(TCTG) - Lễ hội mở ra là điều cần thiết, nó nhắc người ta nhớ đến cội nguồn, bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, tổ tiên. Dù với quy mô cấp làng, xã hay một vùng địa phương, lễ hội cũng đem đến cho người dân một đời sống tinh thần vui tươi, phấn khởi, tình cảm cộng đồng xích lại gần nhau hơn.
Trước hết phải khẳng định, khi lễ hội mở ra, dù với quy mô cấp làng, xã hay một vùng địa phương, đều ít nhiều đem đến cho người dân ở các vùng nông thôn một đời sống tinh thần vui tươi, phấn khởi. Nhiều địa phương còn mời cả đoàn Quan họ hoặc hát Chèo về biểu phục vụ miễn phí bà con. Tinh thần đoàn kết giữa mọi người trong cộng đồng dân cư được nâng lên và thể hiện rất rõ thông qua việc phối hợp, phân công và chuẩn bị cho lễ hội. Nhờ lễ hội, người dân quê sau những ngày lao động vất vả, được nghỉ ngơi và có điều kiện gặp gỡ, giao lưu với con em quê hương đi xa về.
Trong không khí nhộn nhịp, phụ nữ trổ tài nấu nướng, nữ công gia chánh; nam giới, thanh niên hăng say chăng đèn kết hoa, cắt dán khẩu hiệu, trang trí cổng chào. Trẻ em được vui đùa và có dịp hiểu thêm về truyền thống địa phương, tự hào về những bậc tiền nhân có công khai phá vùng quê mình thuở xưa. Người già phấn khởi ôn lại những nghi lễ truyền thống mà trong cơ chế thị trường phần nào đã bị mai một. Con em đi xa có dịp về quê công đức và “mở mày mở mặt” với họ hàng làng xóm về sự “ăn nên làm ra” của mình...
Nhưng “hậu” lễ hội thì sao?
Phần lớn các lễ hội làng, ngoài một phần kinh phí của chính quyền địa phương hỗ trợ, Ban tổ chức phải huy động sự “chung tay góp sức” - đóng góp công của từ bà con địa phương. Tuy nhiên mặt bằng kinh tế ở các vùng nông thôn không đồng đều, nhiều gia đình có điều kiện, nhưng cũng không ít gia đình cũng còn khó khăn.
Để chuẩn bị cho một bữa liên hoan chung của làng trong dịp lễ hội, có nơi Ban tổ chức quy định mỗi khẩu đi ăn phải góp tối thiểu là 50.000đ. Như vậy, nếu kể cả tiền “tu lễ’, thì mỗi người muốn “tham gia trọn vẹn” vào hội làng sẽ đóng góp từ 70.000 - 80.000đ. Đối với những gia đình có điều kiện thì đó là một việc rất đơn giản. Nhưng đối với những hộ khó khăn, hai vợ chồng làm ruộng nuôi bố mẹ già và mấy đứa con nhỏ, nếu để “theo kịp làng” thì cả nhà phải đóng góp từ 400.000 - 500.000đ (khoảng gần một tạ thóc). Điều khó xử cho những gia đình có hoàn cảnh như thế chính là ở chỗ: Nếu tham gia hội làng mà không đóng góp thì sợ mang tiếng (tâm lý “miếng giữa làng” và “thua thầy một vạn không bằng thua bạn một ly”), mà góp thì... lấy đâu ra. Cũng có gia đình vay mượn để tham gia đầy đủ, tránh mang tiếng “thua chị kém em”, nhưng có nhà không thể “xoay xở” được, đành… không tham gia hội làng.
Nhiều địa phương, Ban tổ chức đã chủ động miễn hết các khoản đóng góp đối với gia đình khó khăn (nghĩa là những gia đình đó không cần đóng góp một khoản nào, nhưng vẫn được “quyền” tham gia vào sinh hoạt liên hoan, tế lễ trong hội làng), tuy nhiên với tâm lý “tự trọng” thái quá, nên các gia đình có hoàn cảnh như vậy thường tìm lý do… vắng nhà vào ngày “ăn uống” để khỏi phiền mọi người và tránh điều tiếng! Có những người kinh tế khá giả, ủng hộ tiền triệu hoặc vài két bia cho bữa liên hoan thì lại bị “xầm xì điều tiếng” cho là ... chơi trội. Người không ủng hộ được thì tủi thân. Thật là phiền phức!
Khi mở hội, hầu hết người dân trong làng đều náo nức, phấn khởi bắt tay vào việc chuẩn bị, từ sắm sửa, trình bày làm sao để mâm lễ của xóm mình đẹp hơn, tố hảo hơn với các thôn, xóm khác. Có thôn mua lợn về quay, có xóm cầu kỳ kết hoa quả thành hình rồng phượng. Những đồ dùng trong nhà, thậm chí cả mâm sơn son thiếp vàng tổ tiên để lại cũng đem ra dùng cho việc dâng lễ của làng. “Con gà tức nhau tiếng gáy”, làng bên đóng kiệu đầu rồng để rước lễ, thì xóm mình cũng phải mượn kiệu thuê mâm của dịch vụ đám cưới cho khỏi “úi xùi”. Cổng chào được đầu tư công phu, từ trang trí đèn lồng đến cờ hoa đủ loại màu sắc, nhiều làng còn cầu kỳ thuê in phun trên khổ lớn bằng loại bạt chuyên dùng cho quảng cáo…
Với quy mô, cấp độ của một lễ hội làng được đầu tư chuẩn bị, trang trí công phu như vậy, tất nhiên là rất đẹp mắt, rực rỡ và vui vẻ trong những ngày khai hội. Nhưng điều đáng nói là, sau lễ hội, rất nhiều nơi chẳng ai muốn dọn nó đi. Không phải vì người ta tiếc công trang trí, muốn “níu kéo” thêm một thời gian nữa, mà cái chính là tình trạng “cha chung không ai khóc”. Dường như Ban tổ chức và người dân chỉ chú ý đến việc phân công, đốc thúc, nhiệt tình, hăng hái ở thời gian “tiền” lễ hội, còn “hậu” lễ hội thì lại rơi vào tình trạng vô trách nhiệm, “đánh trống bỏ rùi”. Ai mượn gì ở đâu thì tự đi trả, lỡ có hỏng thì cũng lẳng lặng bỏ tiền túi ra mà lo chữa đền. Nhiều địa phương có những cổng chào dựng từ lễ hội rằm tháng giêng đến bây giờ cờ đã cũ nát hết, câu đối hai bên cái còn cái mất, cổng tre choán hết cả lối đi, gây cản trở giao thông… nhưng cũng chẳng ai dọn đi. Người làm ra thì cho rằng: ta đã có công làm, người khác phải có công dọn. Người không làm thì lại nghĩ: ta có làm đâu mà dọn. Lại có người quan niệm: ở gần nhà ai người ấy dọn... Cứ thế, lâu dần, sự nể nang không dám nói cộng với tinh thần thiếu trách nhiệm đã vô tình ăn mòn tình làng nghĩa xóm, trái ngược hẳn với không khí hăng hái và tinh thần đoàn kết trước khi vào hội. Nguyên nhân chính là, ai cũng nghĩ nhiệm vụ thu dọn “hậu” lễ hội là của Ban tổ chức, là việc chung, không phải của riêng nhà mình…
Thiết nghĩ, lễ hội mở ra là điều cần thiết, nó nhắc người ta nhớ đến cội nguồn dân tộc, bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, tổ tiên... Khi lễ hội mở ra, mọi người vui vẻ, đoàn kết thì cũng cần phải làm sao để sau lễ hội, làng xóm giữ được sự sạch đẹp văn minh, đời sống tinh thần được nâng cao, tình cảm cộng đồng xích lại gần nhau hơn… Đây chính là lúc cần đến sự phát huy cao độ vai trò của người lãnh đạo cộng đồng dân cư, đặc biệt là cán bộ thôn xóm. Nên chăng khi đã cử người đứng ra đảm nhiệm cương vị Ban tổ chức lễ hội thì cũng cần lưu ý cả trách nhiệm phần “hậu” lễ hội.
Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương trong các dịp tổ chức lễ hội, đón Bằng công nhận di tích lịch sử, danh hiệu Làng văn hoá…, lãnh đạo thôn đã giao “toàn quyền” công việc cho Đoàn Thanh niên, từ trang trí, chuẩn bị đón tiếp đến phục vụ trước, trong và sau khi công việc kết thúc… tất cả đều được thực hiện rất chu đáo, có trách nhiệm. Một số địa phương lại phát huy được sự phối hợp giữa Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ trong công tác tổ chức và hậu cần...
Đối với các lễ hội truyền thống ở quy mô thôn, làng, thiết nghĩ, những vị “đức cao vọng trọng” trong Ban khánh tiết của làng chỉ cần lo chu đáo phần Lễ, phần Hội nên giao trực tiếp cho các đoàn thể, tránh “ôm đồm” để xảy ra tình trạng “tiền hậu bất nhất”, “cha chung không ai khóc”.
Việc sắm sửa lễ vật và tổ chức ăn uống cũng không nên quá phô trương, lãng phí, tốn kém, khiến cho mức đóng góp theo quy định “bổ” vào đầu người quá cao. Một số địa phương hiện nay, từ kinh phí của chính quyền hỗ trợ và tiền công đức, ủng hộ của con em đi ra ngoài và của các gia đình có điều kiện, Ban tổ chức đã trích quỹ ra theo đầu khẩu mỗi người 10.000đ. Như vậy vừa tiết kiệm lại vừa tạo được sự thân thiện, đoàn kết, hồ hởi trong cộng đồng. Người giàu không bị mang tiếng là “chơi trội”, người nghèo cũng không mặc cảm. Sau lễ hội, tất cả mọi người trong thôn vui vẻ, quây quần “thụ lộc” bằng đồ chay (bánh đúc, xôi chè)…
Tổ chức lễ hội đã khó, giữ được trên thuận dưới hoà, trong ấm ngoài êm sau lễ hội lại càng khó hơn và không phải nơi nào cũng làm được. Giữ gìn những nghi lễ, phong tục truyền thống trong tổ chức lễ hội là điều đáng trân trọng, nhưng đáng quý hơn là sự hài hoà, phù hợp với tinh thần xây dựng nếp sống văn hoá mới ở khu dân cư. Điều này đòi hỏi ý thức của mỗi người, trong đó có vai trò quan trọng của người “cầm cân nảy mực” ở các ban, ngành, đoàn thể địa phương. Cốt sao sau lễ hội, mọi người đều vui vẻ hoà thuận./.
Diễm Nguyệt