Thứ Bảy, 23/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ Nhật, 11/8/2019 7:58'(GMT+7)

Thực tiễn là gốc rễ

Thực hiện nghị quyết của Thành ủy, Hà Nội đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. (Trong ảnh: Trải nghiệm trò chơi dân gian truyền thống tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Mỹ Hà)

Thực hiện nghị quyết của Thành ủy, Hà Nội đã phát triển nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. (Trong ảnh: Trải nghiệm trò chơi dân gian truyền thống tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Mỹ Hà)

CHỌN TRÚNG VẤN ĐỀ VÀ VIỆC CẦN LÀM NGAY

Câu hỏi thường được đặt ra đối với cấp ủy các cấp là làm sao để đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Để trả lời, có lẽ cần xem nghị quyết đó có bắt nguồn từ cuộc sống, đáp ứng vấn đề cuộc sống đang đặt ra hay không, nghĩa là cấp ủy có chọn đúng, trúng vấn đề?

Nhớ lại sự kiện xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, nhiều cấp ủy cho rằng, đó là bài học sâu sắc về nắm bắt và giải quyết vấn đề phát sinh từ cơ sở. Đây chính là lý do căn bản để ngay sau đó, ngày 4/7/2017, Thành ủy Hà Nội xây dựng và ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP. Hà Nội” (Nghị quyết 15), cùng với Chỉ thị 15-CT/TU (Chỉ thị 15) ban hành trước đó về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã tạo đột phá nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Đây là những văn bản chỉ đạo của Thành ủy được cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao về tính thực tế, thời sự, đồng thời xác định rõ những việc cần làm ngay phù hợp điều kiện, tình hình.

Nghị quyết 15 được ban hành từ kết quả khảo sát thực tế trên toàn địa bàn, với 584 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) xã, phường, thị trấn, trong giai đoạn nhiệm vụ chính trị của Thủ đô đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với chất lượng hoạt động của TCCSĐ nói chung, nhất là tại các xã, phường, thị trấn. Hơn 200 vụ việc ở cấp cơ sở tiềm ẩn nguy cơ gây điểm nóng đã được đưa vào danh sách của Thành ủy để theo dõi và có biện pháp, lộ trình giải quyết, ngăn chặn diễn biến thành điểm nóng. Cấp quận, huyện và cơ sở đều tự rà soát địa bàn và có kế hoạch khắc phục yếu kém theo thẩm quyền. Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến người dân khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp là do vấn đề họ quan tâm không được giải quyết thỏa đáng, tích tụ thành bức xúc.

Nhiều vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ sở, lẽ ra có thể giải quyết ngay từ cơ sở nhưng đã không được xử lý hoặc xử lý không dứt điểm. Sau khi triển khai, Thành ủy đã sáp nhập hai ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 thành một Ban chỉ đạo, phân công đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn làm Trưởng ban, cho thấy quyết tâm của Thành ủy đối với vấn đề vừa có tính cấp thiết, vừa lâu dài. Kết quả thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 luôn là điểm nhấn trong các báo cáo công tác xây dựng Đảng của các cấp ủy, tỏ rõ sự vận hành đồng bộ từ thành phố đến cơ sở trong giải quyết các vụ việc nổi cộm trên địa bàn. Sơ kết hai năm thực hiện Nghị quyết 15, hai phần ba trong số hơn 200 vụ việc phức tạp đã được xử lý có chất lượng và đúng tiến độ.

Bí thư Đảng ủy phường Phúc Xá (quận Ba Đình) Trần Thị Tố Tâm cho rằng, Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 là những văn bản chỉ đạo của Thành ủy rất có ý nghĩa đối với cấp ủy từ cơ sở, đáp ứng đòi hỏi đặt ra từ cuộc sống. Thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 buộc cả hệ thống chính trị phải chuyển động, vào cuộc quyết liệt giải quyết những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền, trách nhiệm ngay từ cấp mình. Tại Phúc Xá, Đảng ủy phường luôn chọn những vấn đề phát sinh, cần sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy để ban hành các nghị quyết chuyên đề. Đây là địa bàn nằm ngoài đê sông Hồng, có chợ đầu mối Long Biên nằm trên địa phận thu hút số lượng lớn lao động tự do từ khắp nơi, tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự và môi trường khu dân cư.

Hướng về cơ sở, trong hai năm qua, Đảng ủy phường đã ban hành sáu nghị quyết chuyên đề gắn với giải quyết những vấn đề dân sinh phức tạp, sắp xếp hoạt động kinh doanh thủy hải sản tại ngõ 187 Hồng Hà; tháo dỡ lều lán công trình lấn chiếm ven sông Hồng, xây dựng tuyến phố văn minh đô thị; triển khai con đường dân sinh dài gần 2 km dọc bờ sông để chống lấn chiếm, ngăn ngừa tệ nạn... Sự vào cuộc đồng bộ từ phường đến tổ dân phố trong thực hiện nghị quyết được người dân đồng tình; nhiều năm qua, trên địa bàn không xảy ra điểm nóng.

Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy về phát triển du lịch Thủ đô sau ba năm đi vào đời sống đã minh chứng hướng đi đúng và quyết tâm của Thành ủy nhằm tạo cú “huých” trong đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch. Nghị quyết ra đời sau khi đánh giá kết quả hơn chín năm thực hiện Đề án phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2007 - 2015 của Thành ủy (khóa 14) với bước chuyển đáng kể. Tuy nhiên, kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Dự báo xu thế phát triển và hội nhập mang lại cơ hội lớn và thách thức không nhỏ cho ngành du lịch, Thành ủy đã đặt ra “đề bài” phát triển du lịch Hà Nội thành ngành kinh tế mũi nhọn, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, các cấp ngành và người dân cùng chung trách nhiệm.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, với mục tiêu, tạo đột phá cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính bền vững, Nghị quyết số 06 đã có sự cộng đồng trách nhiệm, tập trung trí tuệ ngay từ khi khảo sát, xây dựng dự thảo, lấy ý kiến của nhiều thành phần đến khi triển khai. Nghị quyết không chỉ tác động cấp ủy, chính quyền mà người dân cũng nhận thấy phần trách nhiệm khi nghị quyết yêu cầu xây dựng phong trào “Mỗi người dân Thủ đô là một hướng dẫn viên du lịch”. Tính đến tháng 6-2019, mức tăng bình quân khách du lịch đạt 10,2%/năm, hoàn thành vượt chỉ tiêu về tốc độ tăng trung bình từ 8 đến 10%/năm. Với mức độ tăng trưởng hơn 2 triệu lượt khách mỗi năm, dự kiến đến năm 2020, ngành du lịch sẽ hoàn thành chỉ tiêu 30 triệu lượt khách du lịch đến Hà Nội. Điều đáng nói là số lượng khách du lịch quốc tế đã về đích trước hai năm so chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

KHẢO SÁT KỸ, KHẢ THI CAO

Mỗi nghị quyết được ban hành thể hiện tầm nhìn, tư duy và sự trăn trở của cấp ủy. Vấn đề là để nghị quyết có tính khả thi cao cần hội tụ trí tuệ của nhiều thành phần với cách làm bài bản. Bên cạnh đó, quá trình khảo sát trước khi xây dựng dự thảo có đóng góp quan trọng, giúp nâng cao tính khả thi của nghị quyết. Khảo sát càng kỹ, sẽ càng chỉ rõ ưu điểm cần phát huy, hạn chế, yếu kém cần khắc phục, đồng thời, nâng cao nhận thức trách nhiệm và tạo áp lực buộc các cấp, ngành, cơ quan chức năng cùng vào cuộc ngay từ khi nghị quyết chưa ban hành.

Một trong những yếu tố đặt nền tảng thúc đẩy thực hiện hiệu quả Nghị quyết 15, đó là quá trình khảo sát được các cấp ủy chỉ đạo sắc nét trong toàn hệ thống chính trị. Qua việc rà soát, thống kê, xác định mức độ, tính chất các vụ việc để cấp ủy có đánh giá tổng thể, từ đó đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết. Hơn 200 vụ việc phức tạp tại 164 xã, phường, thị trấn theo Báo cáo 102 của Ban Tổ chức Thành ủy đều được xác định rõ, trong đó, 83 vụ việc trong lĩnh vực quản lý đất đai (chiếm 41,5%), 55 vụ việc liên quan công tác giải phóng mặt bằng (27,5%) và 26 vụ việc liên quan quản lý trật tự xây dựng (13%)...

Các quận, huyện, thị xã cũng đã rà soát, phân loại vụ việc để có giải pháp phù hợp, vụ việc nào làm trước, làm ra sao, vụ việc nào cần thêm thời gian, thời gian bao lâu, đều được làm rõ. Qua khảo sát cho thấy, các nhóm nội dung cần quan tâm củng cố, đó là: nguyên tắc tập trung dân chủ; năng lực của người đứng đầu; năng lực tham mưu của cấp phó và bộ phận giúp việc; mối quan hệ phối hợp công tác và vấn đề đoàn kết nội bộ… Mấu chốt vẫn là đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt. Do đó, kiên quyết thay thế cán bộ yếu kém là một trong những giải pháp được các cấp ủy thực hiện nghiêm túc song hành với giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và tăng cường kiểm tra, xử lý cán bộ vi phạm.

Mới đây, vấn đề quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư ngày càng cho thấy nhiều bất cập, trở thành vấn đề “nóng” trong các cuộc tiếp xúc cử tri, đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Tại nhiều tòa nhà, từ khu chung cư thương mại giá rẻ như Đại Thanh (Thanh Trì), CTM 299 Cầu Giấy đến chung cư cao cấp như Keangnam… đều đã xảy ra tình trạng tụ tập khiếu kiện đông người. Điển hình là cuối năm 2018, 400 hộ dân khu chung cư Hapulico (quận Thanh Xuân) đã gửi kiến nghị đến ban quản trị tòa nhà nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Nhiều cư dân tập trung đòi quyền lợi dẫn đến xô xát với bảo vệ tòa nhà. Tại quận Thanh Xuân, qua khảo sát tính đến tháng 3-2019, đã có 70 khu với 97 tòa nhà đưa vào sử dụng, với tổng số gần 20.200 căn hộ. Trong đó, mới có 80 tòa nhà thành lập ban quản trị, chỉ 28 trong số 80 tòa phân định được diện tích chung, riêng, 35 tòa đang thực hiện, 19 tòa không có phòng sinh hoạt cộng đồng…

Quá trình khảo sát tổng thể trên toàn thành phố đã chỉ ra vô số bất cập. Những vướng mắc trong tổ chức hội nghị nhà chung cư; tranh chấp sở hữu chung - riêng, khiếu kiện trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư còn khá phổ biến. Việc thành lập và kiện toàn tổ dân phố, chi bộ đảng, ban công tác mặt trận và các chi hội đoàn thể đồng bộ với việc hình thành các nhà chung cư, khu chung cư còn chưa kịp thời; ứng xử của một số cộng đồng dân cư và một số cá nhân còn thiếu chuẩn mực, không tuân thủ quy định của pháp luật... Đây là cơ sở để tháng 6 vừa qua, Thành ủy ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.

Với sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết khẳng định xu thế hợp lý và tất yếu của việc xây dựng các khu chung cư trong quá trình phát triển, đồng thời xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp; của chủ đầu tư và người mua nhà; sự phối hợp giữa các bên liên quan và vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội để khắc phục những vấn đề phát sinh. Trước khi có nghị quyết của Thành ủy, một số địa phương như quận Thanh Xuân đã chủ động triển khai chuyên đề về công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư. Với Nghị quyết số 26 của Thành ủy, vấn đề được đặt ra ở mức độ cao hơn, đồng bộ hơn với kỳ vọng sẽ khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập hiện nay.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, nét mới của Hà Nội là tám chương trình công tác thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ này được xây dựng và ban hành rất sớm, chỉ sáu tháng sau Đại hội XII của Đảng. Căn cứ vào các chương trình đó, các cấp, ngành, Ban Cán sự đảng UBND, Đảng đoàn HĐND, MTTQ và các đoàn thể xây dựng kế hoạch thực hiện, các đề án chuyên sâu. Các đảng bộ quận, huyện và tương đương căn cứ vào đó cụ thể hóa thành chương trình của cấp mình, gắn đặc điểm của từng địa phương, đơn vị.

Có địa phương, đơn vị lồng ghép các chương trình, tùy theo điều kiện, đặc thù, không phải trên có gì, dưới sao chép lại. Quá trình chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nếu phát sinh vấn đề cần tập trung chỉ đạo thống nhất, đồng bộ trên toàn thành phố, mà các Nghị quyết của Trung ương, của Thành ủy chưa bao trùm được, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ sẽ xem xét ban hành Nghị quyết chuyên đề. Tuy nhiên, việc ban hành nghị quyết được tiến hành theo phương châm có trọng tâm, trọng điểm, không ban hành quá nhiều nghị quyết để tránh dàn trải, thiếu tập trung, và thường ban hành ở giai đoạn nửa đầu nhiệm kỳ. Nửa sau nhiệm kỳ sẽ dồn sức thực hiện cho hiệu quả và chỉ ban hành nghị quyết đối với những vấn đề thật cấp thiết./.

(Còn nữa)

Tiểu Phương-Hoàng Yến (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất