TCTG đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đỗ Kim Cuông- Vụ trưởng Vụ Văn hóa- Văn nghệ về hiệu quả 2 năm cuộc vận động sáng tác, quảng bá về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Thưa ông, cuộc vận động sáng tác, quảng bá về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã đi được chặng đường hai năm. Theo ông, kết quả nào đáng ghi nhận nhất sau hai năm thực hiện cuộc vận động này?
Từ ngày 9/3/2008, Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng chính thức phát động cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học- nghệ thuật và báo chí về đề tài "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Chúng ta đã thực hiện được hai năm và bước sang năm thứ ba. Có thể nói hai năm qua, đây là phong trào vận động sáng tác được các nhà báo và anh chị em nghệ sĩ ủng hộ và tích cực tham gia, hưởng ứng cuộc vận động chính trị lớn của Đảng. Năm 2009 một trong những yêu cầu của BCĐ cuộc vận động là làm sao phát hiện những nhân tố mới học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trên tất cả các bình diện, công tác chính trị, văn hóa, kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp... Có hàng nghìn bài báo viết về các chủ đề này một cách sinh động ở cả 3 miền Bắc- Trung- Nam.
Như ông vừa nêu, số lượng tác phẩm trong năm thứ hai của cuộc vận động tăng lên đáng kể. Còn về chất lượng các tác phẩm tham gia cuộc vận động của năm 2009 so với năm đầu tiên- năm 2008 đã có chuyển biến như thế nào, thưa ông?
Năm 2009 điều đáng mừng là các Hội VHNT chuyên ngành TW và các hội địa phương đã có nhiều tác phẩm gửi về các cơ quan để thẩm định.Điều đáng mừng hơn là chất lượng tác phẩm năm nay cũng có khá hơn năm 2008 vì các tác phẩm không chỉ tập trung viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà các tác giả còn tập trung cho chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương Bác", thể hiện qua những nhân tố mới trong cuộc sống. Nói về những tấm gương học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM thực chất là chúng ta đang phản ánh bức tranh sinh động nhất của hiện thực đất nước, con người VN trong sự nghiệp đổi mới, trên các mặt trận công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực văn hóa- xã hội, nhân đạo...
Qua sự thẩm định của Hội Nhà báo VN và các hội VHNT chuyên ngành ở TW thì thấy rất nhiều các nhà báo, nhà văn lão thành, có tay nghề cao, cũng như nhiều nhà báo trẻ tham gia. Nhà văn Tô Hoài năm nay có tác phẩm được tặng thưởng viết về Lăng Bác Hồ; nhà văn dân tộc Y Điêng ở Tây Nguyên viết về một trung đội Ba-na trong kháng chiến chống Pháp học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, mặc dù họ chưa bao giờ đựoc gặp Bác, nhưng nghe về Bác và cảm khái tấm lòng trước vị lãnh tụ kính yêu họ đã sống và chiến đấu trên mảnh đất chống quân thù, lấy lời dạy của Bác để sống và chiến đấu; rồi những trường ca mới về Bác của nhà thơ Ngọc Bái hoặc Ngô Văn Phú. Tôi cho rằng ngoài việc hưởng ứng cho cuộc vận động sáng tác, ở đây thể hiện tấm lòng, tình cảm của các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ với vị lãnh tụ của mình. Và quan trọng hơn nữa là họ đã góp vào nền văn nghệ và báo chí nước nhà những tác phẩm mới viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Viết về lãnh tụ Chủ tịch Hồ Chí Minh là đề tài lớn và đòi hỏi ở người nghệ sĩ sự sáng tạo. Những tác phẩm sáng tác, quảng bá về cuộc vận động học tập và làm theo Bác trong hai năm qua khai thác đề tài viết về Bác ở những khía cạnh nào để đáp ứng được sự phát triển của thực tiễn cuộc sống, thưa ông?
Việc chúng ta có thêm những tác phẩm về Bác cũng chính là chúng ta muốn làm cho tư tưởng của Bác được tỏa sáng và công chúng hiểu thêm những giá trị của tư tưởng đó trên lĩnh vực báo chí và văn học- nghệ thuật.
Do thực tế đã có nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, viết vẽ nói về Bác mà công chúng đã được thưởng thức, do đó, đối với các nhà văn, nghệ sĩ hiện nay tái hiện hình tượng Bác trong những tác phẩm của mình buộc họ phải có những sáng tạo mới, buộc họ phải vượt qua những giá trị đã tồn tại và vượt qua chính mình để mang đến cho công chúng, độc giả, người xem những cảm hứng sáng tạo, những xúc cảm mới. Chúng tôi luôn luôn nghĩ những tác phẩm viết về Bác vẫn là những tác phẩm khó, đề tài viết về Bác vẫn là đề tài khó. Tuy nhiên trong những năm gần đây có rất nhiều tác phẩm sân khấu, bộ phim về Bác thật sự xúc động, đi vào lòng người xem.
Thưa ông, với những tác phẩm báo chí, thơ hoặc tiểu thuyết thì việc công bố dễ dàng hơn, nhưng đối với các tác phẩm văn học- nghệ thuật, đặc biệt là các tác phẩm sân khấu và điện ảnh thì việc công bố với công chúng còn qua một khâu dàn dựng nữa. Ban chỉ đạo có những định hướng như thế nào để các tác phẩm này được dàn dựng để đông đảo công chúng được thưởng thức, nối dài hơn nữa tác động của những tác phẩm này?
Hiện nay, việc đưa các tác phẩm đến với công chúng cũng là một chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. Theo tôi biết, hiện nay với một số kịch bản sẽ được hỗ trợ để làm sao các kịch bản sớm trở thành các bộ phim, vở sân khấu. Hiện nay nhiều đoàn không có kịch bản để làm, chứ không phải là không có tiền. Kịch bản có hay hay không? Rồi tài năng của các nghệ sĩ biến nó thành những kịch bản sân khấu, bộ phim thì lại đòi hỏi ở mức cao hơn. Với bộ phim, vở kịch là nghệ thuật tổng hợp, cần nhiều khâu. Nhưng tôi có thể đảm bảo là không có khó khăn gì khi biến các kịch bản hay trở thành một tác phẩm đến với công chúng. Vì hiện nay, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, còn có nguồn từ xã hội hóa để có kinh phí thích đáng để có nhiều tác phẩm hay.
Từ kết quả hai năm thực hiện cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm về chủ đề học tập và làm theo gương Bác, trong năm thứ ba, năm 2010 này, chúng ta hướng tới những mục tiêu nào để tiếp tục nhân rộng và làm sâu sắc hơn nữa cuộc vận động này?
Năm 2010 là năm có nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, đặc biệt là đại lễ ngàn năm Thăng Long. Do đó cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM trong việc sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí được lồng ghép với những vấn đề liên quan đến các sự kiện lớn này. Hơn nữa, năm 2011, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cũng sẽ được tiến hành. Vì vậy, việc sáng tạo các tác phẩm VHNT, ngoài việc phục vụ cho chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ còn được các nhà báo, những người nghệ sĩ thể hiện trên nhiều mảng đề tài khác nữa. và như vậy nó sẽ tạo ra môi trường sinh hoạt báo chí và sinh hoạt văn nghệ rất sôi động trên khắp cả nước.
Chúng tôi hy vọng, chính việc thể hiện một cách đa dạng, phong phú các chủ đề trên các tác phẩm VHNT sẽ góp phần làm cho đời sống sinh hoạt, văn hóa văn nghệ của đất nước cũng có những nét mới. Cuộc vận động sáng tác, quảng bá về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" còn tiếp tục được thực hiện tới năm 2011 cũng sẽ góp phần đóng góp những tác phẩm có giá trị cho nền văn học nước nhà, động viên các tầng lớp nhân dân thi đua xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, vững bước trên con đường hội nhập.
Vâng, xin cảm ơn ông./.
- Mai Hồng t/hiện -