Thứ Bảy, 27/7/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Sáu, 21/2/2020 13:48'(GMT+7)

Nâng cao vị thế trung tâm chính trị cấp huyện từ thực tế Nghệ An

Lớp đối tượng Đảng thị xã Hoàng Mai đi thực tế, tìm hiểu thân thế và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê Bác. (Ảnh: Tuấn Thành)

Lớp đối tượng Đảng thị xã Hoàng Mai đi thực tế, tìm hiểu thân thế và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê Bác. (Ảnh: Tuấn Thành)

Ngay sau khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 25-10-2017) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 144-KH/TU (ngày 25-6-2018) về việc thực hiện chủ trương trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện (nay là trung tâm chính trị cấp huyện) và triển khai kế hoạch này đến các đơn vị liên quan. Việc làm trên đã tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của xã hội, tuy nhiên còn những vấn đề đặt ra cần tiếp tục giải quyết.

TẠO ĐỘNG LỰC MỚI

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Thị Thu Hường cho biết: Đến nay, toàn bộ 21 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã thực hiện trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện. Các trung tâm chính trị đã tiến hành xây dựng vị trí việc làm cho từng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường công tác; thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Các đơn vị đã xây dựng và ban hành quy chế hoạt động của ban tuyên giáo và trung tâm chính trị cấp huyện. Các trung tâm chính trị hoạt động ổn định và đi vào nền nếp. Các đồng chí giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị trước đây thôi giữ chức giám đốc, bổ nhiệm làm phó giám đốc yên tâm công tác và được bảo lưu phụ cấp đến hết thời hạn bổ nhiệm theo quy định.

Thực tế ở Nghệ An qua hơn một năm thực hiện chủ trương này, bước đầu cho thấy tính hiệu quả nhờ giảm khâu trung gian và quan trọng hơn, vị thế của trung tâm chính trị được nâng cao hơn so với trước đây.

Trưởng ban Tuyên giáo TP. Vinh Ngô Thị Hường trao đổi: Việc thực hiện chủ trương trưởng ban tuyên giáo đồng thời là Giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện đã tạo thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành và tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng trong công tác bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Đơn cử như việc, triển khai các vấn đề chỉ đạo của cấp ủy (từ Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy) cho trung tâm chính trị được đồng chí trưởng ban tuyên giáo lĩnh hội, triển khai ngay, thay vì chỉ đạo qua trung gian như trước đây. Sau khi thực hiện chủ trương này, một số trung tâm chính trị đã tiến hành giảm một biên chế. Không chỉ giảm được biên chế còn nâng cao trách nhiệm của đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách công tác tư tưởng gắn với công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn được rõ hơn, tham mưu, định hướng tư tưởng sát hơn.

Việc giao nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, ngành phối hợp hay phối hợp với các trường khác ở ngoài tỉnh trong triển khai nhiệm vụ của trung tâm chính trị  thuận lợi hơn. Những khó khăn của trung tâm chính trị được Thường trực, Ban Thường vụ nắm bắt một cách nhanh chóng, từ đó chỉ đạo hiệu quả, thiết thực hơn. Mỗi trung tâm chính trị thường có bảy đến 11 giáo viên kiêm chức, trong đó nòng cốt là các đồng chí trong thường trực, thường vụ… Việc phân bổ, giao nhiệm vụ cho giáo viên kiêm chức cũng thuận lợi hơn; điều đó, giúp mỗi giảng viên thấy trách nhiệm của mình trong đổi mới phương pháp giảng dạy, trau dồi kiến thức về lý luận cũng như kinh nghiệm thực tế.

Giảng viên được phân công công việc cụ thể hơn, sát với năng lực, sở trường của từng người. Công tác đôn đốc, kiểm tra quá trình soạn giảng và lên lớp của giảng viên được thường xuyên hơn.

Lãnh đạo huyện Nghi Lộc chia sẻ: Do đối tượng tham gia học tập, bồi dưỡng chính trị tại trung tâm chính trị phần lớn là cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở, có trình độ và cũng như thực tiễn, nên các giáo viên kiêm chức như chúng tôi đều chuẩn bị bài giảng khoa học, công phu, từ giáo án điện tử đến nội dung bài giảng phải sát thực tiễn, tránh khô khan, giáo điều…

Với “đầu tàu” mới, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm chính trị trong việc triển khai công tác chuyên môn cũng như đầu tư cơ sở vật chất. Trong năm 2019, các trung tâm chính trị huyện Tân Kỳ, Nghi Lộc, TP. Vinh,… mỗi đơn vị đã mở được từ 80 đến 100 lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng, đảng viên mới; lý luận trung cấp, sơ cấp, tập huấn nghiệp vụ… cho gần 10 nghìn cán bộ, đảng viên, vượt kế hoạch đề ra từ 10% đến 25%.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Tuy nhiên qua hơn một năm thực hiện chủ trương trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị cấp huyện, lãnh đạo tỉnh Nghệ An nhìn nhận còn bộc lộ một số tồn tại. Thí dụ như, do đồng chí trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị nên số giảng viên chuyên trách tại trung tâm chính trị giảm và chủ yếu sử dụng giảng viên kiêm chức nên công tác bố trí, sử dụng, quản lý đội ngũ giảng viên gặp khó khăn. Việc đảm nhiệm đồng thời hai chức danh cùng lúc, do đó nhiều vấn đề về điều hành chưa sát sao, nhất là công tác kiểm tra, giám sát chất lượng giảng dạy.

Do chưa có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; chế độ, chính sách của trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị nên cơ quan chủ quản thiếu căn cứ để đánh giá, xếp loại cuối năm hay chi trả chế độ cho giám đốc trung tâm chính trị.

Hiện, 12 trong số 21 huyện, thị xã ở Nghệ An chưa sáp nhập chi bộ trung tâm chính trị vào chi bộ Ban Tuyên giáo do chưa có quy định nên khó khăn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Các trung tâm chính trị cấp huyện là nơi sinh hoạt chính trị của địa phương nên phải được đầu tư bài bản và xứng tầm. Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An Trần Quốc Khánh cho biết: Do chưa có quy định chuẩn của trung tâm chính trị nên việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm chính trị tùy thuộc vào khả năng của từng địa phương. Hiện nay, bên cạnh một số địa phương có cơ ngơi trung tâm chính trị khang trang như thị xã Hoàng Mai, huyện Tân Kỳ… vẫn còn một số địa phương phòng học còn thiếu, hay xuống cấp.

Thực tế tỉnh Nghệ An cho thấy, để hoạt động của các trung tâm chính trị hiệu quả hơn, cơ quan chức năng từ Trung ương đến tỉnh, thành phố liên quan, sớm ban hành các hướng dẫn về tổ chức bộ máy, biên chế của trung tâm chính trị cấp huyện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ, chính sách của trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm chính trị.

Cần bảo đảm nội dung chương trình đào tạo của trung tâm chính trị cấp huyện không trùng lắp với các chương trình đào tạo khác. Đồng thời cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền cần ban hành quy định về tiêu chí và công nhận trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn quốc gia để các địa phương ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng./.

Tuấn Thành (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất