(TCTG) -Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), nhà nước đã ban hành 10 luật, 16 nghị định, 10 quy định, 2 chỉ thị, 11 thông tư liên quan tới vấn đề phát triển văn hoá. Ngân sách nhà nước dành cho văn hoá đều tăng hàng năm, riêng mức hỗ trợ cho chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá mỗi năm từ 400 - 500 tỷ đồng.
Sau 25 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN, nhân dân ta đã giành được những thành tựu rất quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Nền kinh tế nước ta tăng trưởng liên tục với tốc độ khá cao, đưa đất nước ra khỏi tình trạng nước nghèo kém phát triển, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững. Diện mạo đất nước có nhiều thay đổi, thế và lực của nước ta mạnh thêm nhiều, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Những thành tựu quan trọng này đã tạo điều kiện, tiền đề để nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới.
Bên cạnh sự phát triển liên tục với tốc độ khá cao, nền kinh tế xã hội của Việt Nam đã bộc lộ một sự yếu kém rất đáng lo ngại. Đó là, năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh ngày càng thấp. Nước ta vẫn đang đối mặt với nguy cơ, thách thức tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước khu vực và thế giới; phân hóa xã hội, phân cực giàu nghèo ngày càng tăng, tiềm ẩn sự bất an của xã hội. Văn hóa xã hội có nhiều mặt xuống cấp, đó là tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bô,å đảng viên và nhân dân, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tình trạng tiêu cực và tội phạm xã hội chưa được đẩy lùi.
Sớm nhận thức được chiều hướng và nguyên nhân của sự phát triển chưa bền vững trên đây, trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta đã chỉ rõ: “Trong khi tập trung sức vào nhiệm vụ kinh tế, Đảng chưa lường hết những tiêu cực nói trên, từ đó chưa đặt đúng vị trí của văn hóa” và nhất là chưa thực sự coi trọng xây dựng chiến lược phát triển văn hóa song song với chiến lược phát triển kinh tế. Từ nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước, tại Hội nghị lần này, để thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới, đồng thời với việc xác định đúng đắn phương hướng chung, Hội nghị đã nêu ra 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản, 10 nhiệm vụ cụ thể và những giải pháp lớn xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Có thể nêu một số giải pháp trọng tâm và cơ bản như sau:
Một là, mở cuộc vận động giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với thi đua yêu nước và phong trào " Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa''.
Hai là, xây dựng và ban hành luật pháp và các chính sách văn hóa như: các chính sách kinh tế trong văn hóa nhằm gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho phát triển văn hóa, đồng thời đảm bảo yêu cầu chính trị, tư tưởng của hoạt động văn hóa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Ba là, xây dựng và thực hiện cơ chế mở rộng hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa tạo nguồn thu hỗ trợ cho hoạt động của các đơn vị văn hóa nghệ thuật; cải tiến chế độ tài trợ, đặt hàng đối với văn học, nghệ thuật, báo chí xuất bản; thuế đối với báo chí, trợ giá cho một số báo chí, văn hóa phẩm; xây dựng chế độ cho các doanh nghiệp đặc thù như: hãng phim, rạp chiếu bóng, hiệu sách, khu vui chơi giải trí, nhà xuất bản, trung tâm triển lãm, tu bổ di tích,...
Bốn là, cho phép các thành phần kinh tế liên doanh, liên kết với các cơ sở hoạt động văn hóa nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ và tham gia tổ chức một số hoạt động văn hóa có nội dung lành mạnh, bổ ích; xây dựng chính sách văn hóa trong kinh tế, đảm bảo cho văn hóa thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế, đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế tạo điều kiện nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển văn hóa, chăm lo con người, nêu cao đạo đức trong sản xuất kinh doanh.
Năm là, xây dựng quy trình về tính thẩm mỹ, bản sắc dân tộc và tính hiện đại của kiến trúc trong xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp. Trong quy hoạch xây dựng các công trình lớn phải quy định xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cần thiết.
Sáu là, xây dựng chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa. Chính sách bảo tồn phát huy di sản văn hóa, cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Chính sách khuyến khích sáng tạo trong hoạt động văn hóa. Chú trọng đầu tư hỗ trợ cho những tác giả có uy tín cao, những tài năng trẻ, đầu tư cho lực lượng chuyên nghiệp và cả phong trào quần chúng. Có chính sách chăm sóc đặc biệt đối với những văn nghệ sỹ cao tuổi tiêu biểu, các mầm non nghệ thuật xuất sắc. Sửa đổi chế độ nhuận bút phù hợp với tình hình mới. Có chính sách khuyến khích đối với lao động nghệ thuật và báo chí. Xây dựng và ban hành những chính sách đặc thù hợp lý, hợp tình cho những đối tượng được tham gia và hưởng thụ văn hóa. Ban hành những chính sách cụ thể về hợp tác quốc tế. Đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ về văn hóa.
Bảy là, tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa. Tăng mức đầu tư cho văn hóa từ nguồn chi thường xuyên và nguồn chi phát triển trong ngân sách nhà nước. Tỷ trọng chi ngân sách cho văn hóa phải tăng tương ứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Tích cực huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển văn hóa. Xây dựng và thực hiện các chương trình có mục tiêu về văn hóa nhằm đầu tư có trọng điểm và giải quyết các vấn đề văn hóa cấp bách. Củng cố hoàn thiện tổ chức bộ máy, cán bộ của các cơ quan lãnh đạo, quản lý, tham mưu, các đoàn thể, các tổ chức nghề nghiệp của hoạt động văn hóa từ trung ương đến cơ sở. Xây dựng quy hoạch và thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp; đào tạo lớp cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đảm đương công việc trong những năm tới; củng cố nâng cao chất lượng của các trường đào tạo văn nghệ sỹ. Xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn hóa cán bộ văn hóa…
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), nhà nước đã ban hành 10 luật, 16 nghị định, 10 quy định, 2 chỉ thị, 11 thông tư liên quan tới vấn đề phát triển văn hoá. Ngân sách nhà nước dành cho văn hoá đều tăng hàng năm, riêng mức hỗ trợ cho chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá mỗi năm từ 400 - 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) thì việc thể chế Nghị quyết còn chậm, thiếu đồng bộ.
Ngày 16-6-2008, trong Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, khi phân tích nguyên nhân của những bất cập, yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật Đảng ta đã chỉ rõ: Sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về quan điểm, chủ trương chính sách, về đầu tư kinh phí, ngân sách cho lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật chưa đúng tầm và đúng mức. Một số vấn đề cốt lõi và mới đặt ra trong lĩnh vực này chưa được lý giải thấu đáo, thiếu thống nhất. Công tác tổng kết thực tiễn chưa theo kịp sự phát triển, vì thế còn lúng túng, thiếu những quyết sách cơ bản, chủ động, có biểu hiện vừa buông lỏng, vừa hữu khuynh, vừa áp đặt chủ quan, thiếu tầm nhìn xa. Việc thể chế hóa các nghị quyết, quan điểm của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật còn chậm, một số cơ chế chính sách rất quan trọng được nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đến nay vẫn chưa được cụ thể để thực hiện. Nhiều chính sách đối với văn nghệ, văn nghệ sỹ đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi. Chủ trương tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, văn nghệ chưa được quán triệt và thực hiện nghiêm túc. Một số cấp ủy và chính quyền chưa coi trọng và thiếu hiểu biết đầy đủ về vai trò và tính đặc thù của văn học nghệ thuật, chậm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng. Đầu tư cho văn hóa, văn nghệ chưa tương xứng với yêu cầu mới, chưa hợp lý và kém hiệu quả.
Tất cả những yếu kém khuyết điểm trên đây là một trong những nguyên nhân chủ quan của những yếu kém khuyết điểm, hạn chế, bất cập của văn hóa, văn học nghệ thuật. Và những khuyết điểm yếu kém, bất cập này của văn hóa, văn học nghệ thuật là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự phát triển không bền vững của kinh tế xã hội nước ta. Nền kinh tế nước ta vẫn đang đối mặt với nguy cơ thách thức: tụt hậu xa hơn nữa với các nước khu vực và thế giới.
Để đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, trên cơ sở đường lối, quan điểm, chủ trương, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật trong Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 mà Đại hội XI đã thông qua, cần xác định mấy khâu đột phá là:
Thứ nhất, sớm hoàn thành việc thể chế hóa (bằng luật, pháp lệnh, nghị định) các quan điểm, định hướng xây dựng các văn bản pháp luật và pháp quy để điều chỉnh các lĩnh vực phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật.
Thứ hai, xây dựng đồng bộ hệ thống các chính sách, cơ chế đã được Nghị quyết Trung ương 5 và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị định hướng, nhất là các chính sách kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế. Riêng lĩnh vực văn học nghệ thuật cần xây dựng các cơ chế chính sách mà Ban Bí thư khóa X đã chỉ đạo thực hiện.
Thứ ba, tăng ngân sách nhà nước và huy động được nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư, hỗ trợ cho đúng tầm đúng mức, đúng đối tượng để phát triển mạnh mẽ văn hóa, văn học nghệ thuật.
Thứ tư, có các giải pháp mạnh mẽ, khả thi để bố trí đội ngũ cán bộ thực sự đảm đương được nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật từ cấp trung ương đến cấp cơ sở.
- Thứ năm, ban hành cơ chế chính sách đặc thù để phát triển, bồi dưỡng phát huy cho được những tài năng trẻ trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật./.
PGS.TS Đào Duy Quát
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương