Thứ Tư, 2/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Ba, 14/4/2009 16:35'(GMT+7)

Hiệu quả thiết thực từ những cách làm sáng tạo

Đường giao thông ở thôn Đoài đã được cứng hóa, tạo thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Đường giao thông ở thôn Đoài đã được cứng hóa, tạo thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Phát huy vai trò của dòng họ

Ngay sau lễ phát động thực hiện Cuộc vận động, chi bộ thôn Đoài, xã Bắc Lý, (huyện Hiệp Hoà) với 17 đảng viên đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn dưới nhiều hình thức, như: Đưa nội dung Cuộc vận động, các chuẩn mực đạo đức của Bác vào chương trình sinh hoạt chi bộ định kỳ; kẻ vẽ các khẩu hiệu tại điểm sinh hoạt chi bộ, đồng thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể: Phụ nữ, Đoàn thanh niên, nông dân... tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tích cực hưởng ứng.

Gắn công tác tuyên truyền, học tập với làm theo tấm gương đạo đức của Bác, Chi bộ đã vận động ba dòng họ lớn trong thôn (hai dòng họ Phùng Văn, một dòng họ Ngô Quang) giáo dục con em gương mẫu trong lối sống, sản xuất và tích cực tham gia vào các công việc của thôn. Để thu được hiệu quả thiết thực, Chi bộ phân công đảng viên phụ trách dòng họ. Định kỳ ba tháng/lần, Ban Chi uỷ cùng với trưởng các dòng họ đánh giá kết quả thực hiện, cùng bàn biện pháp khắc phục những hạn chế. Bằng cách làm này, không chỉ trách nhiệm của đảng viên nâng lên mà uy tín, vai trò của trưởng các dòng họ cũng thể hiện rõ. Nhờ đó, quy ước của các dòng họ và của thôn được người dân thực hiện nghiêm túc. Hơn hai năm qua, trong các dòng họ không có người vi phạm pháp luật, không có khiếu kiện; những khúc mắc trong nội bộ đều được hoà giải kịp thời. Việc cưới, việc tang của các hộ  tổ chức theo nếp sống mới, giảm hẳn ăn uống kéo dài; 100% số hộ hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước. Ở ba dòng họ, năm nào cũng có hơn 20 cháu được khen thưởng về thành tích trong học tập. Từ chuyển biến trong dòng họ đã tác động tích cực đến việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Tính riêng việc học, năm học vừa qua thôn có 8 cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Năm 2008, thôn có 67/68 hộ được công nhận gia đình văn hoá. Cùng đó hộ nghèo giảm còn 9 hộ; các hoạt động nhân đạo từ thiện được người dân tích cực hưởng ứng với tinh thần tự giác cao.

Ống tiền tiết kiệm ngày

Nếu như chi bộ thôn Đoài phát huy được vai trò của dòng họ trong việc vận động con cháu thực hiện nhiệm vụ chung của thôn xóm thì ở thị trấn An Châu (Sơn Động), Hội phụ nữ lại phát huy tối đa tinh thần tiết kiệm, tương thân tương ái của hội viên trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Mặc dù là trung tâm của huyện song tỷ lệ hộ nghèo ở thị trấn còn khá cao, trong đó một bộ phận là hội viên phụ nữ. Hưởng ứng Cuộc vận động lớn của Đảng, thời gian qua, Hội phụ nữ thị trấn đã triển khai sâu rộng mô hình "ống tiền tiết kiệm ngày" trong hội viên.

Để "ống tiền tiết kiệm ngày" thu được kết quả, các tổ phụ nữ đều xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, như: Mỗi ngày chị em tiết kiệm một số tiền nhất định bỏ vào ống dưới hình thức "của để dành"; người gửi không hưởng lãi. Khi đã có được một số tiền nhất định, các tổ bình xét cho những hội viên khó khăn vay phát triển kinh tế, định kỳ trả tiền lãi với mức 1% để tạo nguồn kinh phí sinh hoạt, khen thưởng hội viên tích cực, thăm hỏi hội viên lúc ốm đau…; tổ trưởng có trách nhiệm mở sổ theo dõi, tổng hợp, đôn đốc thu hồi nợ và lãi khi đến hạn; sau từ 1- 2 năm người gửi được rút vốn một lần.

Mặc dù quy định khá rõ ràng song ngày đầu triển khai mô hình cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do một bộ phận hội viên chưa thật tin tưởng vào hiệu quả của cách làm trên, cho rằng mỗi ngày tiết kiệm vài trăm đồng thì đến bao giờ mới được một khoản "ra tấm ra món"? rồi vấn đề thu hồi vốn... Tuy nhiên do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, trước hết là trong đảng viên, ban chấp hành các chi hội, thành viên tổ quản lý vốn… nên theo thời gian, đông đảo hội viên dần thấy được mục đích của "việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn" trên và tích cực hưởng ứng.

Qua tổng hợp, đến nay trên địa bàn đã thành lập được 11 tổ tiết kiệm với hơn 200 thành viên. Số tiền tiết kiệm lên đến 382 triệu đồng cho các hội viên khó khăn vay phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo. Thực tế ở thị trấn An Châu đã có nhiều hội viên thoát nghèo từ "ống tiền tiết kiệm ngày". Chị Trần Thị Nga, chi hội 2 là một điển hình. Vốn là hội viên khó khăn do thiếu vốn, lao động, sau khi được vay 11 triệu đồng mở quầy hàng tạp hoá, chị đã ổn định cuộc sống. Ngoài ra, từ đồng vốn nghĩa tình do chị em tiết kiệm cho vay, các chị: Trần Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Liên… cũng dần vượt qua khó khăn. Hiệu quả bước đầu của "ống tiền tiết kiệm ngày" đã khơi dậy trong hội viên ý thức tiết kiệm, tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đồng thời góp phần làm phong phú hơn hoạt động hội, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của địa phương đánh giá cao. Hội phụ nữ thị trấn An Châu luôn là một trong những điển hình của huyện Sơn Động./.

Lê Minh-Trần văn

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất