Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, phong trào xây dựng gia đình văn hoá của huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều tiến bộ. Bên cạnh việc quan tâm phát triển kinh tế, người dân Tam Nông còn đặc biệt quan tâm tới việc giữ gìn văn hoá truyền thống, gia phong tốt đẹp, thể hiện lòng yêu nước, yêu quê hương. Nền tảng cho phong trào xây dựng đời sống văn hoá của Tam Nông phát triển bền vững chính là cách nghĩ, cách làm đúng của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình trong cộng đồng.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" của huyện Tam Nông đã đạt đựoc những tiến bộ trong công tác xây dựng đời sống văn hoá, gia đình văn hoá (GĐVH) thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ theo nếp sống văn minh... cũng như việc xây dựng các thiết chế văn hoá của huyện. Cho đến nay, toàn huyện đã có 131/183 khu dân cư văn hoá; 50/59 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá... Nhiều công trình văn hoá được xây dựng lên nhờ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và sự đầu tư, đóng góp của người dân, điều này đã và đang không chỉ góp phần làm khang trang hơn bộ mặt nông thôn thời kỳ đổi mới mà còn giúp nâng cao chất lượng GĐVH, làng văn hoá, giảm thiểu tệ nạn xã hội. Không chủ quan với những gì đã đạt được, huyện Tam Nông tiếp tục duy trì và đẩy mạnh phong trào. Thực hiện chương trình của Huyện uỷ về xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, Tam Nông đã lồng ghép với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" do Mặt trận Tổ quốc phát động, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phong trào. Các tổ chức đoàn thể luôn nỗ lực hoạt động có hiệu quả, tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị gắn với việc xây dựng đời sống văn hoá bằng nhiều hình thức như: Kẻ vẽ khẩu hiệu, panô, áp phích; tổ chức các buổi giao lưu nói chuyện truyền thống và liên hoan văn nghệ... Huyện Tam Nông còn tổ chức Hội thi kể chuyện cười Văn Lang; các CLB thơ xã Cổ Tiết, CLB thơ xã Thượng Nông, hát ghẹo Nam Cường xã Thanh Uyên... đã tổ chức nhiều đêm bình thơ, xuất bản các tập thơ có chất lượng. Từ năm 2006, với sự hỗ trợ kinh phí 15 triệu đồng/công trình, các nhà văn hoá thôn, làng ở Tam Nông tiếp tục được đầu tư xây dựng theo định hướng hiện đại, văn minh. Công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao nhờ vậy có cơ hội phát triển mạnh.
Xác định rõ GĐVH là nhân tố quan trọng để xây dựng làng văn hoá, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, các cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ở huyện và cơ sở đã có nhiều hoạt động tích cực về công tác này. Bản thân nhiều gia đình cũng rất ý thức trong việc xây dựng GĐVH, lao động cần cù, sáng tạo, vượt khó khăn, xoá đói giảm nghèo, biết coi sự học là nền tảng bền vững, giáo dục con em mình đức tính chăm học, chăm làm, có trách nhiệm với xã hội. Có thể nói, cách tuyên truyền, vận động hiệu quả nhất chính là định hướng tích cực trong gia đình. Nhờ có sự chỉ bảo, định hướng tốt mà quan niệm về việc cưới, việc tang và nhiều hoạt động khác ở Tam Nông đã được cải thiện. Hiện tượng tảo hôn không còn tồn tại, phong trào tổ chức đám cưới đầm ấm, tươi vui, không hút thuốc lá đã được nhân rộng.
Ở Tam Nông, ngày càng có nhiều hộ gia đình đã đề cao trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Lượng-khu 14, xã Cổ Tiết đã ủng hộ địa phương 3 triệu đồng và 3 tấn xi măng; ông Nguyễn Quang Thuyên-khu 4, xã Thượng Nông ủng hộ 1 triệu đồng để xây dựng các công trình văn hoá của khu; tiến sỹ Trần Miêu-khu 2, xã Thượng Nông ủng hộ trên 100 đầu sách trị giá gần 10 triệu đồng; ông Đào Văn Lợi-khu 2, xã Thượng Nông ủng hộ 1 tủ sách thư viện trị giá gần 4 triệu đồng... Nhiều cá nhân, tập thể khác cũng đã cùng tham gia ủng hộ tiền mặt, ngày công và các trang thiết bị khác như bàn ghế, quạt điện, đồng hồ treo tường, ấm chén... cho các công trình công cộng./.
( Báo Phú Thọ)