Thứ Bảy, 23/11/2024

Sửa đổi Pháp lệnh Người có công nhằm bám sát thực tiễn đời sống

1. Cho đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công (NCC) với cách mạng cơ bản đã hoàn thành. Đã có trên 9 triệu người, trong đó, có trên 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận. Nhiều chế độ ưu đãi được bổ sung so với trước, như chế độ trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống tại gia đình; chế độ trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống tại gia đình; chế độ thờ cúng liệt sĩ,… theo ngân sách Nhà nước hằng năm là trên 30.000 tỷ đồng. Hằng năm, Chủ tịch nước cũng dành gần 1.000 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ.

Cùng với nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi đối với NCC với cách mạng từ ngân sách Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được duy trì và tiếp tục phát huy từ Trung ương đến địa phương. Hằng năm, hàng nghìn tỷ đồng dành để tặng sổ tiết kiệm; xây, sửa nhà tình nghĩa; 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được phụng dưỡng. Đến nay, cả nước có 98% số hộ NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú, 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, xem xét, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận NCC tồn đọng (liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) trên toàn quốc; đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận gần 1.900 liệt sĩ. Đồng thời, đã tổ chức trao Bằng Tổ quốc ghi công tới thân nhân liệt sĩ. Đặc biệt, trong số liệt sĩ được công nhận có những trường hợp hy sinh đã mấy chục năm nhưng do không còn thân nhân cùng nhiều yếu tố khác nay mới được công nhận và trao bằng Tổ quốc ghi công; xác nhận trên 2.500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đối với những hồ sơ không đủ điều kiện, kết luận các cơ quan chức năng đã rà soát và và giải thích thấu đáo đối với đối tượng riêng.

Một trong những công việc quan trọng được Ðảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan xác định là đến năm 2020 sẽ phấn đấu giải quyết căn bản các hồ sơ đề nghị công nhận là thương binh, liệt sĩ tồn đọng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao, thực chất công tác chăm lo NCC với đất nước. Ðây là một công việc khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm của Ðảng, Nhà nước nói  riêng và cả hệ thống chính trị nói chung. 

Các chế độ ưu đãi được quy định đối với từng diện đối tượng NCC bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, đảm bảo mức sống của NCC và thân nhân. Bên cạnh đó, NCC và thân nhân còn được hưởng các ưu đãi khác: về đất ở, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, cấp phương tiện chỉnh hình, phục hồi chức năng, bảo hiểm y tế, giáo dục đào tạo, tín dụng... 

Để NCC không bị thiệt thòi, được thụ hưởng kịp thời các chính sách, một trong những mục tiêu quan trọng cần thực hiện tốt là tập trung hoàn thiện pháp luật ưu đãi NCC với cách mạng. Vận động, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động ưu đãi NCC với cách mạng, qua đó tạo thêm nguồn lực thực hiện các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ NCC. Các quy định của pháp luật về nội dung này cần được xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước. Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ gia đình chính sách cần được tổ chức có hiệu quả thực chất, có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, tránh hình thức, dẫn đến mất công bằng, băn khoăn trong nhân dân. Trong tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, cần công khai, cụ thể, bảo đảm đúng, đầy đủ đối tượng thuộc diện thụ hưởng. 

Trong 72 năm qua, cùng với việc nghiên cứu, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi người có công, Bộ LĐ-TB&XH luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác rà soát với nhiều hình thức như: tổ chức các đợt rà soát trên diện rộng hoặc rà soát ở phạm vi hẹp với từng nhóm đối tượng, từng khu vực, địa phương cụ thể; đồng thời khuyến khích các cơ quan, đoàn thể và quần chúng nhân dân phát hiện, đề xuất giải quyết chế độ đối với NCC chưa được hưởng chính sách. Qua đó, thực hiện được mục tiêu mọi NCC đều được hưởng ưu đãi của Đảng và Nhà nước, đồng thời thấy rõ những vấn đề còn bất cập của chính sách, phát hiện các tiêu cực trong việc xét duyệt và thực hiện chế độ ưu đãi NCC.

 

Việc xây dựng và ban hành Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi) là cần thiết. Việc sửa đổi toàn diện để thay thế Pháp lệnh hiện hành nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Pháp lệnh, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng; đồng thời sẽ tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, đảm bảo công bằng, hợp lý, tạo sự đồng thuận cao của xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC và thân nhân của họ.

2. Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, NCC giúp đỡ cách mạng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 29-8-1994 là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm thể hiện trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội trong việc quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần NCC và gia đình NCC. Từ đó đến nay, Pháp lệnh đã được sửa đổi qua các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và được đổi tên thành Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua từng thời kỳ.

Đến thời điểm hiện nay, công tác thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng tiếp tục đặt ra các yêu cầu mới, đòi hòi cần tiếp tục hoàn thiện. Thực tiễn thi hành Pháp lệnh đang bộc lộ một số vướng mắc, bất cập sau đây:

Một là, khái niệm về các diện đối tượng NCC chưa được làm rõ về điều kiện, tiêu chí mức độ cống hiến, đóng góp, hy sinh; chưa quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chưa có một khái niệm chung thế nào là “NCC với cách mạng”.

Chính sách ưu đãi NCC với cách mạng luôn chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta. Khởi đầu từ Sắc lệnh số 20/SL ngày 16-2-1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về: “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sỹ”- với 3 đối tượng và 2 chính sách, hệ thống chính sách từng bước được hoàn thiện, đối tượng ưu đãi liên tục được mở rộng. Hiện nay là 12 đối tượng, 5 nhóm chính sách, cơ bản các đối tượng NCC với cách mạng đã được bao phủ. 

Do các quy định còn chưa rõ ràng nên thực tiễn thời gian qua, đã có nhiều trường hợp khai man, gian lận, làm giả hồ sơ NCC để “trục lợi” chính sách ưu đãi. Những người không đúng đối tượng vẫn được hưởng chính sách, những người đúng đối tượng nhưng lại chưa được giải quyết do thiếu hồ sơ, giấy tờ gây bức xúc trong dư luận xã hội, phát sinh tình trạng đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Một số quy định của pháp luật đã tạo “kẽ hở” cho các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi hối lộ, tham nhũng, làm sai, làm giả hồ sơ vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân.

Hai là, chưa có quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: mới chỉ giới hạn trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; chưa giải quyết chế độ đối với người bị địch bắt tù sau 30-4-1975 tại chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ... Quy định của Pháp lệnh về điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh trong thời chiến quá hẹp và ngược lại điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận bệnh binh trong thời bình quá rộng, không còn phù hợp với thực tiễn. Dó đó, dẫn đến tình trạng thiếu công bằng, chưa hợp lý trong việc công nhận và trong việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC.

Ba là, một số quy định về chế độ ưu đãi NCC với cách mạng và thân nhân của NCC chưa bảo đảm cân đối giữa các diện đối tượng, như: chưa quy định chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; chưa quy định trợ cấp một lần đối với thân nhân của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, NCC giúp đỡ cách mạng được truy tặng hoặc đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi…

Bốn là, vấn đề huy động nguồn lực thực hiện công tác chăm sóc NCC (tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới cơ chế chính sách, huy động nguồn lực xã hội) và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” những năm gần đây có xu hướng giảm. Nhà nước chưa có chính sách ưu tiêu, khuyến khích đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện huy động nguồn lực, phong trào đền ơn đáp nghĩa chưa thực sự phát triển.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi Pháp lệnh sẽ góp phần huy động sự tham gia đóng góp tích cực hơn nữa của xã hội, của các tổ chức, cá nhân để cùng với Nhà nước chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho NCC với cách mạng và thân nhân của NCC; xác định cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên NCC với cách mạng và gia đình vươn lên phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng tại nơi cư trú, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xuất phát từ thực tiễn đó, Bộ LĐ-TB&XH đã dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi) với các mục tiêu, quan điểm rõ ràng, cụ thể, bám sát thực tiễn đời sống xã hội.

Thứ nhất, bảo đảm công khai, minh bạch trong công nhận và tôn vinh NCC với cách mạng, với đất nước. Chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn công nhận NCC trong thời chiến và thời bình, đảm bảo xác định đúng đối tượng, không để sót đối tượng, khắc phục tình trạng lọt đối tượng và lợi dụng chính sách ưu đãi NCC để trục lợi.

Thứ hai, bảo đảm nguyên tắc cống hiến và công bằng trong thực hiện chế độ ưu đãi người có công. Rà soát, tính toán và cân đối các mức trợ cấp, phụ cấp để đảm bảo tương quan với mức độ đóng góp, hy sinh của từng nhóm đối tượng; đồng thời bổ sung các chế độ chính sách còn chưa được ghi nhận trong Pháp lệnh hiện hành.

Thứ ba, kế thừa và nâng tầm hiệu lực pháp lý các quy định của pháp luật ưu đãi NCC hiện hành vẫn còn phù hợp.

Thứ tư, bảo đảm tính khả thi trong việc giải quyết hồ sơ xác định đối tượng NCC với cách mạng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng giai đoạn lịch sử cách mạng, từng thời kỳ kháng chiến, từng vùng miền trong kháng chiến. Xác định quy trình, thủ tục khả thi công nhận đối tượng NCC thời chiến khi không còn giấy tờ gốc.

Thứ năm, kết hợp việc bố trí tăng ngân sách nhà nước với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác NCC với cách mạng; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác chăm sóc NCC. Ðẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện công tác NCC với cách mạng. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với NCC với cách mạng./.

PHẠM QUÝ TRỌNG

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất