Thứ Năm, 19/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 28/4/2010 10:44'(GMT+7)

Sức mạnh của chính trị - tinh thần

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh họp chỉ đạo tác chiến (Ảnh tư liệu).

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh họp chỉ đạo tác chiến (Ảnh tư liệu).

Chiến dịch Hồ Chí Minh - đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước- thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đó là chiến dịch tiến công quy mô lớn nhất trong lịch sử dân tộc, hội tụ và phát huy cao độ bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, để lại nhiều bài học kinh nghiệm rất quý giá, trong đó có những bài học về CTĐ, CTCT trong chiến dịch mà chúng ta cần trân trọng kế thừa và phát triển trong thời kỳ mới.

Từ thực tiễn hoạt động CTĐ, CTCT trong Chiến dịch Hồ Chí Minh trước hết là sự chủ động làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng quyết tâm chiến đấu cao, có chiều sâu và độ bền vững; phát huy cao độ sức mạnh chính trị-tinh thần của quân và dân ta trong chiến dịch quyết chiến chiến lược, kết thúc chiến tranh giải phóng.

Quyết tâm chiến đấu của quân và dân ta là kết quả của cả quá trình giáo dục, rèn luyện thường xuyên liên tục về chính trị-tư tưởng, được tôi luyện và kiểm nghiệm nghiêm ngặt trong những tháng năm chiến đấu đầy gian khổ hy sinh, trên cơ sở giác ngộ sâu sắc lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và CNXH. Quyết tâm đó còn là sự thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước Việt Nam với khát vọng thiêng liêng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Trước khi bước vào chiến dịch, các đơn vị và địa phương đã tiến hành đợt sinh hoạt chính trị-tư tưởng sâu rộng, trọng tâm là quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ về tình hình và nhiệm vụ, về âm mưu, thủ đoạn và khả năng của kẻ thù, nhất là về thời cơ và quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời từ diễn biến thực tế trên chiến trường để giáo dục, động viên cao độ tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta. Các đơn vị tham gia chiến dịch đều bảo đảm quân số chiến đấu cao nhất, nhiều tiểu đoàn, đại đội đạt 100% quân số.

Công tác tư tưởng đã bám sát thực tiễn, hướng mạnh về cơ sở vừa kịp thời phát hiện và giải quyết tốt những vướng mắc, đồng thời phát huy dân chủ quân sự, tập trung quán triệt và cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo và phương châm tác chiến chiến dịch: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, đi sâu vận dụng sáng tạo cách đánh chiến dịch và chiến thuật, quyết tâm thực hiện chia cắt chiến lược, triệt để bao vây cô lập địch ở Sài Gòn, ngăn chặn và tiêu diệt chủ lực địch ở vòng ngoài không cho chúng co cụm về thành phố. Tổ chức những binh đoàn binh chủng hợp thành tiến công từ nhiều hướng, nhiều mũi phối hợp với đặc công, biệt động và LLVT địa phương ở bên trong, kết hợp chặt chẽ tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, lấy thọc sâu nhanh chóng đánh tan quân địch ở bên trong là chính, phát huy sức mạnh tổng hợp đột phá liên tục, dũng mãnh, thần tốc táo bạo đánh chiếm các mục tiêu chiến lược, đập tan đầu não chỉ huy của địch, thực hiện tiêu diệt chiến lược làm tan rã và buộc quân địch phải đầu hàng, giành toàn thắng.

Trong quá trình chiến dịch, lãnh đạo chỉ huy các cấp đã tỏ rõ bản lĩnh và sự mẫn cảm chính trị trong xử trí các tình huống, nắm chắc những động thái chính trị-quân sự của địch (đáng chú ý là việc chuyển giao quyền lực Tổng thống ngụy từ Nguyễn Văn Thiệu cho Trần Văn Hương rồi cho Dương Văn Minh, toan tính dọn đường thương lượng), kịp thời định hướng cho bộ đội và nhân dân ta kiên định tư tưởng tiến công, không ảo tưởng mắc mưu địch, không chần chừ do dự mà quyết tâm xốc tới nhanh chóng dập tắt các ổ đề kháng và đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch, làm cho chúng lâm vào tình thế hoàn toàn tuyệt vọng, buộc Tổng thống ngụy Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Tính chủ động, chiều sâu và độ bền vững của công tác tư tưởng không chỉ thể hiện ở sự chuẩn bị tốt về tư tưởng, tâm lý trước chiến dịch, phát huy cao độ sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong tiến công và nổi dậy, mà còn thể hiện sâu sắc ở định hướng suy nghĩ và hành động mang đậm tính nhân văn của Bộ đội Cụ Hồ với tư thế của người chiến thắng trong thời điểm kết thúc chiến tranh. Tiêu diệt chiến lược là vấn đề có tính quy luật của chiến dịch quyết chiến chiến lược, khi trên địa bàn chiến dịch hai bên đều tập trung lực lượng lớn, sử dụng binh hỏa lực rất mạnh, khó tránh khỏi những tổn thất to lớn. Nhưng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cán bộ chiến sĩ ta đã nhận thức rõ yêu cầu kết thúc chiến tranh có lợi cho sự phát triển của đất nước, quán triệt và chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh tác chiến và kỷ luật chiến trường, đáng chú ý là việc hạn chế tối đa sử dụng hỏa lực khi chiến đấu trong đô thị, kết hợp chặt chẽ tác chiến với vận động nhân dân nổi dậy giành chính quyền, tăng cường công tác binh địch vận làm cho ngụy quân, ngụy quyền nhanh chóng tan rã về tư tưởng và tổ chức, hạn chế đổ máu và giảm thiểu tổn thất. Đó là nguyên nhân chủ yếu làm cho thành phố Sài Gòn - Gia Định và các đô thị sau khi được giải phóng hầu như nguyên vẹn, các nhu cầu về điện, nước và mọi hoạt động vẫn được bảo đảm, tính mạng và tài sản của nhân dân được bảo toàn. Đây là điều hiếm có trong lịch sử chiến tranh.

Cùng với vấn đề nêu trên, hoạt động CTĐ, CTCT trong Chiến dịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện rõ ở chỗ: Chăm lo củng cố kiện toàn và phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chi bộ Đảng trong suốt quá trình chiến dịch. Tích cực bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ huy trong điều kiện chiến đấu khẩn trương, liên tục, ác liệt và tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn. Bám sát thực tiễn để tiến hành tốt CTĐ, CTCT trong các nhiệm vụ, tập trung đột phá vào những vấn đề mấu chốt trong tác chiến hiệp đồng quân binh chủng quy mô lớn và kết hợp chặt chẽ với nổi dậy của quần chúng, thực hiện chức năng đội quân công tác và nhiệm vụ quân quản ở vùng mới giải phóng.

Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh là bản anh hùng ca mãi mãi âm vang theo dòng chảy lịch sử, nuôi dưỡng bản lĩnh và trí tuệ của con người Việt Nam. Chiến dịch tiến công quyết chiến chiến lược lớn nhất trong lịch sử dân tộc đã chứng minh sâu sắc sức mạnh chính trị-tinh thần to lớn của quân và dân ta, thực sự là yếu tố quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định để làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, đồng thời khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của CTĐ, CTCT thực sự là linh hồn và mạch sống của quân đội ta. Trong thời kỳ mới, chúng ta cần trân trọng kế thừa và phát triển những bài học kinh nghiệm của CTĐ, CTCT trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tích cực bồi dưỡng và phát huy cao độ sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta, bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống, ổn định và phát triển bền vững./.

Trung tướng PGS, TS.
Nguyễn Tiến Bình

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất