Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ đạo,
huyện Hoài Đức có vị trí rất quan trọng, cửa ngõ phía Tây, giáp với các quận
nội thành, nên có nhiều thuận lợi và cần phải tập trung nguồn lực để xây
dựng nâng cấp lên quận trong năm 2020.
Ngày 30/7, ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà
Nội và đoàn công tác gồm nhiều sở, ban, ngành đã làm việc với huyện
Hoài Đức.
Tại buổi làm việc, đánh giá cao sự phát triển của Hoài Đức, hiện đã trở
thành huyện trung tâm nhất của Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng
Trung Hải chỉ đạo, Hoài Đức có vị trí rất quan trọng, cửa ngõ phía Tây,
giáp với các quận nội thành, nên có nhiều thuận lợi và cần phải tập
trung nguồn lực để xây dựng nâng cấp lên quận trong năm 2020.
Để làm được điều này, khối lượng công việc rất lớn và sẽ còn nhiều khó
khăn. Mặc dù, trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp, dự án nhưng vẫn còn
rất manh mún, hệ thống cơ sở hạ tầng trên nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng
được yêu cầu.
Với vị trí địa lý nằm ở trung tâm và kết nối giữa nhiều quận, huyện
trong thành phố với bên ngoài, nên lĩnh vực giao thông có thể nói là
quan trọng hàng đầu của Hoài Đức.
Mỗi năm lượng dân số Hà Nội tăng lên đáng kể, nếu giao thông các vùng
phụ cận không tốt, dẫn tới người dân dồn vào trung tâm sinh sống, lao
động, sản xuất, làm cho nội đô càng thêm chật hẹp và bức xúc. Vì vậy,
ngoài các tuyến đường giao thông cần đầu tư, các cấp ban ngành thành phố
cần nghiên cứu, đề xuất phương án, ưu tiên xây dựng tuyến đường vành
đai 3, 5 nối từ đường cao tốc Thăng Long với quốc lộ 32, nếu làm thành
công tuyến đường này sớm sẽ rất hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội.
Về tình hình cung cấp nước sạch cho nhân dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội
nhấn mạnh, mỗi năm Hà Nội đang thiếu 60.000m3. Bài toán nước sạch đang
rất cấp thiết cần có lời giải, vì trước đây phụ thuộc rất lớn từ việc
lấy nguồn nước ngầm. Nhưng khi nguồn nước này ngày càng ô nhiễm nên đang
gặp nhiều khó khăn trong việc cấp nước sạch cho cả nội và ngoại thành.
Muốn tạo hành lang và cơ chế để tháo gỡ vẫn đề này thì Hà Nội không thể
làm một cách manh mún, thụ động. Vì vậy, Hà Nội cần sớm quy hoạch tổng
thể mạng lưới cấp nước sạch, đầu tư kết nối đường ống luân hoàn, nối
liền giữa các vùng, các nhà máy với nhau.
Xây dựng các vùng chuyên canh, có nhiều cây, quả đặc sản đã được Hoài
Đức xác định khá đúng hướng, nhưng quan trọng không kém là phải tạo hệ
thống kết nối tiêu thụ sản phẩm một cách lâu dài, chuyên nghiệp. Muốn
làm được những điều này, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, các quận huyện,
ban, ngành cần phát huy tinh thần năng động, đổi mới, cải tiến thủ tục
hành chính để thu hút tốt đầu tư từ bên ngoài. Xã hội hóa, kêu gọi nguồn
lực từ xã hội, doanh nghiệp và đây là tiêu chí để đánh giá được năng
lực mỗi cán bộ, đơn vị.
Bí Thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố tới đây sẽ
đặc biệt quan tâm tới các công trình, dự án đặc biệt quan trọng, có hiệu
quả, cấp thiết cho đời sống dân sinh để đầu tư có trọng tâm trọng điểm.
Nhưng chủ trương đổi mới của Hà Nội là ưu tiên hàng đầu cho công tác xã
hội hóa.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Vương Duy Hướng, Bí thư Huyện ủy Hoài Đức
cho biết, huyện Hoài Đức có nhiều thuận lợi vì có vị trí liền kề với
các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông và các huyện Phúc Thọ, Chương
Mỹ, Đan Phượng, Quốc Oai và có Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32 và nhiều
tuyến đường liên tỉnh chạy qua. Huyện Hoài Đức đã chuyển hướng cơ cấu
kinh tế tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ (chiếm 46%, giảm tỷ
trọng ngành nông nghiệp (còn 7,5%). Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu
thủ công nghiệp đạt trên 2.674 tỷ đồng/năm./.
(TTXVN)