Giai đoạn 2011-2015, với tổng nguồn vốn trên 309 tỷ đồng từ Chương trình 135, tỉnh Quảng Bình đã đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất... cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Từ đó, diện mạo nông thôn trên địa bàn từng bước thay đổi, đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện.
Quảng Bình là tỉnh nghèo thuộc vùng Bắc Trung bộ, với nhiều dân tộc cùng sinh sống như Kinh, Chứt, Bru-Vân Kiều, Thổ, Nùng, Pa cô, Ca rai...Toàn tỉnh có 44 xã và 27 thôn, bản đặc biệt khó khăn được thụ hưởng Chương trình 135. Tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn là 5.320 hộ. Trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo là 3.366 hộ, chiếm 69,05%; hộ cận nghèo là 441 hộ, chiếm 9,01%.
Ông Hoàng Văn Tân - Phó ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình cho biết: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân, Chương trình 135, giai đoạn 2011-2015 ở Quảng Bình đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, cùng với việc thực hiện tốt Chương trình 135 và các chính sách lồng ghép khác, bộ mặt nông thôn vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một số xã có sự chuyển biến rõ nét như Kim Thủy (huyện Lệ Thủy), xã Trường Xuân và Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa)... Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế, thông tin liên lạc… ở các xã đặc biệt khó khăn. Thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, đồng bào được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị máy móc, công cụ sản xuất... từ đó góp phần nâng cao năng suất và sản lượng, đời sống của đồng bào đã được cải thiện đáng kể.
Đến nay, 100% số xã trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã và các nguồn điện khác chiếm 94,3%, tỷ lệ hộ dùng điện sinh hoạt đạt 84%; tỷ lệ hộ nghèo từ 61,57% năm 2011 giảm còn 21,2% năm 2015...
Có được kết quả trên là do Chương trình 135 tại tỉnh Quảng Bình được thực hiện theo nguyên tắc công khai, dân chủ, phát huy tốt vai trò của chính quyền cơ sở và thu hút sự quan tâm của các tổ chức, đoàn thể và của người dân. Các hợp phần của chương trình được thiết kế tương đối phù hợp với nhu cầu thực tế; xây dựng cơ sở hạ tầng đi đôi với hỗ trợ phát triển sản xuất; nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng...Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư hợp lý, thực hiện lồng ghép, huy động nguồn lực nhằm thực hiện đồng bộ các nội dung của Chương trình 135 như: Nghị quyết 30a, Chương trình nước sạch, kiên cố hoá kênh mương, kiên cố hoá trường học… Qua việc thực hiện lồng ghép, bình quân hàng năm mỗi xã đặc biệt khó khăn được đầu tư, hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn đầu tư lồng ghép của các chương trình, dự án mà cơ sở hạ tầng ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn đã được cải thiện rõ nét. Đồng thời, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân và là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chương trình 135 tại Quảng Bình cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể: nguồn vốn đầu tư của Chương trình còn hạn chế; sự đóng góp của nhân dân còn ít; vấn đề phân bổ vốn còn mang tính bình quân, chưa thực sự ưu tiên bố trí vốn ở mức cao hơn cho các xã đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, công tác quản lý nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế, khó đánh giá được hiệu quả của nguồn vốn; năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn, kỹ thuật của đội ngũ cán bộ tham gia quản lý dự án còn hạn chế; không ít địa phương vẫn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, m ột số chỉ tiêu của Chương trình chưa thể hoàn thành như số hộ nghèo giảm bao nhiêu thì số hộ cận nghèo lại tăng lên tương ứng; các công trình hạ tầng như đường giao thông, thủy lợi, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa… chưa đạt được mục tiêu đề ra. Tỉnh chưa có xã, thôn nào hoàn thành mục tiêu Chương trình 135...
Chương trình 135 có ý nghĩa thiết thực, góp phần cải thiện mạnh mẽ đời sống kinh tế - xã hội của người dân các xã đặc biệt khó khăn và vùng dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Quảng Bình. Để phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình đề nghị Ủy ban Dân tộc tham mưu Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn vốn thực hiện Chương trình; các bộ, ngành liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể cách thức triển khai các dự án thành phần để địa phương có cơ sở thực hiện.../.
Dung Dung/TTXVN