Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 5/7/2014 15:59'(GMT+7)

Hẹn ở Lý Sơn

Thắng cảnh nổi tiếng của Lý Sơn được hình thành bởi những dòng nham thạch phun trào từ hàng triệu năm trước tại thôn Tây, xã An Vĩnh.

Thắng cảnh nổi tiếng của Lý Sơn được hình thành bởi những dòng nham thạch phun trào từ hàng triệu năm trước tại thôn Tây, xã An Vĩnh.

Tấm lòng người dân xứ đảo

Những năm gần đây, hàng chục nghìn người từ khắp nơi chọn huyện đảo Lý Sơn làm điểm đến du lịch, đồng thời tìm hiểu về Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Nằm phía đông bắc, cách đất liền 15 hải lý và cách quần đảo Hoàng Sa 150 hải lý, Lý Sơn không chỉ là đảo tiền tiêu, giữ vị trí chiến lược quan trọng trên Biển Ðông, mà còn có nhiều lợi thế về cảnh quan tự nhiên cũng như bề dày lịch sử, văn hóa để thu hút du khách.

Ðặt chân đến Lý Sơn một ngày hè nắng lửa, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là sự tấp nập ở bến cảng, người chuẩn bị lưới ra khơi, người mang cá lên bờ, người giao, người nhận hàng hóa. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay trên những con tàu, thuyền neo đậu bình yên và cả trên mầu áo của từng tốp thanh niên đi du lịch hướng về biển đảo thân yêu.

Người Lý Sơn sống bằng hai nghề chính: đi biển và trồng hành tỏi. Gần đây, khi giao thông đi lại thuận tiện hơn, trên đảo có thêm các dịch vụ lưu trú phục vụ du khách bốn phương, với khoảng 12 khách sạn, nhà nghỉ lớn nhỏ, đạt tiêu chuẩn. Song, có lẽ hình thức homestay (ăn ở, sinh hoạt cùng nhà dân) mới là nét độc đáo và thú vị hơn cả. Sau khi xuống tàu, ngắm nhìn quang cảnh, chúng tôi bất ngờ nhận được lời mời "về ở cùng gia đình" của một người địa phương. Người đàn ông chừng năm mươi tuổi, làn da rám nắng, giọng nói đặc sệt dân biển, giao đãi: "Khách ở bao lâu tùy thích. Muốn đi chơi đâu tôi dẫn đi". Và chúng tôi theo anh về một căn nhà mới xây khá khang trang tại thôn Ðông, xã An Vĩnh. Anh là Nguyễn Lợi, một cựu ngư dân từng hơn hai mươi năm ròng ra khơi bám biển, gắn bó với ngư trường truyền thống Lý Sơn, Hoàng Sa như bao thế hệ cha anh. Chắt chiu từ nghề biển suốt nhiều năm, anh xây được một ngôi nhà tươm tất, và dành hẳn hai phòng trong ngôi nhà mới cho khách đến Lý Sơn. Hơn một năm nay, trong những lần chở hàng thuê ra cảng, nếu gặp đoàn khách nào không tìm được nhà nghỉ, khách sạn, anh đều đưa về nhà mình. "Hồi trước, thấy du khách ra đảo nhưng hết phòng nghỉ, cứ phải loay hoay đi tìm, tôi rất muốn dẫn về nhà. Nhưng ngặt nỗi nhà nhỏ, lại xập xệ cho nên không biết làm sao, anh Lợi tâm sự. Sẵn có chiếc xe ba-gác dùng để chở hàng, anh Lợi kiêm luôn "hướng dẫn viên du lịch không chuyên" chở khách đi tham quan, mua đồ lưu niệm, hải sản. Bằng sự thân thiện, mộc mạc, anh đã tiếp đón hơn 100 lượt khách khắp ba miền và cả những người bạn quốc tế đến với Lý Sơn. Vợ anh, một phụ nữ dáng người bé nhỏ, nhanh nhẹn, khéo tay, góp phần "quyến rũ" du khách bằng những bữa ăn đơn giản, với cá hố, cá dìa, ốc cừ, cua huỳnh đế, mực trứng... và không thể thiếu món tỏi trứ danh của xứ đảo.

Sang thôn Tây, chẳng ai là không biết chú Võ Văn Út, một ngư dân kỳ cựu ở Lý Sơn, nổi tiếng bởi tấm lòng hiếu khách. Mai Phương, cô sinh viên từ Hà Nội đi "phượt" vào đây, tình cờ đến ở nhà chú Út và đã có được những trải nghiệm tuyệt vời trên đảo, nhất là sự cảm động trước người chủ nhà xởi lởi, thân tình, thậm chí lo lắng cho cô như con cháu trong nhà khi cô về khuya. Và còn nhiều, nhiều lắm những con người Lý Sơn mộc mạc, hiếu khách luôn nở nụ cười hiền khô, nồng nàn gió biển. Người dân ở đây như những chiếc "bản đồ di động" - tôi vẫn nghĩ vui thế. Chỉ cần bạn dừng lại hỏi đường thì dù một anh thanh niên đang bận rộn dỡ cá hay vợ chồng đang vội vã đi xe cũng sẽ dừng lại, nhiệt tình chỉ dẫn. Những sự quan tâm, chia sẻ nhỏ bé ấy đã làm tôi "phải lòng" người dân xứ đảo.

Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Lý Sơn những thắng cảnh độc đáo giữa bốn bề sóng biển. Ðứng trên đỉnh núi lửa Thới Lới, nơi cao nhất của Lý Sơn, phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh hòn đảo xinh đẹp hiền hòa, một bên là biển trời xanh ngút ngát, một bên là đồng ruộng Lý Sơn được chia nhỏ thành những ô vuông đều tăm tắp. Nếu có dịp lặn xuống dải san hô ngay dưới chân núi, du khách sẽ phải sững sờ vì vẻ đẹp kỳ thú của thế giới dưới lòng đại dương với cơ man san hô đủ mầu sắc, hình dạng và những loài sinh vật biển đa dạng.

Và hơn hết, Lý Sơn đã biết tận dụng nguồn "tài nguyên con người", vừa là thế mạnh, vừa là động lực để phát triển du lịch bền vững.

Quà lưu niệm từ vỏ ốc thu hút nhiều du khách. Ảnh: VIỆT CƯỜNG và TRÍ TÍN

Cơ hội đầu tư đang rộng mở

Thị trường du lịch mới lạ, những sản phẩm văn hóa, du lịch còn nguyên sơ chính là những ưu thế của Lý Sơn. Từ kinh nghiệm của một số địa điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình), Hội An (Quảng Nam)... thì khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài rất thích trải nghiệm theo kiểu được sống và sinh hoạt cùng người dân. Chị Ða-ni-en-la, người Ðức trong đoàn du khách quốc tế mà chúng tôi gặp tại chợ cá trên đảo, vừa thích thú chụp ảnh những loại hải sản đặc sắc tươi ngon, vừa vui vẻ chia sẻ: "Ði du lịch mà có người sinh ra và lớn lên ở đây hướng dẫn để khám phá thêm những nét mới lạ, thì thú vị hơn là chỉ đến những địa điểm vạch sẵn, ở khách sạn, ăn nhà hàng. Chuyến đi rất tuyệt vời và chúng tôi hoàn toàn hài lòng".

Nếu nói về Lý Sơn chỉ bằng từ "đẹp" e rằng chưa đủ. Bởi nơi này còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cổ xưa có niên đại hàng nghìn năm, như văn hóa tiền Sa Huỳnh và hậu Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa, di chỉ Xóm Ốc và Suối Chình. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - sự tiếp nối truyền thống của ông cha trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo được tổ chức trang trọng ở cấp huyện và tại các đình làng, dòng họ. Bên cạnh đó là nhiều di tích lịch sử, nhiều thư tịch cổ, tài liệu quý giá khẳng định đanh thép chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Có thể nói, nhiều cơ hội lớn đang chờ đợi các nhà đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, hệ thống nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan, vui chơi... Trước mắt, một số người dân địa phương đã nhanh nhạy cung cấp dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, dù tiện nghi còn sơ sài. Thực tế, việc khai thác tài nguyên và phát triển du lịch tại Lý Sơn còn nhiều khó khăn, hệ thống giao thông vận chuyển ra đảo chỉ có một loại hình là tàu thủy với số chuyến hạn chế, các cơ sở lưu trú chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, thiếu nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp về du lịch, việc xử lý nước thải và rác thải còn chậm, đồ thủ công mỹ nghệ lưu niệm còn nghèo nàn... và quan trọng, Lý Sơn vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Song, thông tin mới rất đáng hoan nghênh là Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đã tiến hành khảo sát và chuẩn bị thi công dự án đưa điện quốc gia ra đảo vào tháng 9 tới. Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Hoàng Linh cho biết: "Khi có điện ổn định thì sinh hoạt của người dân sẽ được cải thiện và các dịch vụ cũng sẽ dần phát triển. Mỗi dịp lễ và Tết, huyện cũng dự đoán nhu cầu sử dụng phòng ở không bảo đảm, chúng tôi luôn vận động các nhà dân, nhà cổ của dân hỗ trợ dịch vụ lưu trú cùng cộng đồng. Ðiều quan trọng nhất, chính quyền địa phương yêu cầu các khách sạn, nhà nghỉ không được phép tăng giá và "chặt chém" khách du lịch".

Theo thống kê của Ban quản lý cảng Sa Kỳ, khách du lịch đến thăm Lý Sơn ngày càng đông, nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, nếu không đặt trước thì khó lòng mua được vé tàu cao tốc. Dịp Tết Nguyên đán và nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, lượng khách tăng đột biến và cao nhất từ trước tới giờ. Ðó là một tín hiệu đáng mừng, song cũng khiến ngành du lịch địa phương còn lúng túng. Ðể đón tiếp du khách chu đáo, Lý Sơn cần được quan tâm đầu tư về du lịch hơn nữa.

Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi và UBND huyện Lý Sơn tổ chức lớp tập huấn cho các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch trên đảo, giúp họ xác định vai trò của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch, quy trình đón tiếp khách, bảo đảm các yếu tố cơ bản của loại hình homestay. Dịp này, hơn 40 doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong nước cũng đã tổ chức hội thảo nhằm nghiên cứu hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nơi đây, trong đó tập trung chủ yếu là du lịch tắm biển - nghỉ dưỡng, du lịch tham quan nghiên cứu, du lịch văn hóa lễ hội và sinh thái. Tuy mới là những dự định, nhưng đã cho thấy hướng đi đúng để phát triển bền vững du lịch biển đảo Lý Sơn.

Chia tay Lý Sơn, lời nhắn nhủ của anh Nguyễn Lợi vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi: "Mình tin người ta trước, rồi người ta mới tin mình. Ai đến đây tôi cũng đều chào mừng và sẵn sàng đón rước về nhà. Nếu sau này có dịp trở lại, nhớ gọi tôi nhé!". Lý Sơn tươi đẹp và ấm áp nghĩa tình đã và đang trở thành một điểm hẹn độc đáo, hấp dẫn như thế.

HOÀNG MỸ HẠNH /NhanDan     
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất