Những điều ước không phải trong truyện cổ tích, mà là hiện thực gần gũi với cuộc sống và con người.
Thứ nhất, ước cán bộ gương mẫu
Chỉ cần đội ngũ cán bộ chủ chốt gương mẫu thực sự thì mọi chuyện sẽ có chuyển biến rõ nét. Vậy đội ngũ cán bộ chủ chốt ở đây là ai? Đó là cán bộ cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Mỗi cấp trước mắt cần khoảng 2/3 số cán bộ gương mẫu, trong đó có cán bộ chủ chốt và người đứng đầu gương mẫu.
Cán bộ gương mẫu sẽ như tấm gương phản chiếu vào xã hội, làm cho xã hội trong sáng lên, lòng tin của nhân dân tăng lên. Gương mẫu như một sức mạnh thần bí lan tỏa, nó thấm dần vào cán bộ cấp dưới, thuyết phục cán bộ cấp dưới làm cho cán bộ cấp dưới tâm phục và tuân thủ cấp trên, không cần phải ra mệnh lệnh, chỉ thị nhiều.
Vậy cán bộ gương mẫu ở những nội dung gì? Gương mẫu trong làm việc, trong lối sống, sinh hoạt, trong mọi việc mà chức vụ người đó đảm trách; gương mẫu trong cuộc sống gia đình, họ hàng, xóm làng nơi cán bộ hàng ngày sinh sống. Về lộ trình và thứ bậc thì cán bộ cấp cao gương mẫu trước, rồi đến các cấp tiếp theo, cứ như vậy trong vòng 2 đến 3 năm thôi sẽ nhìn thấy sự chuyển biến trong hệ thống bộ máy công quyền.
Có ý kiến cho rằng, một bộ phận không ít cán bộ của ta: gương mà không mẫu, mẫu mà chẳng gương như vậy sao thuyết phục được chính đội ngũ cán bộ của mình nói gì đến nhân dân, đến xã hội?
Thứ hai, ước cán bộ nói đi đôi với làm
Từ cổ đến kim, ai cũng thích bề trên đã nói là làm. Trong một gia đình, trong một dòng họ rồi rộng ra là trong một đơn vị, một địa phương.v.v... Cấp trên nói một là một, hai là hai, nói gì làm nấy. Nói đi đôi với làm vừa thể hiện bản chất, phong cách, vừa thể hiện trách nhiệm của cán bộ với người dân; hơn thế nữa nó còn thể hiện trình độ của người cán bộ đó, họ có thể tiên lượng được về khả năng thực thi những điều mà mình nói, mình hứa trước dân.
Không chỉ nói với dân mà cả với đối tác trong nước, ngoài nước khi cần đàm phán về những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, họ đều mong muốn cán bộ lãnh đạo quản lý của ta nói đi đôi với làm. Không chỉ để xã giao, ngoại giao cho vừa lòng nhau mà hội nhập ngày nay càng đòi hỏi sự thiết thực của những văn bản ký kết, thỏa thuận; những hợp đồng có hiệu lực hiệu quả rõ rệt. Tránh tình trạng có người nói rằng: Khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng người ta có thể đo được, còn khoảng cách từ cái miệng đến cánh tay thì lại không đo được.
Những chủ trương, chính sách và cả những nghị quyết đã được bàn thảo rất kỹ, rất đúng rồi, khi cán bộ lãnh đạo quản lý triển khai thực hiện mà làm thật chắc, làm bằng được thì dân sẽ tin. Khi dân tin là dân ủng hộ và đấy chính là sức mạnh vô cùng to lớn mà bất kỳ cán bộ lãnh đạo quản lý của bất cứ một quốc gia nào cũng cần đến.
Có lẽ sẽ còn nhiều điều ước nữa, vì cuộc sống tất yếu là luôn vận động và đòi hỏi ngày càng cao hơn, tuy nhiên trước mắt cần và chỉ cần thực hiện được hai điều ước đó thì sẽ có chuyển biến rất tích cực trong đời sống xã hội của đất nước. Ngày trước, qua hai cuộc kháng chiến đầy cam go, ác liệt và gian khổ, ông cha ta cũng có ba điều ước nhưng đều làm được: Một là, đánh đuổi được giặc ngoại xâm. Hai là, chống được giặc đói. Ba là, xóa được giặc dốt. Vậy mà ngày nay, dân có hai điều ước, so về tầm vóc thì nhỏ bé, giản dị hơn nhiều mà ta không làm được sao?/.
(Nam Dũng/VOV)