Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành
chính (Bộ Tư pháp) trao đổi về vấn đề
này.
Về những điểm mới cơ bản của Luật Xử lý vi phạm hành chính
(XLVPHC) so với pháp luật hiện hành, bà Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết nếu xem xét
một cách chi tiết, cụ thể thì Luật có rất nhiều điểm mới. Ở đây chỉ xin nêu 5
điểm mới cơ bản:
Trước hết là việc chuyển thẩm quyền xem xét, quyết định áp
dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa
vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ Chủ tịch UBND sang TAND. Đây là nội dung
thay đổi rất lớn so với Pháp lệnh XLVPHC, phù hợp với xu hướng tiến bộ, dân chủ
hiện nay. Việc giao Toà án quyết định áp dụng các biện pháp XLHC nêu trên theo
thủ tục tư pháp sẽ tạo điều kiện cho đương sự, luật sư, người bào chữa
được tham dự để bảo vệ quyền lợi của đương sự, bảo đảm dân chủ, khách quan, phù
hợp với quá trình hội nhập quốc tế.
Hai là, không đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa
bệnh. Trước đây, với việc coi người bán dâm là không phù hợp với các
chuẩn mực xã hội về con người mới xã hội chủ nghĩa, cần phải được
giáo dục, cải tạo chặt chẽ. Họ được đưa vào các cơ sở với tên gọi như
“Trường phục hồi nhân phẩm” hoặc “Trung tâm phục hồi nhân phẩm”.
Tuy nhiên, quy định mới là người bán dâm không bị đưa vào cơ sở
chữa bệnh, song vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật.
Ba là, quy định chặt chẽ điều kiện áp dụng một số biện pháp
ngăn chặn liên quan đến nhân thân, quyền và lợi ích người dân, như tạm giữ
người, tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Mục đích của việc quy định chặt chẽ điều kiện áp dụng các biện
pháp này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, đồng
thời kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh việc lạm dụng các biện pháp có thể gây xáo
trộn lớn trong sinh hoạt, kinh doanh của họ.
Ví dụ để hạn chế đến mức tối đa việc lạm dụng biện pháp tạm giữ
phương tiện như ô tô, xe máy, Điều 125 của Luật quy định rõ chỉ được áp dụng
trong 3 trường hợp sau: thứ nhất, để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì
không có căn cứ ra quyết định xử phạt; thứ hai, để ngăn chặn ngay hành vi vi
phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
thứ ba, để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, nhưng người vi phạm không có
giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác
có liên quan đến tang vật, phương tiện.
Bốn là, tăng cường công khai, minh bạch và bảo đảm dân chủ
trong trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý
hành chính.
Luật XLVPHC quy định mới về quyền giải trình của cá nhân, tổ
chức vi phạm và trách nhiệm của cơ quan tiến hành xử phạt phải xem xét ý kiến
giải trình của người vi phạm, phải tiến hành xác minh hành vi đối tượng vi phạm
trước khi ra quyết định xử phạt; tạo cơ chế để người bị đề nghị áp dụng biện
pháp xử lý hành chính có cơ hội bảo vệ quyền và lợi ích của mình thông qua quyền
tự mình hoặc nhờ người đại diện/luật sư tiếp xúc hồ sơ...
Năm là, bổ sung quy định mới bảo đảm hơn nữa quyền và
lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên. Luật XLVPHC dành Phần
thứ năm quy định về các nguyên tắc xử lý mới, đặc thù chỉ đạo toàn bộ hoạt động
xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, như: xử lý chỉ được thực
hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát
triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội; bảo đảm lợi ích tốt
nhất cho người chưa thành niên; áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ
được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn; tôn trọng
và bảo vệ bí mật riêng tư của người chưa thành niên... Bên cạnh đó, Luật XLVPHC
quy định 2 biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính là nhắc nhở và quản lý
tại gia đình. Các biện pháp này mang tính xã hội để quản lý đối tượng tại gia
đình và cộng đồng, người bị áp dụng các biện pháp này không bị coi là đã bị xử
lý vi phạm hành chính./.