Cao Thượng là một trong những xã khó khăn
nhất của huyện Ba Bể. Tại sáu thôn vùng thấp, gồm: Khuổi Tăng, Pù
Khoang, Khuổi Tầu, Bản Phướng, Cốc Kè, Phja Khính có gần 50 ha đất ruộng
nhưng nhiều năm liền không có nước tưới ổn định, chỉ sản xuất một vụ,
đời sống người dân vì vậy gặp rất nhiều khó khăn. Từ nguồn vốn Chương
trình 30a, huyện đã đầu tư hơn 11 tỷ đồng xây dựng công trình thủy lợi
đập, kênh mương nội đồng Bản Phướng dài hơn 5 km chạy qua cánh đồng,
phục vụ tưới tiêu cho đất sản xuất hai vụ/năm.
Chủ tịch UBND xã Cao
Thượng Vy Thiệu Doãn cho biết, công trình thủy lợi đưa vào hoạt động đã
khắc phục tình trạng thiếu nước, giúp người dân sản xuất ổn định hai vụ
lúa trong năm, bảo đảm cung cấp đủ lương thực, từ đó, từng bước mở rộng
phát triển kinh tế, giúp thoát nghèo bền vững…
Theo Chương trình 30a, trong 10 năm qua, huyện Pác Nặm đã được đầu
tư, và nhận sự hỗ trợ từ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn
Bảo Việt hơn 290 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, xây dựng 91 công trình,
huyện Ba Bể được đầu tư hơn 374 tỷ đồng xây dựng hơn 120 công trình.
Nhờ
nguồn vốn này, đến nay, ở Ba Bể và Pác Nặm, tất cả các xã có trường
học, trung tâm học tập cộng đồng; năm trong số 36 xã có cơ sở vật chất
trường học đạt chuẩn nông thôn mới; tất cả các xã có đường ô-tô đi lại
thuận tiện; gần 70% số thôn, bản cứng hóa giao thông; 95% số dân sử dụng
điện lưới quốc gia và nước hợp vệ sinh; 100% số xã có trạm y tế đạt
chuẩn quốc gia. Riêng huyện Ba Bể đã có hai xã Cao Trĩ và Hà Hiệu đạt
chuẩn nông thôn mới.
Bắc Cạn đã tập trung chỉ đạo các huyện 30a thực hiện tốt việc hỗ trợ
phát triển sản xuất để cải thiện sinh kế bền vững cho người dân. Cả hai
huyện Ba Bể, Pác Nặm đều sử dụng nguồn vốn Chương trình 30a có trọng
tâm, trọng điểm, gắn với tiềm năng, thế mạnh nông, lâm nghiệp. Riêng
giai đoạn từ năm 2016 đến 2018, chương trình đã hỗ trợ 137 dự án phát
triển sản xuất, đa dạng hóa phương thức sản xuất, nhân rộng 20 mô hình
giảm nghèo.
Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ba Bể Nông Quốc Thụy cho biết,
huyện xác định những cây trồng, vật nuôi có thế mạnh là rau bò khai,
dong riềng, hồng không hạt, bí xanh thơm, chăn nuôi trâu, bò… Thông qua
hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ theo nhóm hộ không chỉ giúp người dân thoát
nghèo mà còn tạo được sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương.
Điển
hình như gia đình anh Dương Văn Biên, thôn Nà Đúc, xã Địa Linh có gần 1
ha đất ruộng, canh tác lúa nhưng thu nhập thấp. Được hỗ trợ giống, cán
bộ kỹ thuật Chương trình 30a cầm tay, chỉ việc, gia đình anh Biên chuyển
đổi sang trồng bí xanh thơm. Cây bản địa được chăm sóc đúng kỹ thuật,
phát triển tốt, cho năng suất cao, thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm, gấp
gần 10 lần trồng lúa.
Gia đình chị Dương Thị Hửa, cũng ở thôn Nà Đúc,
trồng bí xanh thay lúa cho thu nhập cao gấp nhiều lần trên đất ruộng,
giá bán bình quân 10 đến 20 nghìn đồng/kg. Chị Hửa cho biết, hiện tại bí
xanh được bán nhiều ra các tỉnh cho nên người dân rất phấn khởi.
Đến
nay, toàn huyện Ba Bể đã phát triển được gần 20 ha bí xanh thơm, sản
lượng mỗi năm đạt trung bình gần 6.000 tấn. Từ hỗ trợ phát triển sản
xuất theo Chương trình 30a, Ba Bể hình thành, xây dựng được bốn sản phẩm
tham gia chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” được đánh giá ba
sao cấp tỉnh, gồm: thịt trâu khô Hoàng Huynh, rau bò khai, rượu Suối
nguồn và lạp xưởng.
Để phát huy lợi thế địa phương có diện tích rộng, có điều kiện chăn
thả gia súc, huyện Pác Nặm tập trung sử dụng vốn Chương trình 30a hỗ trợ
người dân đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc. Huyện hỗ trợ thức ăn chăn
nuôi, mua trâu, bò giống cho 1.694 hộ nghèo và cận nghèo; thực hiện 47
dự án cải tạo đàn trâu, bò sinh sản, 23 dự án vỗ béo trâu, bò với gần
1.000 hộ dân tham gia…
Được hỗ trợ giống, cỏ, hướng dẫn kỹ thuật vỗ béo,
chỉ nuôi từ ba đến bốn tháng, mỗi con trâu, bò xuất bán, người dân lãi
từ hai đến ba triệu đồng. Riêng thôn Bản Đính, xã Nghiên Loan, có hơn 30
hộ chăn nuôi theo hình thức này, mỗi năm thu nhập bình quân từ 50 đến
100 triệu đồng/hộ. Nuôi vỗ béo trâu, bò trở thành phong trào ở Pác Nặm,
mang lại thu nhập gần 100 tỷ đồng/năm.
Nhờ thực hiện hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình 30a, đời sống người
dân ở hai huyện Ba Bể và Pác Nặm đổi thay rõ rệt. Nếu như đầu năm 2009,
tỷ lệ hộ nghèo của hai huyện là hơn 51% (theo chuẩn nghèo đơn chiều),
đến cuối năm 2018 đã giảm xuống còn 30,31% (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp sáu lần từ ba triệu đồng/người/năm
lên 18 triệu đồng/người/năm. Số lao động nông thôn qua đào tạo đạt hơn
17%; tất cả số cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, thôn được tập huấn
kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương
trình, dự án; 100% số hộ dân được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính
sách, kinh nghiệm sản xuất…
Đến nay, huyện Ba Bể được Chính phủ phê
duyệt ra khỏi danh sách các huyện nghèo nhất cả nước.
Mặc dù đạt nhiều kết quả ban đầu quan trọng nhưng quá trình thực hiện
Chương trình 30a ở Bắc Cạn cũng còn những bất cập. Thí dụ, các chính
sách chủ yếu dành cho hộ nghèo thu nhập thấp còn ít hướng tới hộ nghèo
đa chiều; còn lúng túng trong lựa chọn mô hình phát triển sản xuất thật
sự phù hợp từng địa phương; một bộ phận người dân vẫn trông chờ, ỷ lại
vào hỗ trợ của Nhà nước…
Do vậy, Bắc Cạn đang tập trung đẩy mạnh công
tác tuyên truyền; xem xét tăng cường cán bộ về huyện nghèo, xã nghèo;
tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời nhân rộng mô hình hay, tháo gỡ
khó khăn, giúp người dân phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.