Thứ Ba, 24/12/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 18/6/2015 9:12'(GMT+7)

Hiền tài là nguyên khí quốc gia

Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chính là chìa khóa để mở ra con đường đi đến thành công và thịnh vượng của một quốc gia. (Ảnh: Internet)

Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chính là chìa khóa để mở ra con đường đi đến thành công và thịnh vượng của một quốc gia. (Ảnh: Internet)

Trong chiến lược phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi sự nghiệp giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo là nền tảng, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Nghị Quyết TW 8, khoá XI khẳng định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”.

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”. 

Tại Đại hội VIII năm 1996, Đảng ta đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất hiện đại.  

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011- 2020 đã lựa chọn phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá để hiện thực hóa mục tiêu đó.

Tuy nhiên cần phải nhìn nhận một thực tế rằng mặc dù đã đề ra nhiều chiến lược, kế hoạch và chương trình phát triển giáo dục nhưng nhìn chung chúng ta vẫn chưa đạt được sự chuyển biến mạnh mẽ mang tính đột phá và nền giáo dục của ta vẫn còn rất nhiều hạn chế, bất cập.

Cải cách giáo dục đừng áp đặt

Ngành giáo dục của ta đã qua nhiều lần cải cách nhưng vẫn chưa giải quyết được các yếu kém trong hàng chục năm qua bởi chưa đổi mới được phương pháp dạy và học một cách thực thụ. Nguyên nhân chủ yếu là chúng ta vẫn chưa xác định rõ cần phải thay đổi những cái gì và thay đổi chúng như thế nào.

Hầu như tất cả các sự thay đổi trong cải cách giáo dục đều từ trên xuống theo kiểu áp đặt lên học sinh, sinh viên mà chúng ta hầu như không hề nghĩ tới ý kiến của học sinh, sinh viên - những đối tượng chính của quá trình cải cách - như thế nào.

Chúng ta rất ít khi thực hiện những cuộc khảo sát ý kiến của học sinh, sinh viên xem mức độ hài lòng của họ với môi trường giáo dục xung quanh ra sao, và nếu như chưa hài lòng thì họ muốn môi trường đó thay đổi như thế nào.

Đổi mới phương pháp giáo dục

Với sự bùng nổ của internet và sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện thông tin truyền thông, việc tiếp cận kiến thức thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Trong tương lai, phương thức đào tạo truyền thống đọc chép sẽ dần trở nên lỗi thời và không đáp ứng được yêu cầu của người học cũng như không phù hợp khả năng công nghệ của thời đại.

Một số phương pháp giáo dục mới đã được áp dụng rộng rãi ở một số nước trên thế giới như e-learning, IBSE (Inquiry Based Science Teaching)... và đã thu được nhiều thành công đáng kể.

Những phương pháp mới này đã cho thấy việc ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin truyền thông và khoa học máy tính vào giảng dạy làm cho người học có thể tiếp thu kiến thức nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Ứng dụng công nghệ thông tin giải pháp cho Giáo dục trọn đời

Giáo dục và đào tạo phải nhắm tới mọi đối tượng không phân biệt tuổi tác, giới tính, dân tộc, nghề nghiệp, trình độ. Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ những người có nhu cầu được giáo dục đào tạo thông qua các chương trình giáo dục trọn đời, phổ cập và đánh giá kiến thức mà họ nhận được bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Với sự phát triển của kỹ thuật thông tin truyền thông, công việc này trở nên dễ dàng hơn. Các trường đại học ảo (virtual university) đã được thiết lập ở nhiều quốc gia khác nhau nhằm mục đích này.

Nó sử dụng môi trường và các phương tiện truyền thông điện tử (ví dụ mạng Internet) để cung cấp các khóa đào tạo, các chương trình đào tạo với mục tiêu là hướng tới những đối tượng cần thiết (thông thường là những nhóm người không đủ điều kiện theo học các trường đào tạo thực tế).

Trường đại học ảo được tổ chức bằng các liên kết giữa các trường đại học, các viện hoặc các phòng ban với nhau để cung cấp các khóa học, khóa đào tạo thông qua đường truyền Internet, truyền hình hoặc các phương tiện truyền thông khác, sau đó đánh giá kết quả khóa học bằng nhiều phương thức, ví dụ học viên có thể tới các phòng ban, các cơ sở của trường đại học ảo đó để thực hiện các bài thi và các bài kiểm tra, hoặc có thể thực hiện các bài thi kiểm tra ngay trên các phương tiện truyền thông thông qua mạng lưới internet.

Hướng đến xã hội nghiên cứu

Hiện nay chúng ta đang từng bước xây dựng và hoàn thiện xã hội học tập theo tinh thần Nghị Quyết TW 8 (khóa XI) là "Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”. Để hướng tới mục tiêu xã hội nghiên cứu còn một chặng đường rất dài và việc này cần phải được định hướng ngay từ bây giờ.

Giáo dục đào tạo cần phải được gắn với nghiên cứu khoa học. Phải xác định rằng các hoạt động nghiên cứu khoa học không chỉ dành riêng cho đội ngũ cán bộ giảng viên, nhà khoa học hay nghiên cứu sinh mà nó còn có thể là nhiệm vụ của mọi đối tượng trong toàn xã hội trong đó có những người đang ngồi trên ghế nhà trường.

Thực trạng nghiên cứu khoa học của chúng ta hiện nay có thể nói là còn nhiều bất cập. Ngay cả những người làm công tác nghiên cứu cũng chưa thật sự hứng thú bởi vì chính sách nhà nước chưa đủ ưu đãi cho những người làm công tác khoa học để giúp họ an tâm dấn thân cho khoa học.

Cải cách giáo dục không phải chỉ là nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà nó là nhiệm vụ chung của toàn xã hội.

Để việc cải cách giáo dục tiến triển và mang lại hiệu quả tích cực, tất cả giáo viên, nhà quản lý và các nhà đề ra chính sách phải ủng hộ và tích cực tham gia vào quá trình cải cách này, đồng thời phải thu thập sự phản biện của những đối tượng  mà quá trình cải cách nhắm tới xem phản ứng của họ như thế nào để điều tiết quá trình cải cách đi đúng hướng và mang lại hiệu quả cao nhất./.

Theo GDVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất