Thứ Năm, 28/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 23/9/2014 16:17'(GMT+7)

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Chỉ đạo đầu tư chiều sâu, có trọng điểm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học

Sáng 23/9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động khoa học 5 năm (2009 - 2014). Đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện; đồng chí Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện; đồng chí Lê Văn Lợi, Vụ trưởng Vụ quản lý khoa học chủ trì Hội nghị.

Hội nghị tập trung đánh giá những thành công, kết quả đạt được; những hạn chế, bất cập còn tồn tại, rút ra những bài học kinh nghiệm cần thiết trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện trong thời gian tới.

Theo đồng chí Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc phụ trách khoa học của Học viện cho biết, trong giai đoạn 2009 - 2014 toàn Học viện đã và đang triển khai 2.525 nhiệm vụ khoa học bao gồm các đề án, đề tài khoa học các cấp; hội nghị, hội thảo khoa học các cấp; các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học… Sự gia tăng về số lượng chủ yếu nằm ở nhóm các nhiệm vụ: nghiên cứu khoa học theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành Trung ương…

Trong triển khai nhiệm vụ thông tin khoa học, Học viện đã triển khai trên 120 cuộc tọa đàm, báo cáo chuyên đề, thông tin khoa học; Học viện xuất bản trên 10 đầu tạp chí, bản tin, thông tin các loại và một số lượng khá lớn ấn phẩm liên quan đến chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội, xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam…

Học viện cũng đã triển khai các nhiệm vụ hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học với các nước bạn như Lào, Cuba, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, các tổ chức Jaika, Koica (Nhật Bản)…, mở rộng sang các nước châu Phi và Mỹ Latinh.

Đánh giá về những đóng góp của hoạt động khoa học, đồng chí Lê Quốc Lý khẳng định: Thứ nhất, các hoạt động khoa học đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại hệ thống Học viện, gồm cả các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ hai, góp phần quan trọng vào việc cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thứ ba, góp phần tích cực vào việc bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Thứ tư, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương. Thứ năm, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện. Thứ sáu, nghiên cứu hoạt động khoa học góp phần đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của Học viện.

Bước sang giai đoạn 2014-2019, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã xác định cần quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng về phát triển khoa học-công nghệ, đặc biệt là quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ phát triển khoa học-công nghệ theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành khóa VIII về định hướng phát triển khoa học và công nghệ trong tình hình mới; chấp hành nghiêm các quy định của Luật Khoa học – Công nghệ năm 2013 và các văn bản hướng dẫn để thực hiện.

Học viện cũng xác định rõ hoạt động khoa học của Học viện, trước hết là nhằm phục vụ cho nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đồng thời góp phần tham mưu hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần bảo vệ, phát triển Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp các luận cứ khoa học phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn của bộ, ngành, địa phương.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, các đại biểu đã tham luận, phát biểu ý kiến và đưa ra các giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tập trung xây dựng Chiến lược hoạt động khoa học 10 năm tiếp theo (2015-2025) và Kế hoạch hoạt động khoa học 5 năm (2016-2020).

Hai là, chú trọng đổi mới cơ chế hoạt động khoa học nhằm tạo động lực cho cán bộ khoa học tích cực nghiên cứu, say mê tìm tòi, sáng tạo ra các công trình khoa học có chất lượng, có giá trị về mặt khoa học.

Ba là, tăng cường chỉ đạo giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa hai chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học.

Bốn là, đổi mới nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.

Năm là, đổi mới và tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học.

Sáu là, có kế hoạch quy hoạch, đào tạo sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học cơ hữu, tăng cường sử dụng nguồn nhân lực khoa học ngoài cơ hữu.

Bảy là, tăng đầu tư kinh phí nghiên cứu khoa học và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Tám là, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ có đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý khoa học.

Thu Hằng

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất