Thứ Năm, 28/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 4/10/2014 9:5'(GMT+7)

Hải Triều - Nhà lý luận, nhà tuyên truyền cách mạng, nhà văn hóa

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại Toạ đàm

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu tại Toạ đàm

Cuộc Toạ đàm được tổ chức nhân Kỷ niệm 60 năm ngày mất của đồng chí Hải Triều (6/8/1954 - 6/8/2014), nhằm tưởng nhớ và khẳng định những đóng góp quý báu, công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, nhất là trên lĩnh vực hoạt động báo chí, văn hóa, tuyên truyền, lý luận cách mạng.

Tham dự Tọa đàm có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; Vũ Ngọc Hoàng , Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.

Dự Toạ đàm còn có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; đông đảo các chuyên gia khoa học - nhà nghiên cứu lý luận văn hoá cùng đại diện gia đình đồng chí Hải Triều.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, cuộc Tọa đàm nhân kỷ niệm 60 năm ngày mất của đồng chí Hải Triều cũng là sinh hoạt chính trị, văn hóa góp phần quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Đồng chí Hải Triều tên thật là Nguyễn Khoa Văn, sinh ngày 1/10/1908 trong một gia đình trí thức yêu nước và tiến bộ tại làng An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là An Cựu thuộc thành phố Huế). Sinh thời cũng như sau khi Hải Triều mất, sự nghiệp cách mạng phong phú của ông với tư cách nhà báo, nhà tuyên truyền cách mạng, nhà triết học, nhà lý luận văn nghệ mác xít, nhà văn hóa dân tộc kiên định… đã được bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu và gia đình lưu giữ, đánh giá một cách trân trọng, khoa học, sâu sắc.

Ban Tổ chức Tọa đàm đã nhận được hơn 20 tham luận của các nhà nghiên cứu khoa học. Các ý kiến phát biểu và tham luận tại Toạ đàm đã đánh giá, làm rõ hơn về sự nghiệp và những đóng góp của đồng chí Hải Triều đối với đất nước. Hầu hết các nhà nghiên cứu khoa học đều khẳng định: Trên bình diện báo chí, tư tưởng, lý luận, văn hóa đều cho thấy vai trò đi tiên phong, mở đầu và đặt nền tảng, thể hiện sự thấm nhuần tư duy, lý luận Mác xít - Lêninnít của Hải Triều bằng con đường tự học và gắn bó với đời sống thực tiễn đất nước. Hải Triều có sự hội tụ của nhiều tư cách thống nhất mà đa dạng, phong phú: nhà báo sắc sảo; nhà tuyên truyền kịp thời và nồng nhiệt, có sức thuyết phục; nhà lý luận uyên bác, hùng biện; nhà triết học thường hằng, giản dị; nhà văn hóa tinh tế mà lão thực. Ông thuộc lớp tiền bối về công tác lý luận tuyên truyền của Đảng.

 

Nhiều ý kiến tại Toạ đàm cũng có chung nhận định: Do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, chiến tranh kéo dài nhiều chục năm, việc nghiên cứu về Hải Triều tuy đã nỗ lực và đạt những kết quả khả quan, song không tránh khỏi hạn chế, chỉ chủ yếu tập trung nghiên cứu về đóng góp xuất sắc của Hải Triều trên mảng lý luận phê bình văn nghệ Việt Nam hiện đại.

Thời gian gần đây, những khoảng trống hoặc còn mỏng trong nghiên cứu về Hải Triều đã được bước đầu khắc phục. Giới nghiên cứu trên cơ sở tư liệu được bổ sung và góc độ tiếp cận mới, đã mở ra những khía cạnh nghiên cứu rộng và sâu hơn về những trước tác của Hải Triều, cả về những phương diện khả thủ là chính cùng những khía cạnh còn bất cập, hạn chế…

Đa số các ý kiến tham luận tại Toạ đàm đều đã tập trung vào mở rộng, làm sâu sắc hơn sự nghiệp và đóng góp của Hải Triều trên các phương diện:

Một là, hoạt động tuyên truyền lý luận mác xít về cách mạng vô sản, với tư cách nhà báo, nhà tuyên truyền đi tiên phong;

Hai là, hoạt động truyền bá, gắn lý luận văn nghệ mác xít với thực tiễn văn nghệ Việt Nam hiện đại, với tư cách nhà triết học, nhà lý luận mác xít;

Ba là, nỗ lực kiến tạo, gây dựng nền văn hóa mới - dân tộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, với tư cách nhà văn hóa uyên thâm;

Bốn là, Hải Triều trong các mối quan hệ với gia đình, quê hương, bạn bè, đồng chí. Tuy là người con của gia đình trí thức phong kiến, nhưng tác phong của ông giản dị, hiền minh, nhân ái, một chiến sĩ cách mạng tài năng, trung thành, tận tuỵ với lý tưởng đấu tranh quả cảm cho văn hoá, văn nghệ dân tộc cách mạng.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Suốt từ năm 15 tuổi cho đến khi từ trần, đồng chí Hải Triều - Nguyễn Khoa Văn đã dành cả cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hải Triều - Nguyễn Khoa Văn được khẳng định trên 3 lĩnh vực chính, đó là:

Thứ nhất, Hải Triều - nhà tuyên truyền cách mạng xuất sắc của Đảng. Đồng chí dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, học tập, tuyên truyền chủ nghĩa Mác và triết học Mác xít; tuyên truyền chính trị và cách mạng thế giới; tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam; tham gia xây dựng lực lượng cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược…

Thứ hai, Hải Triều là nhà văn hóa. Đồng chí đã tham gia nhiều cuộc tranh luận văn chương giữa nhóm Hải Triều, Hải Thanh… với nhóm Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều… về vấn đề “Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”; tranh luận về lý luận văn học, lý luận xây dựng nền văn hoá Việt nam…

Thứ ba
, Hải Triều - Nguyễn Khoa Văn là một nhà báo cách mạng tài năng. Hải Triều là cộng tác viên tích cực của gần 30 tờ báo lớn trong Nam, ngoài Bắc và ở Liên khu IV; có chân trong Ban Biên tập của nhiều tờ báo; cho ra đời hai tờ báo “Tân học sinh” và “Giải phóng”; trực tiếp làm Tổng Thư ký báo “Nhành lúa”; Chủ nhiệm tạp chí “Tìm hiểu”, báo “Thi đua Ái quốc”… Các bài báo của đồng chí viết đều tập trung tuyên truyền cách mạng, vận động quần chúng đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù…

Ba lĩnh vực này bổ sung cho nhau và đều hướng đến mục tiêu lớn là phục vụ cách mạng và xây dựng nền lý luận, văn hóa, báo chí cách mạng. Với gần 100 tác phẩm, Hải Triều đã có những đóng góp to lớn cho lý luận cách mạng Việt Nam, để lại những kinh nghiệm quý cho công tác lý luận và công tác tuyên truyền của Đảng.

Đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, từ chủ nghĩa yêu nước, Hải Triều - Nguyễn Khoa văn đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và suốt đời dấn thân cho sự nghiệp cách mạng. Đồng chí là nhà cách mạng tiền bối, một chiến sĩ tiên phong của nền văn hoá, nhà lý luận Mác xít, nhà báo xuất sắc của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong những năm tháng sục sối đấu tranh cách mạng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng khẳng định: Đồng chí Hải Triều đã đi xa, nhưng tấm gương hoạt động cách mạng và những di sản tinh thần mà đồng chí để lại cho chúng ta hôm nay vô cùng quý giá. Chúng ta học tập bản lĩnh kiên trung, tận tụy với công việc của nhà lý luận Mác xít, nhà tuyên truyền cách mạng, bậc tiền bối trong công tác tuyên huấn của Đảng. Những cống hiến to lớn của đồng chí tiếp tục được các thế hệ cán bộ tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ của Đảng trân trọng, kế thừa và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày nay./.

Với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng trên cách lĩnh vực tuyên truyền chủ nghĩa Mác, hoạt động văn hoá, văn nghệ, báo chí, đồng chí Hải Triều vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất và truy tặng Giải thưởng cao quý - Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật (đợt I, năm 1996). 

HMT


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất