Chủ Nhật, 24/11/2024
Hoạt động y tế
Thứ Sáu, 21/8/2015 16:45'(GMT+7)

Hà Nội phát triển mô hình bác sỹ gia đình

Chiều 20/5, tại buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội về mô hình bác sỹ gia đình, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, thuận lợi cho người dân, góp phần giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế xác định phát triển mô hình bác sỹ gia đình là nội dung quan trọng được đưa vào chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2020 tầm nhìn đến năm 2030, nhằm tiệm cận, học tập kinh nghiệm của các nước tiến bộ trên thế giới. 

Trong đó Hà Nội là đơn vị tiên phong trong việc triển khai mô hình này. Hiện Hà Nội đã xây dựng đề án phát triển mô hình bác sỹ gia đình giai đoạn 2015 – 2020 với nội hàm mới nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. 

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2015, Hà Nội triển khai mở rộng mô hình phòng khám bác sỹ gia đình tại 29/30 trung tâm Y tế, 6 bệnh viện và 3 phòng khám bác sỹ gia đình ngoài công lập, nâng tổng số phòng khám bác sỹ gia đình tại Hà Nội lên 76 phòng khám. 

Nhìn chung các đơn vị hoạt động mô hình bác sỹ gia đình đảm bảo cơ sở vật chất trang thiết bị, nhân lực triển khai các hoạt động khám sàng lọc, khám bệnh, điều trị, quản lý hồ sơ sức khỏe, theo dõi sức khỏe cho người bệnh, chuyển tuyến kịp thời. Việc thực hiện chuyển tuyến bảo hiểm y tế thực hiện theo thông tư 14/2014/TT – BYT, đồng thời các giấy chuyển tuyến được hướng dẫn đóng dấu phòng khám y học gia đình để giúp người bệnh được các phòng khám y học gia đình tuyến trên tiếp nhận và có phản hồi sau khi khám và điều trị. 

Tuy vậy vẫn còn khó khăn trong việc thu nhận phản hồi thông tin vì hiện nay vẫn thực hiện phản hồi thủ công, chưa đưa hệ thống bệnh án điện tử vào kết nối mạng đối với mạng lưới y học gia đình. Các đơn vị chưa quen với việc phản hồi thông tin cho tuyến dưới. 

Năm 2015, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình thành phố Hà Nội giai đoạn 2015 – 2020 với tổng kinh phí trên 361 tỷ đồng nhằm xây dựng và phát triển mô hình bác sỹ gia đình. 

Là đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ hoàn toàn về tài chính, trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, sau 18 năm đi vào hoạt động có những lúc thăng trầm, Trung tâm bác sỹ gia đình Hà Nội hiện có 75 người trong đó chỉ có 9 biên chế còn lại là hợp đồng lao động đã đóng góp cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của Trung tâm còn nghèo nàn, nhà cửa xuống cấp chưa bàn giao xong, máy móc cũ lạc hậu, thu nhập của người lao động thấp. 

Theo Giám đốc Trung tâm Đoàn Văn Việt, do chuyển đổi từ mô hình bán công sang công lập nên tất cả hệ thống máy móc thiết bị y tế của trung tâm đều huy động xã hội hóa, vì vậy các đề án xã hội hóa đã không đáp ứng được các quy định của thông tư 15/2007/TT -BYT ngày 12 tháng 12 năm 2007 của Bộ Y tế. 

Hiện Trung tâm đang tích cực triển khai các đề án mới theo quy định của thông tư 15/2007/TT-BYT của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội. Mục tiêu là trang bị lại toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị mới, hiện đại, đảm bảo chất lượng chuyên môn, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Trung tâm hiện đang hoạt động ở các chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi, răng hàm mặt, tai mũi họng, mắt, y học cổ truyền, thẩm mỹ, x quang siêu âm, xét nghiệm, nội soi tiêu hóa. Dự kiến triển khai thêm phòng tiêm chủng các loại vacxin. 

Kết quả hoạt động Trung tâm bác sỹ gia đình đã làm thay đổi được quan niệm bác sỹ gia đình chỉ là khám chữa bệnh tại nhà đơn thuần. Cán bộ y tế của trung tâm kết hợp khám chữa bệnh tư vấn và quản lý hồ sơ sức khỏe cho cá nhân hộ gia đình. Duy trì trực tư vấn cấp cứu khám chữa bệnh tại nhà qua điện thoại... 

Để mô hình bác sỹ gia đình phát huy hiệu quả, thu hút được sự tham gia của người dân, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, qua quá trình triển khai cho thấy việc chuyển tuyến trong hệ thống bác sỹ gia đình còn hạn chế. Để người dân thấy được lợi ích của mình khi tham gia mô hình này cần phải làm tốt việc chuyển tuyến, đưa hệ thống bệnh án điện tử vào kết nối mạng đối với mạng lưới y học gia đình để thuận lợi trong việc chuyển tuyến, tiếp đón bệnh nhân cũng như việc phản hồi thông tin cho tuyến dưới nhằm thuận lợi cho người bệnh khi đi khám chữa bệnh./. 

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất