(TCTG)-Sau “sự kiện” Tiên Lãng, vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo được thành phố Hải Phòng quan tâm hơn. Mới đây, đoàn đại biểu quốc hội thành phố đã có đợt kiểm tra, giám sát tại hầu hết các quận, huyện, nghe các địa phương báo cáo vấn đề này và đề xuất giải pháp thiết thực nâng cao hiệu quả giải quyết, hạn chế khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai.
Khiếu nại, tố cáo dai dẳng, kéo dài do nhiều nguyên nhân
Đối với vụ việc ở Tiên Lãng, từ năm 2009, ông Đoàn Văn Vươn đã có đơn khiếu kiện quyết định hành chính của UBND huyện Tiên Lãng trong việc thu hồi đất nuôi trồng thủy sản do ông đang sử dụng tại bãi bồi ven biển thuộc phía Nam cống Rộc, xã Vinh Quang với lý do thời hạn sử dụng đã hết. Ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hải Phòng cho rằng, vụ việc bắt đầu từ đơn khiếu nại của ông Vươn nếu được giải quyết dứt điểm, hợp lý ngay từ đầu có thể không gây hiệu quả nghiêm trọng, đáng tiếc.
Qua cuộc giám sát mới đây nhất của Đoàn Đại biểu quốc hội thành phố cho thấy đơn thư khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương về đất đai là những vấn đề “nóng” cần được quan tâm. Ở một số nơi, vụ việc phức tạp không được giải quyết dứt điểm dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài, dai dẳng… Từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn huyện An Dương có 121 đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai trong đó có 116 đơn thư khiếu nại, 5 đơn thư tố cáo. Năm 2011, huyện tiếp nhận 12 đơn khiếu nại trong đó có 3 vụ khiếu nại đông người ở các xã An Hồng, An Đồng, Lê Lợi…Quận Hải An có 42 đơn khiếu nại tố cáo trong đó có 37 đơn khiếu nại quyết định hành chính trong quản lý đất đai, một số đơn khiếu nại của các hộ dân bị thu hồi đất… Ở quận Lê Chân, từ 2007 đến nay, quận có 19 đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai kéo dài, phức tạp.....
Giải thích nguyên nhân dân dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài, Chủ tịch UBND quận Phạm Tiến Du cho rằng: Lê Chân là một trong 3 quận trung tâm thành phố, từ năm 2003, quận được điều chỉnh địa giới hành chính, diện tích mở rộng do tiếp nhận, sát nhập 2 xã Dư Hàng Kênh và Vĩnh Niệm của huyện An Hải cũ. Chính quá trình thực hiện mở rộng địa giới hành chính, đầu tư chỉnh trang phát triển đô thị, an sinh xã hội tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, triển khai nhiều dự án lớn cần phải thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, kiểm kê, bồi thường, tái định cư làm phát sinh vướng mắc dấn đến khiếu nại, tố cáo của nhân dân địa phương.
Ở một số địa phương, giải quyết khiếu nại, tố cáo một số vụ việc liên quan đến nhiều cấp, ngành trong khi hệ thống pháp luật quy định hiện hành về đất đai chưa đẩy đủ, thiếu đồng bộ…làm khó cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Quận Hải An mới thành lập, tách ra từ huyện An Hải (trước đây) nên hồ sơ, tài liệu về đất đai thiếu, phân tán. Hiện, quận đang sử dụng bản đồ giải thửa năm 1995 được đo vẽ từ lâu nên chất lượng hạn chế. Quận có nhiều biến động về đất đai trong khi hồ sơ lưu trữ về địa chính lưu trữ từ lâu không phù hợp với tình hình hiện nay. Một số nơi hiện trạng đất bị thay đổi, khó xác định nguồn gốc đất…
Tại buổi giám sát một số quận, huyện về giải quyết khiếu nại, tố cáo về vấn đề đất đai, ông Nguyễn Ngọc Lâm, đại biểu quốc hội Hải Phòng cho rằng: “Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, có những đơn thư gửi đến văn phòng đại biểu quốc hội sau đó văn phòng có ý kiến với các địa phương giải quyết cụ thể từng trường hợp nhưng một số nơi chưa thật sự tích cực vào cuộc nên thời gian giải quyết khá lâu chưa xong”. Như vậy,một số người có thẩm quyền giải quyết né tránh, đùn đẩy làm cho việc giải quyết lòng vòng, kéo dài; cá biệt có cơ quan không thực hiện đúng trách nhiệm, thẩm quyền được giao… Công tác hòa giải ở cấp cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đôi khi còn mang nặng tính hành chính, tổ chức thực hiện các quyết định thiếu kiên quyết, chưa giải quyết dứt điểm một số vụ việc. Về phía người dân, một số người ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt, khi bị kích động, lôi kéo đã lợi dụng quyền dân chủ khiếu nại vi phạm pháp luật có hành vi quá khích gây mất trật tự an toàn công cộng…
Nâng cao trách nhiệm cán bộ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
Những năm gần đây, Hải Phòng là địa phương thực hiện khá nhiều dự án liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến khiếu nại, tố cáo của nhân dân về việc thực hiện chính sách đền bù chưa thỏa đáng. Có những địa phương còn xuất hiện khiếu kiện đông người, diễn biến phức tạp. Vì vậy, hạn chế nảy sinh khiếu nại, tố cáo trong quần chúng nhân dân về đất đai, các cơ chế, chính sách pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư của thành phố phải phù hợp từng thời diểm. Công khai, minh bạch trong quản ký sử dụng đất đai, quy hoạch sử dụng đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ…Đẩy mạnh quán triệt đến người dân nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, chỉ giao quyền sử dụng cho người dân. Do vậy, Nhà nước có quyền thu hồi đất và người sử dụng đất được đền bù theo quy định của pháp luật.
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, góp phần ổn định chính trị, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế. Để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố, qua đợt kiểm tra, giám sát thực tế, đoàn đại biểu quốc hội thành phố đề xuất chú trọng vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các cấp, ngành đoàn thể, cấp ủy trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo, đẩy mạnh hòa giải tại cơ sở, hạn chế khiếu kiện phức tạp. Các sở, ngành thành phố tư vấn, hướng dẫn chính quyền quận, phường giải quyết đối với những vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp. Nâng cao đào tạo chuyên môn, kiến thức pháp luật, kinh nghiệm xử lý các vụ việc cho đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; quản lý đất đai. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, Luật khiếu nại, tố cáo…
Hồ Hương