Để gấp rút hoàn thành đường Văn Cao - Tây Hồ cho kịp tiến độ “kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội”, đoạn thành duy nhất còn sót lại của Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ đã bị xúc đổ. Sau khi các phương tiện truyền thông và các nhà khoa học lên tiếng kêu cứu, đơn vị thi công đã tạm dừng. Nhưng chỉ được vài ngày, UBND TP Hà Nội lại vừa cho tiếp tục thực hiện đoạn đường nằm trên đoạn Hoàng thành Thăng Long này.
PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, Nghiên cứu viên cao cấp, Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PV xung quanh vấn đề này.
* Thưa ông, việc thám sát vệt thành cổ theo bản đồ Hồng Đức, đoạn Hoàng thành nằm dưới mặt đường Hoàng Hoa Thám, được chính thức xác định từ năm 2000. Dự án đường Văn Cao - Tây Hồ phê duyệt từ năm 2006, nhưng vì sao trong khoảng thời gian đó các nhà khảo cổ không lên tiếng bảo vệ đoạn thành này?
- Không hẳn như thế. Ngay từ khi dự án mở đường trên phố Hoàng Hoa Thám mới chỉ có ý định ban đầu thì các PGS.TS Trịnh Sinh và Hà Đình Đức đã có cảnh báo cũng như một số các nhà khoa học đã lên tiếng trên diễn đàn báo chí.
Năm 2002, Viện Khảo cổ học và Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội lại có một đề án khảo cổ học cụ thể và có cả các kiến nghị đầy đủ. Theo Viện trưởng Viện Khảo cổ học Tống Trung Tín, tên đề tài là “ Khảo cổ học với việc gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc ở Thủ đô Hà Nội - Kiến nghị và giải pháp”. Ấy vậy mà “họ” vẫn lờ đi và Dự án Đường Văn Cao Tây hồ được phê duyệt năm 2006, nhưng Sở VHTT Hà Nội, Hội Sử học và Viện Khảo cổ học không được biết.
Bản thân tôi thì có nghe nói “lơ mơ” về chuyện này, nhưng vẫn đinh ninh là họ làm cầu vượt nối tiếp đường Văn Cao sang phía Hồ Tây, chứ không nghĩ họ lại phá chính giữa thành để làm trụ móng cho cầu vượt theo hướng dọc đường Hoàng Hoa Thám và hạ thấp đoạn Hoàng Thành cổ cho bằng với mặt đường Văn Cao.
* Ông đã nhìn thấy máy xúc làm vỡ một cái bình thế kỷ VIII - IX, đó là chưa kể bao nhiêu di vật quý như nắp vung thời Trần, mảnh ngói, gạch vồ thời Lê... bị xúc lên như gạch đất vụn. Vậy tiếp theo ông và giới khảo cổ sẽ làm gì để cứu vãn đoạn thành đã bị xúc đổ?
- Như ta đã biết, đoạn thành bị phá là đoạn Hoàng Thành thời Lê sơ, mà bản đồ Hồng Đức (1490) đã vẽ rất rõ. Theo tôi tốt nhất là cho khai quật đoạn đã bị phá đến tận nền thành dưới cùng để tìm hiểu khảo cổ về đoạn thành này ở các thời đại Lý Trần. Đồng thời cho thu thập tiếp các hiện vật đã bị đào lên. Còn kiên quyết không để Ban Dự án cho phá tiếp đến đoạn dốc Tam Đa nữa.
* Có hai phương pháp bảo tồn di sản: bảo tồn tại thực địa hoặc hồ sơ hóa di tích rồi đưa vào bảo tàng, thư viện. Tùy từng việc cụ thể mà lựa chọn một trong hai phương pháp trên. Có trường hợp bên xây dựng phải "lùi" và cũng có trường hợp bên khảo cổ "lùi" vì mục tiêu chung của xã hội. Vậy với Hoàng thành, chúng ta nên ứng xử với di sản thế nào để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển? Ông đánh giá như thế nào về công tác này hiện nay ở Hà Nội nói riêng và ở nhiều địa phương nói chung?
- Viện Khảo cổ học và bên xây dựng đã bàn bạc và cùng lùi mấy lần còn gì, như Vườn hoa Đàn Nam Giao, (thuộc khuôn viên của Trung tâm Thương mại Vincom) hay di tích Đàn Xã Tắc (giao điểm của Đường Kim Liên kéo dài cắt đường Tây Sơn). Còn lần này “họ” bắt chúng tôi lùi theo cái kiểu rất “bề trên” (“Sở VHTTDL có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Viện Khảo cổ học, Sở GTVT khẩn trương nghiên cứu, thực hiện thu thập hiện vật trong phạm vi đã phát lộ xong trước ngày 20 tháng 5, tạo điều kiện, để chủ đầu tư Dự án tiếp tục triển khai liên tục các hạng mục công việc” - theo báo Dân Trí điện tử ngày 14/5).
Viện Khảo cổ học là một Viện nghiên cứu, không phải suốt ngày làm nhiệm vụ đi thu nhặt hiện vật của một Ban chủ nhiệm đã vi phạm Luật do Nhà nước ban hành. Họ lại gia hạn tới 20-5 (có nghĩa là chưa đầy một tuần), và chắc sau đó, họ lại để cho Ban Dự án phá Hoàng Thành tiếp, và nếu bị phát hiện lại bắt chúng tôi “đi đổ vỏ” sau khi học đã “ăn ốc”. Thật không thể hiểu nổi! Nhiều nơi đã và đang làm sai Luật Di sản Văn hoá, nhưng đây là Hà Nội, thì càng không thể chấp nhận được. Trước hết, chúng ta phải gương mẫu.
* Có ý kiến đăng tải trên báo của một nhà Hà Nội học cho rằng, việc thành phố cho dừng thi công là cách làm thức thời, tôn trọng ý kiến phản biện. Nhưng vì lợi ích phát triển đô thị hiện đại thì việc xẻ một đoạn đường đó không có gì là không trân trọng lịch sử, không quá ảnh hưởng đến bảo tồn. Ta còn cả một đoạn dài từ đầu vườn Bách Thảo đến đê Bưởi để nghiên cứu sau này. Nếu ta quá "lệ cổ", khăng khăng đòi bảo tồn nguyên trạng ở địa điểm này thì sẽ hạn chế sự phát triển của Thủ đô. Ông nghĩ gì về ý kiến này?
- Tôi không tin khi thấy người ta phá cả một đoạn thành cổ mấy trăm năm dài gần trăm mét mà một nhà Hà Nội học lại nói “không có gì là không trân trọng lịch sử”. Tôi đã phát biểu với báo chí tới 4 lần rằng đoạn mà họ xẻ là đoạn Hoàng Thành, cao nhất, đẹp nhất. Đoạn từ Bách Thảo đến dốc Tam Đa thấp hơn nhiều.
Nếu họ là người biết trân trọng lịch sử của cha ông thì làm cầu vượt băng qua đoạn Hoàng Thành này, như thế vẫn phát triển được công trình dân sinh và vẫn bảo vệ được đoạn thành vô giá.
Sau khi đọc trên mạng của báo điện tử Dân Trí tôi gọi điện cho GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch Sử VN. Giáo Sư cũng rất ngỡ ngàng về quyết định trên của UBND TP Hà Nội, và nhắc đi nhắc lại với tôi tới hai lần: “Tại sao thế Lân Cường nhỉ? Mình không thể hiểu nổi”.
* Chúng ta đã có luật di sản văn hóa nhưng những người làm quy hoạch và xây dựng nói rằng dự án mà họ thực hiện không đụng đến di sản văn hóa theo khái niệm luật này đưa ra?
- Hãy đọc lại mục 1, 2, 3 điều 37 luật Di sản Văn hoá. Tôi chẳng tin là họ không biết. Họ “lờ ” đi thì có.
* Xin cám ơn Phó Giáo sư!
Ðiều 37 Luật Di sản văn hóa:
1. Chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng công trình ở nơi có ảnh hưởng tới di tích có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin giám sát quá trình cải tạo, xây dựng công trình đó.
2. Trong quá trình cải tạo, xây dựng công trình mà thấy có khả năng có di tích hoặc di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin. Khi nhận được thông báo, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa – thông tin phải có biện pháp xử lý kịp thời để bảo đảm tiến độ xây dựng. Trường hợp xét thấy cần đình chỉ xây dựng công trình tại địa điểm đó để bảo vệ nguyên trạng di tích thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa - thông tin phải báo cáo lên cơ quan cấp trên có thẩm quyền quyết định.
3. Trong trường hợp cần tổ chức thăm dò, khai quật khảo cổ thì kinh phí thăm dò, khai quật do Chính phủ quy định. |
(Theo: ND)