Sau nhiều năm, ngành điện ảnh Việt Nam mới tổ chức được một cuộc hội thảo mang tính chuyên đề, đề cập tới những vấn đề thiết cốt nhất của đời sống điện ảnh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Cuộc hội thảo đã quy tụ được nhiều người làm nghề từ nhà quản lý, nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, kỹ thuật, các nhà sản xuất và phát hành phim. Có rất nhiều ý kiến sâu sắc, có ích khi những năm qua dưới tác động của cơ chế thị trường, quản lý ngành điện ảnh chuyển đổi theo cơ chế mới thực hiện Luật điện ảnh, gặp muôn vàn khó khăn nhưng một số nhà điện ảnh Việt Nam âm thầm "đi tìm cái mới cho điện ảnh " (Bùi Đình Hạc) hôm nay. Đạo diễn Thanh Vân đi sâu bàn về "mối quan hệ giữa nhà biên kịch và đạo diễn ". Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm kêu trời về tình hình "Biên kịch hay bi kịch " và anh cho rằng phim của ta chất lượng chưa cao là vì biên kịch bị hạ thấp. Phim không có kịch bản hay, vậy thì "các nhà biên kịch làm gì và ở đâu? " Nhà phê bình Điện ảnh TS Ngô Phương Lan khẳng định "điện ảnh Việt Nam không mang tính chuyên nghiệp một trong những nguyên nhân của nó là thiếu sự "đồng bộ " ở tất cả mọi khâu ". Nhà sản xuất phim Phước Sang yêu cầu các nhà quản lý cần có sự đầu tư chiến lược cho điện ảnh Việt Nam thì may ra ta mới không tụt hậu. Và "Điện ảnh Việt Nam cần làm gì để "hội nhập thế giới" (Đặng Nhật Minh).
Các thể loại phim Việt Nam từ phim tài liệu, phim truyện nhựa, phim truyền hình... trong suy nghĩ của nhà thơ - nhà đạo diễn Văn Lê ngày nay chẳng khác nào "chui giữa rừng lau" và anh kêu gọi phải "ra khỏi rừng 1aư'. Nhà thơ Văn Lê đã phân tích rất sâu sắc tình hình chất lượng phim tài liệu những năm gần đây như vấn đề phản ánh sự thật lịch sử với những hình tượng vừa chân thật, vừa thô nháp nhưng gây xúc động lòng người... Và anh cho rằng một trong những hạn chế của phim tài liệu vì người nghệ sĩ điện ảnh còn bị cản trở bởi những " ông ngáo ộp, ông ba bị" trong đời sống . . .
Tôi xin được tiếp nối cuộc trao đổi từ vấn đề "những ông ngáo ộp, ông ba bị" của nhà thơ Văn Lê. Ý kiến của Văn Lê không phải là không có cơ sở, nhưng nếu đúng chắc chưa tới phân nửa. Nhiều người hiểu "những ông ngáo ộp, ông ba bị" của Văn Lê muôn ám chỉ các cơ quan thẩm định kịch bản, thẩm định phim, cơ quan quản lý... Khi đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng kịch bản, chất lượng phim không đồng nhất với cách suy nghĩ của tác giả. Cũng có người hiểu "những ông ngáo ộp, ông ba bị" ở đây còn là một thế lực vô hình nào đó, cản trở sức sáng tạo của người nghệ sĩ ... Có thể điều này diễn ra trước đây, nhưng trong quá trình đổi mới nền nghệ thuật Việt Nam hôm nay đã và đang được tháo gỡ nhiều. Khi nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh phát biểu từ những năm tám mươi thế kỷ trước "cởi trói cho văn nghiệp", về chất của nền văn nghệ Việt Nam nói chung, điện ảnh nói riêng đã có một bước phát triển khác xa với trước. Các văn bản của Đảng gần đây càng khẳng định quan điểm tự do trong sáng tạo nghệ thuật đi đôi với tự do phê bình "phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người, vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hoá, tinh thần ngày càng cao của nhân dân ". "Xây dựng cơ chế lãnh đạo, quản lý khoa học, bảo đảm định hướng chính trị, khắc phục những hiện tượng mất dân chủ hoặc can thiệp thô bạo đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, cũng như xu hướng thả nổi không phê phán những tác giả tác phẩm đi ngược lại các giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị tốt đẹp của dân tộc và cách mạng " (NQ 23- Bộ Chính trị về VHNT).
Một thực tế cho thấy là nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh "có vấn đề,,, có những ý kiến khen chê trái chiều, nhiều chi tiết, sự kiện, hình ảnh như trước đây thường bị cắt bỏ, không có phép lưu hành dù tác phẩm không vị phạm vào những điều cấm trong Luật xuất bản, Luật điện ảnh vẫn được phép lưu hành, công chiếu phục vụ công chúng. Báo chí tranh luận sôi nổi đã tạo ra một đời sống mới trong sinh hoạt văn nghệ của công chúng. Một số tác phẩm, nội dung được người nghệ sĩ phản ánh nhiều chiều, sâu sắc và nhân văn, "con người" hơn. Sinh hoạt phê bình dân chủ hơn. Một số tác phẩm văn học và điện ảnh Việt Nam đã được thế giới đón nhận, được trao giải.
Song nhà thơ Văn Lê lại chưa nói điều này: đã đến lúc, những người làm công tác điện ảnh phải dũng cảm rũ bỏ "những ông ngáo ộp, ông ba bị" đang lẩn quất ở chính trong con người mình. " Con ngáo ộp, ông ba bị" ấy biến tướng muôn hình vạn trạng nhưng nó vẫn thường xuyên trú ngụ trong nhận thức và cảm xúc của chính mình. Hiện thực đời sống luôn biến đổi không ngừng, cái mới luôn phủ định cái cũ, nhưng không ít văn nghệ sĩ vẫn giữ cách cảm, cách nghĩ của vài ba mươi năm trước để cắt nghĩa lý giải nhận thức thực tại thì làm sao có tác phẩm hay được. Ấy là còn vô khối trường hợp phản ánh méo mó, sai lệch hiện thực. Tôi đã xem một bộ phím, có đạo diễn dùng kỹ xảo cho liền một lúc cả chục máy bay B52 bay vào ném bom Việt Nam (??). Một bộ phim giả tưởng vào năm 2050, một lãnh đạo cao cấp của nhà nước phi xe Hon đa DD đỏ đít" có mặt tại Việt Nam từ những năm 90, đầu không đội mũ bảo hiểm, không hiểu luật giao thông ( !?) . . . Hiện thực ấy sao thuyết phục được công chúng, khi có cả hàng triệu người dân còn có mặt hôm nay đã từng đối mặt với "pháo đài bay", chịu trận với những loạt bom huỷ diệt.
Đấy còn là những vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh trong đời sống hôm nay diễn ra trên mọi vùng quê, trong mỗi gia đình, trong từng con người, giữa dòng sông đời với hai bờ tốt - xấu, trong - đục, dũng cảm - hèn nhát, lương thiện - xấu xa, tử tế - tàn ác. Đó còn là sự "hèn nhát, sợ hãi, vô cảm", như lời nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã tâm sự, lẩn khuất trong mỗi chúng ta trước số phận mong manh của con người trước thiên tai, địch hoạ, bất công xã hội . . .
Văn học khác điện ảnh ở chỗ, nhà văn chỉ cần tờ giấy và cây bút, còn điện ảnh là một nghệ thuật tổng hợp, nhiều khâu, nhiều công đoạn phức tạp. Ngân sách ăn đong từng phim, rủi ro cao, đất đai cần cho khu công nghiệp, siêu thị hơn là rạp chiếu phim, nhà hát. Biết bao những vấn đề khó khán đặt ra cho người quản lý, nhà làm phim để có được một bộ phim hay. Để nâng cao chất lượng điện ảnh, mang tính chuyên nghiệp với hoàn cảnh nước ta hiện nay để "thoát nhanh ra khỏi rừng lau hoà vào biển cả, thật khó có phải không nhà thơ - nhà đạo diễn Văn Lê?
Nhà văn Đỗ Kim Cuộng