũng là vi phạm luật. Nếu các già làng, trưởng bản và chủ hộ nghe ra điều này, họ sẽ không đi bầu hộ mà vận động con cháu trong dòng tộc mình tự giác đi bầu cử đầy đủ.

Bên cạnh đó, cần nói rõ với bà con là có thể để mấy người, gạch mấy người. Nếu để hết hoặc gạch hết (tình trạng này có thể nói là không hiếm), coi như bà con đã tự bỏ đi lá phiếu của mình vì không hợp lệ. Việc đi bầu cử sẽ trở thành vô ích.

Đối với những khu vực dân cư này thì hình thức tuyên truyền trực tiếp bằng miệng rất quan trọng. Cách thức sinh hoạt thường ngày của bà con cũng cần được lưu ý, ví dụ đài phát thanh của xã cứ đọc thông báo vào giờ người ta đi làm thì không ai nghe được. Rồi dán danh sách cử tri, danh sách ứng cử viên ở trung tâm xã có khi cũng quá xa, người dân ở các cụm dân cư rải rác không thể dành ra một ngày, một buổi để đến xem. Dán ở địa điểm thường tổ chức chợ phiên có khi lại nhiều người đọc được...

Nói tóm lại là không có khuôn mẫu chung nào mà mỗi địa phương phải căn cứ vào đặc thù của địa phương mình để lựa chọn cách thức tuyên truyền đa dạng, hiệu quả./.
 
(Bảo Vân/SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất