Đại hội đồng Hiệp hội Luật ASEAN năm nay diễn ra tại Hà Nội là lần thứ 10 nhưng là lần đầu tiên sau khi các nước thành viên thông qua Hiến chương ASEAN vào cuối năm 2008, đưa văn kiện quan trọng này đi vào thực hiện. Để hướng tới việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 như mục tiêu Hiến chương đặt ra, đòi hỏi nhiều nỗ lực khác nhau, từ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh và không thể thiếu nỗ lực hợp tác trong lĩnh vực pháp luật.
Sự phát triển của ASEAN chỉ có thể có được khi có những nền tảng pháp luật thích hợp. Chúng ta không thể có Cộng đồng có thị trường chung phát triển nếu không có hệ thống pháp luật thương mại tương thích. Chúng ta cũng không thể phát triển Cộng đồng dựa trên trụ cột an ninh chung nếu không có hệ thống pháp luật đảm bảo ngăn chặn có hiệu quả tội phạm, khủng bố trong từng quốc gia cũng như trong toàn thể cộng đồng. Để một Cộng đồng ASEAN vững mạnh và bền vững, cần đạt được những tầm cao mới trong việc phát triển hệ thống pháp luật của mỗi nước và nhất thế hoá pháp luật trong phạm vi Cộng đồng.
Đại hội lần thứ 10 Đại hội đồng Hiệp hội Luật các nước ASEAN do Việt Nam đăng cai tổ chức lần này được kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn đặc biệt trong hợp tác luật giữa các nước thành viên. Ngoài chương trình họp chung, trong khuôn khổ đại hội, diễn ra 6 hội thảo chuyên đề trực tiếp đi sâu vào việc triển khai Hiến chương ASEAN trong các lĩnh vực chủ chốt như “Tác động của Hiến chương ASEAN tới hệ thống giáo dục pháp luật các nước thành viên”; “Giải quyết những vấn đề pháp luật còn tồn tại theo Hiến chương ASEAN”; “Đánh giá pháp luật đầu tư trong nội bộ các nước ASEAN”; “Cải thiện việc thi hành quyết định của Trọng tài thương mại quốc tế ở các nước ASEAN”...
Đặc biệt, Đại hội lần thứ 10 Đại hội đồng Hiệp hội Luật các nước ASEAN tại Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt khi Việt Nam không chỉ là nước chủ nhà tổ chức đại hội mà còn chính thức đón nhận chức Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ 2010-2011.
Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khẳng định, trong vai trò đó, Hội luật gia Việt Nam cũng xác định phải có trọng trách thúc đẩy hợp tác luật giữa các nước ASEAN lên bước phát triển mới: “Với trọng trách làm Chủ tịch Hiệp hội Luật ASEAN, Việt Nam sẽ đóng góp sức mình trước hết để tất cả các thành viên ASEAN tham gia đầy đủ và tích cực vào Hiệp hội luật. Đến nay, còn Myanmar chưa tham gia. Lào và Campuchia còn nhiều khó khăn nhất định.
Bên cạnh đó, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh Luật trọng tài thương mại, giúp giải quyết những tranh chấp về thương mại trong hội nhập. Ý tưởng của Việt Nam có thể là thành lập một trung tâm trọng tài trong khu vực. Việt Nam cũng mong muốn hợp tác luật giữa ASEAN để ý nhiều hơn đến các đối tượng chịu thiệt thòi, bảo vệ quyền lợi cho những người lao động đi xuất khẩu lao động ở các nước bạn ASEAN”./.
VOVNews