Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 6/2/2009 8:51'(GMT+7)

Hình tượng người chiến sĩ biên phòng qua cuộc vận động sáng tác VH-NT 2008

Cuộc vận động do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm ngày Biên phòng toàn dân và 50 năm ngày Truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) dành cho các thể loại: Văn học, âm nhạc, ảnh nghệ thuật. Sáng tác văn học và ca khúc được phát động tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh vào tháng 7/2007, kết thúc vào tháng 9/2008; cuộc thi ảnh nghệ thuật “Vì biên cương tổ quốc” phát động vào tháng 12/2007 và kết thúc tháng 10/2008. Sau 14 tháng phát động, đông đảo các tác giả trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã hưởng ứng tích cực cuộc vận động với 686 tác phẩm văn học (57 truyện ngắn của 47 tác giả, 73 bút ký của 56 tác giả và 556 bài thơ của 186 tác giả); 176 tác phẩm âm nhạc (174 ca khúc và 2 hợp xướng của 30 nhạc sĩ chuyên nghiệp, 10 tác giả trong lực lượng biên phòng) và 674 tác phẩm nhiếp ảnh của 123 tác giả.

Kết thúc cuộc vận động sáng tác, Ban tổ chức đã trao các giải thưởng cho các thể loại văn học, âm nhạc, nhiếp ảnh. Giải thưởng văn học, gồm: Truyện ngắn (01 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích); bút ký (02 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích); thơ (01 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích). Nhiếp ảnh có 01 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải 3 và 7 giải khuyến khích. Âm nhạc có 2 ca khúc đoạt giải nhất, 4 giải nhì và 9 giải ba.

Cuộc vận động sáng tác đã thu hút được đông đảo các tác giả trong và ngoài lực lượng BĐBP tham gia. Dù là nhà văn chuyên hay không chuyên, là người lính trực tiếp chiến đấu, công tác trên các tuyến biên giới hay của các tác giả ngoài quân đội, mỗi tác phẩm tham gia dự thi đều có những dấu ấn riêng của từng vùng miền: Nam-Bắc, miền núi-đồng bằng, đất liền-hải đảo với những công việc hết sức thầm lặng mà nghĩa tình sâu sắc. Đó là bước chân người lính biên phòng trong phiên tuần thông tuyến, là thầy giáo quân hàm xanh trong lớp học xóa mù chữ, là thầy thuốc, "bà đỡ" của dân bản vùng cao... Mỗi tác phẩm chan chứa, nồng nàn hơi thở của cuộc sống, tạo nên sức lay động lớn cho người đọc, người nghe, trong đó người chiến sĩ biên phòng trở thành hình tượng trung tâm.

Các tác phẩm gửi dự thi đã bám sát định hướng chủ đề do Ban Chỉ đạo đề ra. Dù được thể hiện bằng hình ảnh, ngôn ngữ hay âm thanh các tác phẩm đã khắc họa sinh động về người chiến sĩ biên phòng nơi biên cương, hải đảo và phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và hải đảo; phản ánh chân thực cuộc sống sinh hoạt, công tác, học tập của người chiến sĩ biên phòng; cuộc đấu tranh bền bỉ, gian khổ để giữ gìn bờ cõi nơi phên dậu của Tổ quốc...

Ở nhiều thể loại khác nhau, các tác phẩm đều tập trung thể hiện phẩm chất anh dũng, kiên trung, lòng yêu thương nhân hậu, nghĩa tình quân dân thắm thiết, tình đồng chí, đồng đội, tình bạn chân thành keo sơn gắn bó, tình yêu trong sáng, thủy chung, tinh thần lạc quan yêu đời, vượt lên trên tất cả mọi khó khăn gian khổ coi đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con các dân tộc là anh em ruột thịt... Thông qua hình tượng văn học nghệ thuật, những nét đẹp của phẩm chất ấy được tỏa sáng trong cuộc sống của người chiến sĩ biên phòng hết sức chân thành, giản dị có sức lay động lớn. Tất cả đã tạo nên hình tượng người lính biên phòng trên các tuyến biên giới, bờ biển, hải đảo của Tổ quốc với bức tranh sinh động, chân thực và cảm động.

Về thể loại truyện ngắn, ở Rừng thiêng của nhà văn Trần Hữu Tòng, mang đến một lối viết riêng, không tả thực mà bảng lảng, hư ảo, tầng tâm linh như hương đời của người lính để lại với rừng. Mượn chuyện rừng để dựng lên không gian nghệ thuật linh thiêng, bí ẩn và đầy hiểm nguy, nhưng vẫn rất trữ tình và thơ mộng nơi biên giới miền Tây Tổ quốc. Trong Đêm rừng, Nguyễn Duy Liễm sử dụng một ngôn ngữ già dặn, đậm chất dân tộc, văn phong hoạt, tiết tấu nhanh, giọng điệu riêng. Hình ảnh người lính biên phòng cắm địa bàn xây dựng cơ sở chống hoạt động phỉ của những ngày đầu cách mạng miền biên giới Đông Bắc đã để lại ấn tượng đẹp của lòng vị tha, nhân ái, độ lượng để cảm hóa người lầm đường lạc lối. Truyện ngắn Sinh ngày 3 tháng 3 của Lê Thị Bích Hồng lại như một tự truyện. Không văn hoa cầu kỳ mà mạch truyện cứ thế chảy. Một mạch chảy khiêm nhường chân thật. Chân thật đến từng chi tiết, đến từng lời thọai trong một tứ lạ về mối tình lặng của cô giáo trẻ với người học trò bằng tuổi, cùng ngày sinh 3 tháng 3 nơi biên cương cánh cung Đông Bắc Tổ quốc. Cậu học trò của ngày đầu với lý lịch tự khai: "Họ tên: Không ai cả. Ngày sinh: 3 tháng 3. Anh em: mỗi"... đã trưởng thành và trở thành người lính biên phòng quả cảm, cá tính, bản lĩnh và nhân hậu. Người lính ấy dám nhận hy sinh, chấp nhận hy sinh tuổi thanh xuân không một chút toan tính trong cuộc chiến đấu chống tội phạm. Anh đã vĩnh viễn nằm trong lòng đất mẹ, ôm chặt rải đất biên cương, cho rừng quế, rừng hồi tỏa hương; cho bông sở rắc mưa tuyết xốp; cho tình yêu dậy sóng bản tình ca bất tử. Nhưng “cậu học trò” ấy như vẫn còn day dứt, mắc nợ “cô giáo” cái điều chưa nói. Và cô giáo trẻ người Hà Nội đã quyết định chuyển công tác gần nơi “cậu học trò” yên nghỉ, để thầm thì: Bên anh là nhân dân, là đồng đội, và cả... Em đã đợi từ rất lâu...sẽ đi nốt đoạn đường anh chưa kịp đi, sẽ viết tiếp những gì anh chưa kịp viết, sẽ yêu trọn những gì anh chưa kịp yêu… ”. Và chính từ tình yêu, chỉ có tình yêu mới có thể cảm hóa và tôn con người với vẻ đẹp vĩnh hằng. Cái xấu, thói xấu không có nơi trú ngụ trong tình yêu đích thực. Tính nhân văn đượm trong từng con chữ của tác phẩm.

Ký, một thể loại được đánh giá có sức mạnh lớn với người đọc ở sự chân thật của cuộc sống. Các tác phẩm tham dự cuộc vận động là hơi thở cuộc sống, sự phong phú những sự kiện và mỗi tác phẩm thực sự có một đời sống riêng, mang tính điển hình cho mỗi vùng đất, con người. Bút ký Thọ lửa của tác giả Lê Huy Thành dựng lại chân dung một người lính biên phòng bình thường, giản dị, lặng lẽ như một dòng sông, một đời âm thầm đưa nước về biển cả. Nhưng phía sau vẻ bình thường ấy là bao nỗi trăn trở, dám nhận hy sinh, chấp nhận hy sinh. Chi tiết ngày cưới vợ, vì nhiệm vụ người lính đã không có mặt trong ngày đại sự của cả cuộc đời khiến người đọc cứ ám ảnh da diết. Chứng kiến bao khó khăn, người dân vất vả, bữa cơm chưa no, cái đói, cái nghèo rình rập, đeo bám, người lính biên phòng không yên lòng. Họ đã trở thành các nhà kinh tế, nhà lâm nghiệp, nhà nông, nhà ngư…tạo hướng phát triển cho vùng đất khó.

Tiến Vinh với Ghi được trên biển Tây Nam là câu chuyện thực, còn nguyên vị mặn mòi của biển, sống động trong cuộc chiến chống cướp biển trên vùng biên giới biển Tây Nam. Bút ký như một cuộn phim sinh động về câu chuyện của những người giữ biển. Cái ranh giới giữa nhiệm vụ và trách nhiệm, giữa nghĩa vụ và sự hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ biên giới biển Tây Nam của những người lính nơi đây với người dân ngư nghiệp mà tiêu biểu là anh Mọi, một ngư dân miền biển Kiên Giang đã đồng nhất, tạo thành ý thức trong mỗi con người. Họ có khác gì những rừng cây chắn gió, chắn bão cho mùa tôm, mùa cá bội thu, cho cuộc sống sinh sôi nơi cuối trời đất nước.

Cùng chung hơi thở của cuộc sống trên các tuyến biên giới, các bút ký Trạm Thanh, tết của những chàng trai chưa vợ của tác giả Nguyễn Thành Phú, Xa xanh biên cương của Phạm Vân Anh, Gặp Giàng Seo Phù ở Thơ Mây của Minh Phương, Đồng Văn - Người và đá của Hoàng Minh Tường, Cực Bắc bao nỗi lo toan của Đỗ Hoàng, Gặp ở xứ mưa của Đoàn Hữu Nam, Cha Lo mùa mưa đến sớm của Hữu Phương, Đầu nguồn non nước của Võ Bá Cường đều đã mang đến một nhịp sống với bao thực tế của người lính biên phòng đã trải, đang trải nơi biên cương xa xôi.

Về thể loại thơ, cuộc vận động sáng tác được sự quan tâm của nhiều cây viết nhất. Trong các tác phẩm gửi tham gia, biên độ được mở rộng cả về nội dung và hình thức đề tài thể hiện. Có lẽ chính nhờ từ cái đẹp của cuộc sống, cái thi vị của nơi biên giới, chất anh hùng ca của mỗi vùng đất, sự bao la, mênh mông của biển cả, hải đảo mà các tác phẩm cứ lung linh tỏa sáng.

Trong tác phẩm Đi qua mùa hoa mận, Trần Quang Quý thể hiện mạch thơ khỏe, hơi thở nồng nàn, sự vận dụng nhuần nhuyễn thể thơ tự do đã tạo ra cái tình dạt dào của người lính biên phòng với hình tượng thơ đẹp, tươi sáng và đầy suy tưởng. Tác phẩm Ghi ở Hoàng Liên núi, tác giả Hoàng Quý chủ động sử dụng bút pháp thiên về cổ điển, chọn một góc độ gần gũi, thể hiện thế giới nội tâm phong phú, tinh tế và đầy tràn không khí biên phòng, nơi mà người con trai là chiến sĩ biên phòng nói với mẹ về nơi mình đang sống, đang công tác cứ rực lên lấp lánh trong nét cười của mắt mẹ. Ở đây thi tứ không chỉ dừng lại tình cảm thiêng liêng của con với mẹ mà hình ảnh đã chuyển sang sự hy sinh, một sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ biên phòng mỗi độ tết đến xuân về. Cao Xuân Thái trong Nơi ngọn nguồn đất nước lại sử dụng âm hưởng ngợi ca, tha thiết và hào sảng, bám sát vào chủ đề, đề tài đặt ra. Mỗi câu thơ, mỗi khổ thơ và trong mỗi ý thơ, người đọc sẽ bắt gặp hình ảnh người lính biên phòng cứ thấp thoáng trên triền đá của miền cao nguyên đá. Những tên đất, tên rừng, mỗi dòng sông, con suối, mỗi ngọn cỏ nhành cây đều gắn với cuộc sống của người lính biên phòng, thành điểm tựa của tình yêu người lính, thành sức mạnh trong sự nghiệp bảo vệ biên giới hôm nay.

Dù sử dụng thể thơ nào, các tác phẩm Đường biên chạy dọc của Nguyễn Trung Kiên, Lớp học Biên phòng của Trương Hữu Thiêm, Buổi sáng ở Cốc Pàng của Vũ Tiến Kỳ, Tây Bắc của Phan Quế, Mùa yêu của Nguyễn Xuân Hải, Bảy núi của Bùi Văn Bồng… hình ảnh người lính biên phòng đều hiện lên đẹp đẽ, đầy sức thuyết phục. Mỗi tác phẩm đã là khúc ca về người lính hôm nay.

Về âm nhạc, các tác phẩm gửi dự thi đa dạng về hình thức, thể loại từ đơn ca, song ca, tốp ca, hợp ca, hợp xướng…Nhiều tác giả đã có những tìm tòi sáng tạo, phát triển nhuần nhuyễn từ chất liệu dân ca các vùng miền với vẻ đẹp riêng, độc đáo, ca từ đẹp tạo nên những ấn tượng mới mẻ, lôi cuốn người nghe. Lời ca “Chốt biên phòng chúng tôi, đường lên trời thì gần, đường suối suối thì xa” gợi lên biết bao sự gian nan, vất vả, có cả sự hy sinh lặng thầm của người lính biên phòng. Ở “Khúc ca lính biên phòng trên đảo” lại mang đến âm hưởng vui tươi, hùng tráng thể hiện chân thật tinh thần lạc quan, yêu đời, hồn nhiên vui nhộn đậm chất lính biên phòng. Đề tại biên phòng toàn dân vốn khó, nhưng đã được tác giả không chuyên Vũ Đức Tạo (BĐBP Quảng Ninh) đề cập một cách khéo léo bằng chất liệu làn điệu chèo Bắc bộ, mở ra không gian ngày hội thắm tình quân dân thắm thiết. Với Mùa xuân lính binh nhì của Phương Minh Quang đã chớp được cái hồn của anh lính trẻ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của không gian biên cương lúc hoàng hôn. Không lạ và mới với hình ảnh người lính quân hàm xanh vừa là thầy giáo, vừa là bác sĩ quân y, nhưng ca khúc Quân dân ý tế về bản lôi cuốn, làm say lòng người nghe lại chính ở âm hưởng sâu lắng, dào dạt.

Mặc dù Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Vì biên cương Tổ quốc” phát động muộn hơn (12/2007-30/10/2008), nhưng 674 tác phẩm gửi đến, gồm những chùm ảnh, bộ ảnh đã cho thấy sự nhiệt tình hưởng ứng của các nhiếp ảnh chuyên và không chuyên với người chiến sĩ biên phòng. Họ đã có nhiều cách tìm tòi chủ đề rất sinh động với những khuôn hình, góc máy đặc trưng của người am tường cặn kẽ về địa bàn, khí hậu, thời tiết của vùng biên cương. Thông qua các tác phẩm ảnh nghệ thuật, hình ảnh người chiến sĩ biên phòng được hiện lên chân thực, sinh động trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau: lúc là bước chân vội vã khi tuần tra, lúc vận động quần chúng, tham mưu giúp chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, xây dựng phòng tuyến biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân…

Cuộc vận động sáng tác của Bộ Tư lệnh Biên phòng và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp phát động và tổ chức là một cuộc vận động sáng tác đầy ý nghĩa đã khép lại. Sự khép lại của cuộc vận động này lại hứa hẹn mở ra cho những trang viết mới. Bởi đề tài biên phòng vẫn luôn tạo nên sự hấp dẫn thôi thúc trái tim người nghệ sĩ vì người lính biên phòng trên các tuyến biên giới đã trở thành hình tượng đẹp lôi cuốn cảm xúc dâng trào của người viết. Từ thành quả của cuộc vận động này đã nhìn thấy sẽ còn bội thu những sáng tác văn học nghệ thuật tích cực trước đề tài lớn về bộ đội biên phòng. Không dừng ở mục đích tập hợp những sáng tác tốt, Cuộc vận động sáng tác đó còn thúc đẩy ý thức, trách nhiệm và lòng yêu quý, kính trọng của các tác giả, các nhà văn trước đức hy sinh thầm lặng mà bộ đội biên phòng đã và đang gánh vác trách nhiệm rất lớn trước Đảng và nhân dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của Tổ quốc./.

Nguyễn Lê Hoài Anh
Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất