Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) theo các tiêu chuẩn do bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành là một công cụ chuẩn bị đo chất lượng của một cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Công việc của KĐCLGD rất nhiều, nhưng có thể chia thành 2 giai đoạn chính: Cơ sở giáo dục tự đánh giá và những đánh giá của đoàn đánh giá ngoài.
Vừa qua, tại Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục (67B Cửa Bắc - Hà Nội), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kết hợp với Cục Khảo thí - Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lớp tập huấn cho hơn 300 thành viên là cán bộ Phòng giáo dục và Đào tạo cùng một số thanh viên tham gia KĐCLGD là hiệu trưởng, hiệu phó trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, Tiểu học, mầm non trên địa bàn thành phố.
Trong đợt tập huấn, các báo cáo viên đã truyền đạt những chuyên đề: quy trình và chu kỳ đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục; hoạt động của đoàn đánh giá ngoài; cách viết dự thảo báo cáo đánh giá ngoài, lấy ý kiến phản hồi của nhà trường; kinh nghiệm phân tích báo cáo tự đánh giá của các thành viên trong đoàn đánh giá ngoài; xây dựng kế hoạch làm việc của đoàn đánh giá ngoài; thực hiện khảo sát sơ bộ và khảo sát chính thức và cách viết báo cáo đánh giá ngoài...
Qua lớp tập huấn, các thành viên tham gia đều được thảo luận và hiểu sâu hơn về KĐCLGD. Công việc của KĐCLGD rất nhiều, nhưng có thể chia thành 2 giai đoạn chính: Giai đoạn 1 là cơ sở giáo dục tự đánh giá. Giai đoạn 2 là quy trình làm việc của đoàn đánh giá ngoài. Khi đánh giá chất lượng của cơ sở giáo dục, không phải để đo chất lượng hay độ lớn của cơ sở đó mà thực chất để xác định được nhà trường hiện đang đạt ở mức độ nào theo quy định chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các học viên cũng hiểu rõ hơn về việc tự đánh giá của các trường. Trong giai đoạn tự đánh giá, nhà trường sẽ xác định được mình có những mặt nào mạnh, mặt nào còn hạn chế, từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động để cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục.
Ở giai đoạn 2, đoàn đánh giá ngoài sẽ xem lại hồ sơ tự đánh giá của trường, đối chiếu với những minh chứng đưa ra xem có thuyết phục hay không, sau đó cho điểm từng tiêu chí, những tiêu chí nào chưa đạt thì đề ra phương hướng khắc phục. Qua lớp tập huấn, các báo cáo viên cũng giúp học viên hiểu rõ hơn vai trò của đoàn đánh giá ngoài không phải là “săm soi” mà chính là tư vấn để trường được đánh giá hoàn thiện và tốt hơn, hướng tới chất lượng giáo dục chuẩn theo quy chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lớp tập huấn đánh giá ngoài đã được nghe các chuyên gia trong lĩnh vực KĐCLGD trao đổi kinh nghiệm, đồng thời được tiếp thu những vấn đề kỹ thuật đánh giá ngoài. Từ đó, hình thành mạng lưới chuyên gia về KĐCLGD cho Phòng giáo dục và Đào tạo, thẩm định phản biện góp ý. Thông qua đây, các cơ sở giáo dục tự đánh giá tốt hơn, khâu đánh giá ngoài cũng bớt nặng nề và đạt hiệu quả hơn.
Lớp học cũng đã có những bài tập thực hành xây dựng chương trình đánh giá ngoài với những trường hợp cụ thế và thảo luận theo nhóm tại lớp rất sôi nổi. Thông qua lớp tập huấn nhằm bồi dưỡng cho cán bộ tham gia đánh giá ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội hiểu rõ về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng lại cơ sở giáo dục phổ thông và các trường mầm non, đồng thời thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm định chất lượng năm học 2012 – 2013 tại các trường của Hà Nội.
Cuối khóa học, mọi thành viên đều được thực hành viết báo cáo và gửi về Ban Tổ chức lớp học. Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục cấp chứng chỉ cho những học viên đạt yêu cầu. Những học viên này sẽ chính thức tham gia đoàn đánh giá ngoài của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, để đánh giá các cơ sở giáo dục trong toàn thành phố. Hy vọng sắp tới, đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm định chất lượng giáo dục của Hà Nội sẽ là những nhà tư vấn tốt cho các cơ sở giáo dục, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục của Thủ đô trong giai đoạn tiếp theo.
Nguyễn Thị Diệp