Thứ Hai, 23/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 7/6/2015 20:22'(GMT+7)

"Làn gió mới" cho giáo dục

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ kiểm tra một điểm thi tại Hà Nội. (Ảnh: QĐND)

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ kiểm tra một điểm thi tại Hà Nội. (Ảnh: QĐND)

Là đơn vị tiên phong thực hiện điều này, kỳ thi vừa diễn ra của Đại học Quốc gia Hà Nội đã thu hút 96% thí sinh đến dự thi. Đây là con số kỷ lục của trường trong vòng 5 năm qua, cho thấy sự quan tâm của xã hội và đặc biệt của các thí sinh tham gia dự thi.

Kỳ thi được đánh giá là có nhiều ưu điểm khi suốt 8 ca thi với 43.369 thí sinh dự thi không phát sinh hiện tượng tiêu cực nào. Thí sinh vào phòng thi với tâm thế mới, không trông chờ vào tài liệu, phao; thời gian thi ngắn hơn, chấm thi khách quan bằng máy... Và đặc biệt, trong 140 câu hỏi tổng hợp trải dài ở các lĩnh vực từ tự nhiên đến xã hội, đã xuất hiện một môn học hơn chục năm qua chưa bao giờ được đem vào tổ chức thi cử ở cấp độ tuyển sinh đại học, kể cả tốt nghiệp THPT, đó là môn Giáo dục công dân.

Đây là cách thi không mới trên thế giới, nhưng lại là một “làn gió mới” đối với nền giáo dục Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, với nhiều ưu điểm như vậy nên áp dụng hình thức thi này một cách đại trà, thậm chí thay luôn kỳ thi THPT quốc gia. Ý kiến đó xem ra khá nóng vội nhưng phản ánh đúng phần nào sự mong mỏi của người dân trong việc đổi mới một nền giáo dục có nhiều bất cập như hiện nay.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, cách thi truyền thống vẫn là hình thức phù hợp  với điều kiện của các trường, cũng như cách dạy và học hiện nay ở các trường phổ thông. Bên cạnh đó, dù Đại học Quốc gia Hà Nội đã tốn công sức trong nhiều năm để tạo ra bộ đề nguồn đủ lớn nhưng để sử dụng toàn quốc thì sự đòi hỏi đó cao hơn rất nhiều. Hơn nữa, việc thi trên máy quy mô càng lớn càng khó kiểm soát được.

Mặt khác, sau kỳ thi đã xuất hiện không ít phản hồi về việc cân bằng độ khó trong các nhóm câu hỏi để làm sao có được sự công bằng về độ khó dễ trong đề của mỗi thí sinh; bộ đề thi làm sao chọn được “tinh” chứ không phải “thô”; tỷ lệ đề không hợp lý hay đề tự chọn thuộc khối khoa học xã hội khó hơn tự nhiên, đề có nhiều câu hỏi đánh đố, khá xa lạ với những gì mà học sinh được dạy trên lớp và tính bảo mật của đề thi đến đâu khi mọi thao tác hoàn toàn ở trên máy... Tất cả sự “bắt lỗi” này đều nhằm hướng tới một kỳ thi hoàn thiện, tốt hơn trong tương lai, đúng như tinh thần mà Đại học Quốc gia Hà Nội đang cố gắng thực hiện để thúc đẩy một nền giáo dục đổi mới toàn diện và tích cực.

Hướng tới cái mới tích cực là nhu cầu chính đáng của người học nhưng để cái mới đó thực sự đi vào cuộc sống thì cần có thời gian để đánh giá kỹ hơn; một lộ trình để cả xã hội không chỉ có thời gian chuẩn bị về nhân lực, vật lực, mà còn thay đổi cả phương pháp dạy, học và thực hành hiện nay, để việc đổi mới thi cử thật sự hiệu quả và có ý nghĩa hơn./.

Thu Hà (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất