Theo Luật Thủ đô, Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa.
Từ 1/7, Luật Thủ
đô có hiệu lực (thay cho Pháp lệnh thủ đô Hà Nội năm 2000) với nhiều
quy định mới được cho là “bước ngoặt” pháp lý tạo điều kiện quan trọng
cho Thủ đô phát triển.
Để bảo bảo vệ Thủ đô và bảo đảm an ninh
trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn trong Điều 20 Luật Thủ đô quy định,
xây dựng các khu vực phòng thủ bảo vệ Thủ đô, các phương án bảo đảm an
toàn cho Thủ đô trong mọi tình huống; bảo vệ vững chắc an ninh chính
trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô bằng các biện pháp
phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả; mọi vi phạm pháp luật phải
được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Theo Luật Thủ đô việc xử phạt vi phạm
hành chính ở nội thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử
lý vi phạm hành chính và các quy định như HĐND thành phố Hà Nội được quy
định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa
do Chính phủ quy định đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương
ứng trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng.
Các chức danh có thẩm quyền phạt tiền
đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định trong các
lĩnh vực quy định tại điểm a khoản này cũng có thẩm quyền xử phạt tương
ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực
đó.
Quy định về nhập cư vào nội thành cũng
được siết chặt hơn. Cụ thể, công dân phải thuộc các điều kiện quy định
sau mới được đăng ký thường trú: được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho
nhập vào sổ hộ khẩu nếu thuộc một trong các trường hợp như vợ về ở với
chồng, chồng về ở với vợ, con về ở với cha mẹ, cha mẹ về ở với con; được
điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ
ngân sách Nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và
có chỗ ở hợp pháp…
Với những trường hợp khác muốn đăng ký
thường trú ở nội thành phải có điều kiện tạm trú liên tục tại nội thành
từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội
thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở, bảo đảm điều
kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP Hà Nội và được sự
đồng ý bằng văn bản cho đăng ký thường trú vào nhà thuê của tổ chức, cá
nhân có nhà cho thuê.
Thủ đô cũng được huy động vốn đầu tư
trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, đóng
góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân và các hình thức huy động khác
theo quy định của pháp luật.
Thủ đô được sử dụng các khoản thu ngân
sách Trung ương vượt dự toán, trừ các khoản thu thuế giá trị gia tăng
hàng nhập khẩu; Khoản chênh lệch thu, chi của Ngân hàng nhà nuớc; Khoản
thu không giao Thủ đô quản lý thu, không phát sinh trên địa bàn Thủ đô
nhưng hạch toán nộp ở Thủ đô.
Đối với một số công trình, dự án quan
trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy
lợi do thành phố Hà Nội quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách
địa phương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ ngân sách
Trung ương cho ngân sách Thủ đô để triển khai thực hiện cho từng dự án.
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và
các cấp chính quyền thành phố Hà Nội có trách nhiệm sử dụng đúng mục
đích, hiệu quả nguồn ngân sách được Nhà nước phân bổ, hỗ trợ và các
nguồn vốn huy động khi thực hiện các chương trình, dự án xây dựng, phát
triển Thủ đô./.