Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 7/6/2010 10:41'(GMT+7)

Hành trình của một sự kiện văn hóa

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Từ cuối năm 1998, đầu năm 1999 - thời điểm chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI và thiên niên kỷ mới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với sự phối hợp, hỗ trợ của Chính phủ Pháp và Đại sứ quán nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, sự giúp đỡ trực tiếp của Bộ Văn hóa-Thông tin trước đây, nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các ban, bộ, ngành Trung ương đã chính thức đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Festival Huế 2000-một lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam.

Với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt: Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất và đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc trên đất nước ta đều có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng, bổ sung cho nhau, làm phong phú nền văn hóa Việt Nam, củng cố sự thống nhất, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi vùng, miền đều có những nét văn hóa đặc sắc nổi bật, tạo ra những mảng màu sắc văn hóa hấp dẫn, là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên đất nước ta. Từng bước trở thành nền nếp việc giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với khu vực và thế giới; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của các nền văn hóa khác, kinh nghiệm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các nước; góp phần tạo dựng, bảo vệ sự đa dạng văn hóa trong xu thế hội nhập quốc tế. Giới thiệu và tôn vinh văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, gắn với phát triển kinh tế dịch vụ, thương mại, du lịch, củng cố môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú. Mỗi kỳ tổ chức, Ban Chỉ đạo, đều xác định phương châm cụ thể để chỉ đạo toàn bộ quá trình diễn ra các hoạt động văn hóa.

Sau thành công của Festival Huế 2000, Festival Huế 2002, 2004, 2006 được tiếp tục tổ chức với sự tham gia của nhiều nước ASEAN và các nước: Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc, Achentina, Australia, Anh, Ấn Độ... tạo tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Từ hiệu quả tạo ra thông qua các kỳ tổ chức, Chính phủ đã cho phép xây dựng Huế thành Thành phố Festival của Việt Nam và tiếp tục chỉ đạo tổ chức các kỳ Festival quốc tế định kỳ 2 năm/lần.

Festival Huế 2000 với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sỹ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp thuộc hơn 30 đơn vị nghệ thuật của Việt Nam và Pháp; thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự, trong đó có 6.000 lượt khách quốc tế. Đây thực sự là ngày hội văn hóa, nghệ thuật, một đợt tổng diễn tập hoạt động giao lưu về văn hóa, mang ý nghĩa chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa sâu sắc.

Festival Huế 2002 tiếp tục phát triển chủ đề “khám phá nghệ thuật sống” của Cố đô Huế với sự tham gia của 33 đoàn nghệ thuật tiêu biểu đến từ các nước: Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonexia, Thái Lan, Lào, Campuchia và các đoàn trong nước gồm 1.554 nghệ sỹ, diễn viên, cán bộ kỹ thuật, thu hút trên 1 triệu lượt người tham dự, trong đó có 18.000 lượt khách quốc tế (tăng gấp 3 lần so với Festival Huế 2000). Festival Huế 2002 đã tạo được tiếng vang lớn, mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, tạo cơ hội cho ý tưởng xây dựng Huế trở thành thành phố Festival của Việt Nam hình thành.

Festival Huế 2004 với chủ đề Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển đã quy tụ 15 đoàn nghệ thuật nước ngoài đến từ các nước Pháp, Trung Quốc, Achentina, Australia, Ấn Độ, Đức...; 25 đoàn nghệ thuật trong nước với 1.300 diễn viên chuyên nghiệp, gần 2.000 diễn viên không chuyên, cán bộ kỹ thuật, thu hút 1,2 triệu lượt người tham dự trong đó có 11.950 lượt khách quốc tế. Đây là một lễ hội văn hóa du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế; là dịp để tôn vinh nhã nhạc cung đình Huế-kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vừa được UNESCO công nhận, khẳng định lợi thế của một thành phố Festival của Việt Nam.

Festival Huế 2006 tiếp tục với chủ đề Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển gắn với kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế đã quy tụ 1.400 nghệ sỹ, diễn viên của 22 đoàn nghệ thuật trong nước và 22 đoàn nghệ thuật nước ngoài đến từ Pháp, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Achentina... Festival Huế 2006 phát huy được những kết quả và kinh nghiệm của các kỳ Festival trước đây và đã mang đến cho công chúng 138 xuất diễn, trên 40 hoạt động văn hóa và lễ hội cộng đồng, thu hút được 1,5 triệu lượt người tham dự. Chương trình được công luận đánh giá là một lễ hội có quy mô lớn, đảm bảo yêu cầu: dân tộc, hiện đại, hoành tráng, hấp dẫn và an toàn, thể hiện đẳng cấp của một Festival chuyên nghiệp và có tính quốc tế của Việt Nam.

Festival Huế 2008 với chủ đề Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển với nhiều khám phá, sáng tạo làm nổi bật chủ đề trên, tiềm năng du lịch, những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực của Thừa Thiên Huế được tôn vinh, quảng bá, thông qua rất nhiều chương trình nghệ thuật, du lịch hấp dẫn, được chuẩn bị công phu để phục vụ nhân dân, du khách. Đặc biệt, lần đầu tiên, Ban Tổ chức cho tái hiện lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi vua tại Phú Xuân (1788- 2008); lễ hội thi Tiến sỹ võ. Các đoàn nghệ thuật của các quốc gia đã từng gắn bó với Festival Huế từ những kỳ trước vẫn tiếp tục tham gia với những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi nước.

Tại Festival Huế 2010 vừa khai mạc, nhân dân cả nước lại có dịp được thưởng thức những sáng tạo nghệ thuật truyền thống và hiện đại trên mảnh đất cố đô đầy trầm tích lịch sử, văn hóa nhưng cũng hết sức lãng mạn, thơ mộng và quyến rũ. Sự tham gia của các chương trình nghệ thuật đến từ các quốc gia ở 5 châu lục là vinh dự, đồng thời là sự lo toan đảm bảo về mọi mặt không nhỏ đối với Thừa Thiên Huế nói riêng. Chúng ta cùng chia sẻ và có cơ sở từ kết quả qua 5 kỳ tổ chức để tin tưởng vào thành công lớn hơn của Festival Huế 2010 “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”./.

Nhạc sỹ  Vĩnh Hoàng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất