THỐNG NHẤT HÀNH ĐỘNG, ĐỒNG BỘ CÁCH LÀM
Ðể nghị quyết phát huy hiệu quả trong thực tế, các cấp ủy cần chung
tiếng nói trong tư duy và hành động, là quan điểm chỉ đạo của Thành ủy
được đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Phó Bí thư Thường
trực Thành ủy Hà Nội chia sẻ. Triển khai tám chương trình trọng tâm của
nhiệm kỳ, Thành ủy chọn vấn đề cốt lõi để thành lập các ban chỉ đạo, do
các đồng chí Thường trực Thành ủy làm trưởng ban. Các đồng chí Thường
trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ dự, chỉ đạo và trực tiếp truyền đạt
nội dung nghị quyết. Ưu điểm là các đồng chí đã hiểu sâu sắc các chủ
trương, mục tiêu, giải pháp đồng thời truyền đạt kinh nghiệm thực tiễn
được đúc rút sau nhiều năm công tác.
Thành ủy chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra, tổ chức sơ kết việc
triển khai nghị quyết, giải quyết ngay những vướng mắc, chấn chỉnh việc
sao chép nghị quyết của cấp trên. Các ban chỉ đạo của Thành ủy và các
cấp ủy định kỳ tổ chức giao ban kiểm điểm tiến độ thực hiện các chỉ
tiêu. Các cơ quan đảng đi tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo
ngay từ việc tiến hành các hội nghị sơ kết, đánh giá. Thay vì đọc báo
cáo tại hội nghị, tài liệu được gửi trước, kết quả triển khai nghị quyết
được chuyển sang dạng phim phóng sự tài liệu. Tại hội nghị, các đại
biểu chỉ phát biểu chia sẻ kinh nghiệm, ghi nhận và phản ánh thực tế,
tránh họp hành kéo dài.
Sự thống nhất, đồng bộ trong thực hiện Nghị quyết số 15 về "Xây dựng
tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém;
giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã
hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP. Hà Nội" (Nghị quyết 15) và Chỉ
thị 15 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác
tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (Chỉ thị 15) có tác dụng "đòn
bẩy" giải quyết những vấn đề khó mà nghị quyết đặt ra, có sự chỉ đạo
quyết liệt, trực tiếp từ Thường trực Thành ủy đối với các điểm nóng, vụ
việc phức tạp, nổi cộm.
Trong sáu tháng sau khi Nghị quyết 15 ban hành, tổng số đơn được Thường trực
Thành ủy cho ý kiến chỉ đạo là 773 đơn. Trong đó, đồng chí Bí thư Thành
ủy trực tiếp chỉ đạo 726 đơn, Phó Bí thư Thường trực chỉ đạo xử lý 17
đơn, Phó Bí thư chỉ đạo đối với 30 đơn. Hằng tháng, Thường trực HÐND
thành phố chủ trì họp tiếp công dân, giám sát kết quả xử lý, giải quyết
của các cơ quan có thẩm quyền. Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra
tại các quận, huyện, thị ủy, nhất là những nơi có vấn đề cần sớm giải
quyết.
Trên "nóng", dưới không thể "lạnh", cấp ủy quận, huyện đều quán triệt
quan điểm của Thành ủy, chủ động xây dựng kế hoạch nghiêm túc, phối hợp
đồng bộ. Tại địa bàn Mỹ Ðức, nơi từng xảy ra điểm nóng Ðồng Tâm, Trưởng
Ban Tổ chức Huyện ủy Lê Văn Sơn cho biết, hằng tháng, Ban Tổ chức báo
cáo kết quả thực hiện với Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy.
Riêng với xã Ðồng Tâm, Ban Chỉ đạo của huyện mỗi tháng làm việc với Ban
Chấp hành Ðảng bộ xã Ðồng Tâm một lần; có kết luận chỉ đạo củng cố hệ
thống chính trị xã, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,
phát triển kinh tế - xã hội; ổn định đời sống nhân dân.
Huyện ủy yêu cầu Ðảng ủy, HÐND xã Ðồng Tâm xây dựng nghị quyết, thành
lập tổ công tác tập trung tuyên truyền sâu rộng trong các tổ chức của
cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương về Thông báo kết luận của
Thanh tra TP. Hà Nội về kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử
dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu vực
sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Ðồng Tâm, để mọi công dân
trên địa bàn hiểu rõ và tự giác chấp hành; bố trí hai đồng chí cấp ủy
giữ chức vụ Bí thư Chi bộ thôn Hoành và Bí thư Ðoàn Thanh niên xã. Ðình
chỉ công tác trưởng, phó thôn Hoành để phục vụ công tác điều tra vụ án
của Công an thành phố Hà Nội; tập trung giải quyết các nội dung đơn thư
tố cáo của công dân (sau kết luận thanh tra); tổ chức thực hiện xử lý
xong các nội dung vi phạm đất đai gây bức xúc trong nhân dân… Nỗ lực của
cấp ủy, chính quyền góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật
tự an toàn xã hội , củng cố lòng tin của nhân dân. Ðối với một số vụ
việc phức tạp tiềm ẩn gây mất an ninh - trật tự tại các xã Tuy Lai, An
Phú, Hùng Tiến, Hợp Thanh, Huyện ủy đều có kế hoạch cụ thể, phối hợp với
cơ quan, ban, ngành của thành phố để tiếp tục xử lý dứt điểm.
Ðánh giá kết quả ba năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy
về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020, cũng cho những kinh
nghiệm quý. Theo Ban Cán sự đảng UBND thành phố, đã có sự tập trung
trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm, huy
động sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành từ thành phố tới cơ sở.
Thống nhất hành động từ kế hoạch của UBND thành phố thực hiện Nghị
quyết, đến kế hoạch hằng năm của Sở Du lịch về quản lý nhà nước. Các
quận, huyện, thị ủy chỉ đạo chính quyền xây dựng chương trình công tác
phù hợp thực tiễn từng đơn vị, địa phương. Hằng năm, các cấp ủy, chính
quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; các sở, ban,
ngành thực hiện lồng ghép với nhiệm vụ chính trị. Một Hà Nội - điểm đến
du lịch "an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn" đã để lại ấn tượng
trong lòng du khách, với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo như: không gian
phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian biểu diễn nghệ
thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ; tua đi bộ khám phá phố cổ Hà Nội
miễn phí cho du khách quốc tế; tua "Cảm xúc Hà Nội"; du lịch di tích,
làng nghề… Ðặc biệt, hình ảnh Hà Nội trên kênh truyền hình CNN đã tạo
sức hút du khách quốc tế đến Hà Nội. Qua hai cuộc khảo sát của Hãng tư
vấn độc lập BDRC Continental lớn nhất Vương quốc Anh, mức độ cải thiện
nhận thức của khán giả về Hà Nội đạt tỷ lệ rất cao (86% năm 2017 và 91%
năm 2018), mức độ đồng ý nhận định Hà Nội là một điểm đến giàu tài
nguyên du lịch, dễ dàng di chuyển, an toàn, chi phí hợp lý… đạt từ 80%
đến 90% phản hồi của khán giả; tỷ lệ gia tăng khả năng những người trả
lời có xu hướng muốn tới thăm Hà Nội năm 2018 tăng gấp đôi so với năm
2017.
"BA TỐT", "NĂM RÕ" VÀ MỘT ĐẦU MỐI
Ðưa nghị quyết vào cuộc sống đòi hỏi sự tâm huyết, sáng tạo, nêu
gương, nhất là cấp trên và người đứng đầu. Theo đó, Thành ủy Hà Nội yêu
cầu cần thực hiện: "ba tốt" (nhận thức tốt, phương án tốt và chỉ đạo
tốt), có sự phân công cụ thể theo hướng "năm rõ" (rõ người, rõ việc, rõ
trách nhiệm, rõ thời gian và rõ kết quả); một việc, một đầu mối xuyên
suốt, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Thực tế cho thấy, chủ trương, nghị quyết có đúng, trúng đến đâu thì
quan trọng vẫn ở khâu tổ chức tốt, giao đúng người, đúng việc, có sự
giám sát, đôn đốc, đánh giá thường xuyên. Ghi nhận từ quận Thanh Xuân
trong triển khai chuyên đề về công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư cho
thấy, đây là sáng kiến chủ động nắm bắt thực tiễn để đề ra chủ trương,
trước khi có Nghị quyết số 26-NQ/TU của Thành ủy. Trong đó, đã phân định
nhiệm vụ, trách nhiệm của 15 đơn vị liên quan, từ các cơ quan nhà nước,
như tổ công tác liên ngành, phòng quản lý đô thị, đảng ủy, UBND 11
phường, công an quận…, đến chủ đầu tư, ban quản trị, chủ sở hữu, rõ từng
nội dung, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, giải pháp thực hiện.
Trong lộ trình thực hiện nêu rõ vướng mắc cụ thể của từng tòa nhà,
trách nhiệm và thời gian giải quyết. UBND các phường có trách nhiệm nắm
bắt nguy cơ phức tạp tại các nhà chung cư; các mâu thuẫn phát sinh giữa
chủ đầu tư, ban quản trị, chủ sở hữu và người sử dụng để hòa giải, giải
quyết kịp thời. UBND phường là đầu mối giải quyết các mâu thuẫn, kiến
nghị giữa các bên liên quan trong công tác tổ chức hội nghị nhà chung
cư; việc phân định, quản lý, sử dụng phần sở hữu chung, riêng của tòa
nhà; việc bàn giao hồ sơ nhà chung cư, quyết toán và bàn giao kinh phí
bảo trì… Trường hợp vượt thẩm quyền, tổng hợp báo cáo đề xuất UBND quận
giải quyết theo quy định. Ðối với chủ đầu tư, có trách nhiệm phối hợp
chặt chẽ với UBND phường trong quản lý, vận hành nhà chung cư; nếu xảy
ra tranh chấp, khiếu nại của người dân thì phải tổ chức đối thoại , khẩn
trương và chủ động giải quyết dứt điểm, không để xảy ra khiếu kiện đông
người, vượt cấp.
Quan điểm thống nhất là, địa phương, đơn vị nào để xảy ra phức tạp,
thuộc trách nhiệm của mình mà không giải quyết, người đứng đầu phải chịu
trách nhiệm. Theo Chủ tịch UBND phường Thượng Ðình Phạm Thanh Nam, cách
làm này huy động cả hệ thống cùng giải quyết vấn đề đang đặt ra; đồng
thời nâng cao năng lực của đội ngũ, nhất là cán bộ ở cơ sở. Áp sát công
việc vừa để rèn luyện kỹ năng, tinh thần trách nhiệm, phát huy năng lực,
sở trường, vừa là cơ sở đánh giá năng lực công bằng, và quan trọng là
tạo chuyển động đồng bộ cho cả hệ thống, khắc phục tình trạng quan liêu,
đùn đẩy trách nhiệm.
Từ kinh nghiệm của Ðảng ủy phường Phúc Xá, Bí thư Ðảng ủy Trần Thị Tố
Tâm cho rằng, nghị quyết đúng, tổ chức bài bản nhưng vẫn không thể
thiếu kiểm tra, giám sát. Việc kiểm tra được thực hiện thông qua hoạt
động của HÐND, ủy ban kiểm tra (UBKT) cấp ủy,… Nội dung kiểm tra cần
được cân nhắc, tránh trùng lặp, dàn trải. Mỗi chi bộ kiểm tra một chuyên
đề tùy vào đặc điểm mà thực tế chi bộ đặt ra; thực hiện kiểm tra chéo
giữa các chi bộ khi thực hiện cùng một nội dung do Ðảng ủy phường chỉ
đạo. Quá trình kiểm tra cũng là giải pháp nhận rõ được năng lực của cấp
ủy. Sau vụ việc "bảo kê" xảy ra tại chợ Long Biên, Ðảng ủy phường yêu
cầu tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh - trật tự địa bàn, nhất là
khu vực chung quanh chợ. Theo đó, UBND phường, Công an phường và Ban
quản lý chợ siết chặt quy chế phối hợp đã ký, khi phát sinh vấn đề phức
tạp, kịp thời báo cáo UBND quận để có giải pháp xử lý.
Ðiểm lại quá trình hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII
của Ðảng và Nghị quyết lần thứ 16 Ðảng bộ thành phố, nhìn trên tổng thể,
Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, đối với một số nghị
quyết của Trung ương, Thành ủy không ban hành thêm chương trình mà xây
dựng kế hoạch thực hiện luôn, trên cơ sở cân nhắc kỹ, thận trọng, việc
gì làm được ngay, việc gì cần nghiên cứu thêm, không làm theo phong
trào. Hà Nội được Trung ương đánh giá có cách làm sáng tạo, mạnh dạn
trong thực hiện một số nghị quyết của Trung ương, như nghị quyết về sắp
xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hoạt động hiệu lực,
hiệu quả.
Trong công tác cán bộ, nhất là công tác đánh giá, phân loại chất
lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên có nhiều điểm mới, theo tiêu chí
định lượng, đa chiều và thường xuyên. Hà Nội là địa phương đi đầu trong
đánh giá, phân loại chất lượng đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành
ủy; trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quán triệt rõ quan điểm học đi đôi
với hành, dành thời gian thỏa đáng trao đổi kinh nghiệm hay, cách làm
mới, thảo luận các chuyên đề thực tế… Song song đổi mới công tác cán bộ,
Thành ủy tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm
thể hiện không có vùng cấm, với 2.054 đảng viên bị kỷ luật từ đầu nhiệm
kỳ, trong đó có những đảng viên đương chức thuộc diện Ban Thường vụ
Thành ủy quản lý… Ðồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ,
buộc cán bộ, công chức phải tự học hỏi, cập nhật, ai không theo kịp sẽ
phải điều chuyển công tác khác.
Về thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Hà Nội, bên cạnh những nghị
quyết đã trở thành thực tiễn cuộc sống, thì vẫn còn một số nghị quyết
chưa thật sự hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và mục tiêu nghị
quyết đặt ra, như Nghị quyết số 08 về công tác bồi thường, hỗ trợ tái
định cư, hay Nghị quyết số 11 về bảo vệ môi trường… Ðây tiếp tục là
những việc khó, không thể giải quyết trong ngắn hạn, đòi hỏi sự kiên
trì, chủ động, tập trung sáng tạo hơn nữa của các cấp, ngành, địa
phương, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, cùng sự đồng tâm hiệp lực
của mỗi người dân. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng bộ máy công vụ hoạt
động hiệu lực, hiệu quả, hết lòng phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân;
góp phần giữ vững thương hiệu Thành phố vì hòa bình, hướng tới Thành phố
sáng tạo, đô thị thông minh, xứng tầm vị trí Thủ đô trong tiến trình
hội nhập./.