Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban
hành, triển khai nhiều chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng sinh
hoạt của các loại hình chi bộ. Các cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo
việc đổi mới sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ theo hướng giữ vững kỷ
cương, phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng. Các chi bộ đưa nội dung tự
phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, khóa XII,
gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị trong sinh hoạt định
kỳ. Cấp ủy phát huy vai trò, trí tuệ đảng viên thảo luận và quyết định
các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ. Những tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ)
còn hạn chế, yếu kém có chương trình, thời gian khắc phục cụ thể. Cấp ủy
coi trọng khâu giám sát cam kết tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng
viên.
Thời gian qua, các cấp ủy tỉnh Thanh Hóa xác định nâng cao chất lượng
sinh hoạt đảng ở khu dân cư là trọng tâm công tác. Ban Thường vụ Tỉnh
ủy ban hành quy định trách nhiệm cấp ủy viên cấp trên dự sinh hoạt định
kỳ với chi bộ cơ sở. Theo đó, mỗi năm đã có hàng nghìn lượt cấp ủy viên
các cấp về dự sinh hoạt chi bộ nơi cư trú và tổ chức đảng được phân công
phụ trách.
Công tác phát triển đảng viên được đặt đúng vị trí là nhiệm vụ chính
trị, là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại TCCSĐ cuối năm. Từ
đầu nhiệm kỳ đến nay, với sự nỗ lực của từng TCCSĐ, toàn Đảng bộ tỉnh đã
kết nạp được 34.553 đảng viên mới.
Với địa bàn đặc thù, vùng biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số,
Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh
giúp đỡ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự
an toàn xã hội. Tỉnh triển khai kế hoạch đưa đảng viên là bộ đội biên
phòng, công an, bộ đội địa phương, cán bộ huyện, xã về củng cố, kiện
toàn, thành lập các chi bộ Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội tại
các địa phương vùng sâu, vùng xa. Tỉnh sửa đổi, hoàn thiện, ban hành chế
độ, chính sách đối với cán bộ thôn, bản và chính sách đãi ngộ đặc thù
với hàng trăm già làng, trưởng bản tại 15 xã biên giới và vùng đồng bào
dân tộc thiểu số. Với 53 bản đồng bào Mông, tỉnh ưu tiên đầu tư các công
trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu nhằm cải thiện đời sống người
dân. Các cấp ủy coi trọng chăm lo xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ là
con em đồng bào.
Đối với địa bàn các xã, phường ven biển, đảng viên thường đi làm ăn
xa dài ngày, sinh hoạt đảng phân tán, Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng mô hình
chi bộ phù hợp. Đảng bộ phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, do số đông
đảng viên làm nghề đánh bắt, thu mua hải sản trên biển. Để tạo điều
kiện cho đảng viên bám biển, Đảng ủy phường Quảng Tiến thành lập Chi bộ
Khai thác thủy sản. Hiện nay, chi bộ có bảy đảng viên. Sự ra đời của
loại hình chi bộ này đã tạo môi trường thuận lợi cho hội viên Câu lạc bộ
ngư dân trẻ phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đây là mô hình được
nhân rộng ở nhiều xã ven biển. Nhìn về tổng thể, năng lực lãnh đạo và
sức chiến đấu của TCCSĐ trong toàn Đảng bộ tỉnh được nâng lên, chuyển
biến tích cực.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đến nay, tỉnh đã ban hành nghị
quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền,
đoàn thể xây dựng đề án, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện, tạo
chuyển biến tích cực từ cơ sở về đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lãnh
đạo, quản lý của tỉnh. Toàn tỉnh đã cử đi đào tạo cao cấp và cử nhân
chính trị 2.757 người; trung cấp lý luận chính trị 13.119 người; bồi
dưỡng cấp ủy huyện 296 người; bồi dưỡng lãnh đạo các ban đảng cấp tỉnh
268 người; bồi dưỡng lãnh đạo các ban đảng cấp huyện 3.663 người; bồi
dưỡng ngạch chuyên viên trở lên 15.500 người. Tỉnh tổ chức bồi dưỡng
nâng cao năng lực quản lý và điều hành cho 58.431 lượt cán bộ, công
chức, viên chức; 17.880 đại biểu HĐND cấp huyện, xã; 19.418 lượt cán bộ,
công chức cấp xã; đào tạo, bồi dưỡng viên chức cho 20.572 lượt người về
chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị.
Thực hiện chủ trương chuẩn hóa, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức ở
cơ sở, tỉnh ban hành chính sách thu hút người có trình độ đại học chính
quy trở lên về công tác tại xã, phường. Hiện, số cán bộ, công chức diện
này là 1.824 người.
Tất cả các cán bộ, công chức cấp xã trong tỉnh đạt chuẩn về văn hóa,
chuyên môn, chính trị. Huyện Thọ Xuân với 274 chi bộ thôn, khu phố,
trong đó, hầu hết bí thư chi bộ khu dân cư là những đảng viên có uy tín,
bản lĩnh chính trị vững vàng; có trình độ, kiến thức cả về chuyên môn
nghiệp vụ, khẳng định được vai trò cùng chi ủy chi bộ lãnh đạo thực hiện
nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tỉnh có cơ cấu cán bộ nữ và trẻ phù
hợp. Trong đó: cán bộ có trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 54%,
trung cấp lý luận trở lên đạt gần 91%. Tỉnh đã triển khai, thực hiện mô
hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cùng
300 mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố. Toàn tỉnh hiện
có 23 địa phương bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã; 1.833
đồng chí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố.
Với gần 2.500 đơn vị sự nghiệp công lập với 60 nghìn cán bộ, viên
chức, người lao động, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số lượng tổ
chức cơ quan, đơn vị công lập và số người trong biên chế hưởng lương lớn
nhất cả nước. Tỉnh đang triển khai chương trình hành động thực hiện
tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu
quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trưởng ban Tổ chức Tỉnh
ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên trao đổi: Mục tiêu của tỉnh là đến năm
2021, giảm ít nhất 250 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập; giảm khoảng
6.000 công chức, viên chức so với năm 2015 và cơ bản chấm dứt số hợp
đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập,
trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính.../.