Phát biểu tại Hội nghị giao ban khối Văn hóa- Xã hội do UBND Thành phố Hà Nội tổ chức ngày 23/8, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Trọng tâm của năm học 2012-2013 là tập trung vào việc bàn giao bản “Quy hoạch mạng lưới trường học của Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030” vừa được HĐND thành phố phê duyệt đến các quận, huyện, thị xã.
Ông Nguyễn Hữu Độ cho rằng: Việc thông qua bản quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục là cơ sở quan trọng để ngành Giáo dục Hà Nội vận hành có hiệu quả mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô cả về quy mô và chất lượng; đồng thời tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện 3 nhiệm vụ chiến lược là: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Theo đó, mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất một trường mầm non công lập kiên cố. Ở bậc tiểu học, mỗi xã, phường, thị trấn, khu đô thị mới có ít nhất một trường tiểu học công lập kiên cố. Với quy mô trường ở cả hai bậc học này đều không quá 30- 35 học sinh/lớp và không quá 30 lớp/trường. Đến năm 2015, có 100-150 giáo viên THPT các môn khoa học tự nhiên có thể giảng dạy bằng tiếng nước ngoài.
Tại giao ban, ông Nguyễn Hữu Độ cũng nói rõ quan điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đối với các khoản thu chi kể cả học phí và ngoài học phí của năm học mới cần công khai, minh bạch, tránh gây hiểu lầm và bức xúc trong dư luận. Đối với các khoản thu ngoài học phí như: học phẩm (học sinh mầm non), tiền bán trú, tiền học 2 buổi/ngày (HSTH, THCS), nhà trường phải thỏa thuận với cha mẹ học sinh một cách công khai, minh bạch, có dự toán chi tiết và đảm bảo thu đủ chi. Còn đối với các khoản thu hộ như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, quỹ phụ huynh học sinh… các đơn vị liên quan phải đứng ra thu đúng quy định của pháp luật, có kèm theo văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn chưa ban hành được quy định thu chi học phí thống nhất trên địa bàn thành phố . Quỹ đất dành xây dựng trường học, đặc biệt trường học công lập tại các khu đô thị mới, khu nhà ở, khu tái định cư vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, tại một số điểm trường cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập vẫn còn thiếu đồng bộ. Về trường đạt chuẩn Quốc gia 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội mới đạt 18 trường, bằng 18% kế hoạch đặt ra (chỉ tiêu đến năm 2012 thành phố Hà Nội giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo phải đạt 100 trường đạt chuẩn Quốc gia)./.
Phương Anh - TTXVN